Nhiều bất cập trong chế tài xử phạt mũ bảo hiểm Nghị định 46

Ý kiến phản biện 10/09/2016 16:33

Quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi lưu thông bằng mô tô, xe máy đã được thực hiện ở nước ta gần 10 năm, tuy nhiên thực tế vi phạm vẫn liên tục xảy ra. Trong khi đó, nhiều ý kiến chuyên gia và lực lượng CSGT cho rằng, các chế tài pháp luật mới, đặc biệt là Nghị định 46/2016 của Chính phủ còn chưa phù hợp trong quy định xử phạt đối với lỗi vi phạm này.

 

Chế tài xử phạt mũ bảo hiểm chưa hợp

Từ năm 2007, theo Nghị quyết 32 được Thủ tướng Chính phủ ban hành, từ ngày 15-9-2007, người đi mô tô, xe máy trên tất cả các tuyến quốc lộ sẽ bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. Tiếp đến, kể từ ngày 15-12-2007, người đi mô tô, xe máy trên tất cả các tuyến đường (kể cả trong đô thị) đều bắt buộc phải đội MBH. Cùng với đó, từ ngày 10/4/2015 trở đi, mọi vi phạm về không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em cũng đồng loạt bị xử phạt. Tất cả những quy định nêu trên được đánh giá là vô cùng đúng đắn và cần thiết, để bảo vệ an toàn, giảm thiểu rủi ro cho người tham gia giao thông.

Để thực hiện mục tiêu này, hàng loạt kế hoạch hành động thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm cho người ngồi trên mô tô, xe máy, xe máy điện đã được phát động, triển khai trên phạm vi toàn quốc, với kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trong nhân dân. Điển hình như: kế hoạch ra quân của các lực lượng CSGT nhằm nhắc nhở, xử lý vi phạm; kế hoạch thực hiện chương trình “Mũ bảo hiểm cho trẻ em” do UBATGTGQ và các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Việt Nam thực hiện... Bên cạnh đó, nước ta cũng đã có nhiều đề án nhằm chấn chỉnh vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp máy. Cụ thể như: Kế hoạch 69/2014 về xử lý mũ bảo hiểm không đạt chuẩn của UBATGTQG; Thông tư Liên tịch số 60/2013 của Liên Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Công an và Bộ GTVT về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe máy, xe đạp máy.

2 Chế tài xử phạt mũ bảo hiểm chưa hợ

Trao đổi với phóng viên Kênh VOV Giao thông Quốc gia, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt, công an thành phố Hà Nội cũng cho biết, xử lý vi phạm mũ bảo hiểm là việc làm thường xuyên của CSGT thủ đô. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các lực lượng chức năng đã liên tục phát hiện các trường hợp vi phạm lỗi này khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe máy điện.

Đại tá Đào Vịnh Thắng nêu thực tế: “Trong những thời điểm vừa qua, phòng CSGT đã tham mưu cho giám đốc để có tập trung xử lý vi phạm không đội mũ bảo hiểm đối với các phương tiện xe mô tô, xe máy điện, đã đưa các lực lượng công an các quận huyện, CSCĐ cùng xử lý. Các đối tượng thanh thiếu niên, thậm chí có cả cán bộ, công nhân viên chức nhà nước mang mũ bảo hiểm đi cạnh nhưng treo ở xe, không đội, hoặc đội chỉ là hình thức bao biện, không cài quai. Khi các lực lượng thực thi làm nhiệm vụ kiểm tra xử lý thì đưa ra rất nhiều lý do”.

Theo ý kiến của lực lượng CSGT, những vi phạm liên quan đến mũ bảo hiểm còn liên tục xảy ra trong thời gian qua, một phần bắt nguồn từ ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm của một bộ phận người dân, nhưng đồng thời cũng cho thấy quy định pháp luật của nước ta còn chưa đủ sức răn đe. Đặc biệt, mới đây nhất, Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đường sắt đã điều chỉnh mức xử phạt đối với 183 nhóm và hành vi vi phạm, tuy nhiên lại chưa có sự tăng nặng đối với vi phạm mũ bảo hiểm. Đây là một vấn đề đáng lưu ý.

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an thành phố Hà Nội nhấn mạnh thêm: “Riêng vi phạm không đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên mô tô, xe máy thì chưa được nâng lên, chế tài xử phạt cũng chưa đủ sức răn đe nên cũng hạn chế. Rõ ràng những đối tượng khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm là hành vi coi thường pháp luật. Quan điểm của tôi là đối với các mức này cũng phải nâng chế tài xử lý đối với người cố tình vi phạm”.

Theo các chuyên gia, mũ bảo hiểm có tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ vùng đầu cho người người đi mô tô, xe máy, xe đạp máy, giảm bớt chấn động khi bị va đập và giảm nguy cơ gây chấn thương sọ não. Nếu không đội hoặc đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn, không đúng cách thì khi tai nạn xảy ra, người điều khiển và người ngồi trên phương tiện sẽ rất dễ bị tử vong hoặc tàn tật suốt đời.

Trả lời về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhấn mạnh, theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới WHO tại VN cho biết, theo nghiên cứu của WHO, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe máy điện là một trong 5 nguy cơ chính đối với ATGT và TNGT trên toàn cầu, trong đó bao gồm cả Việt Nam.

“Tại sao phải đội mũ bảo hiểm, bằng chứng trên thế giới cho thấy đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn, đúng quy cách, thì có thể giảm tỷ lệ tử vong trong trường hợp xảy ra TNGT cho người đi mô tô xe máy đến 40%, và giảm nguy cơ bị chấn thương sọ não nặng đến 90%”, ông Khuất Việt Hùng lưu ý.

Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, các tổ chức đoàn thể, bản thân mỗi người tham gia giao thông cũng cần tự nâng cao ý thức của chính mình, nghiêm chỉnh chấp hành đúng các quy định pháp luật về giao thông, góp phần đem lại sự an toàn cho chính mình và mọi người xung quanh.

Để làm được điều này, công tác tuyên truyền phải tiếp tục được thực hiện sâu rộng trên tất cả các địa bàn, có sự tham gia của tất cả cơ quan, đoàn thể, trường học và chính quyền địa phương. Các hành vi vi phạm phải được nêu lên, để mọi người tham gia giao thông thấy được ý thức trách nhiệm và nghiêm túc chấp hành. Ngoài ra, như ý kiến đề xuất của lực lượng CSGT, chế tài xử phạt vi phạm mũ bảo hiểm cần phải được xem xét tăng nặng để tăng tính răn đe; đồng thời phải có mức xử phạt nghiêm khắc hơn đối với các hành vi tái phạm. Song song với đó, cơ sở hạ tâng, biển báo hiệu và tổ chức giao thông cũng phải tiến tới thực hiện khoa học, đồng bộ, để kiện toàn tình hình trât tự an toàn giao thông nói chung và chấn chỉnh vi phạm nói riêng trong thời gian tới. 

Ý kiến của bạn

Bình luận