Thủ tướng: Tập trung làm thêm 3.000km cao tốc, đường sắt tốc độ cao

Giao thông 24h 13/01/2023 18:47

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo định hướng Bộ GTVT triển khai nhiệm vụ năm 2023, nhiệm kỳ này tập trung phát triển đường bộ cao tốc, nhiệm kỳ sau tập trung phát triển đường sắt tốc độ cao.

Thủ tướng: Tập trung làm thêm 3.000km cao tốc, nhiệm kỳ sau làm đường sắt tốc độ cao - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Bộ GTVT chỉ đạo, điều hành quyết liệt

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 của Bộ GTVT vào chiều 13/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, năm 2022, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng và cân đối lớn của nền kinh tế (thu, chi, xuất nhập khẩu, xăng dầu...), an ninh quốc phòng được giữ vững, uy tín quốc tế nâng lên. Đây là thành tích chung của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có ngành GTVT.

''Công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ GTVT quyết liệt, quyết tâm, nắm chắc vấn đề để chỉ đạo; các hoạt động của ngành GTVT nhanh chóng trở lại, khắc phục hậu quả của đại dịch; vào cuộc toàn diện", Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định và chỉ rõ, Bộ GTVT là bộ hoàn thành sớm 4/5 quy hoạch chuyên ngành, hiện chỉ còn quy hoạch hàng không, cần trao đổi với các nhà nghiên cứu, có kinh nghiệm để hoàn thành sớm.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, quy hoạch sân bay phải có tính lưỡng dụng. Quan trọng nhất là đầu tư ít và hiệu quả, quy hoạch phải chỉ ra được chỗ đó, chứ không phải ít hay nhiều. "Các đồng chí làm tích cực quy hoạch, ít có bộ, ngành nào làm được như thế", Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT và quyết tâm của các ngành, từ Trung ương đến địa phương.

Thủ tướng: Tập trung làm thêm 3.000km cao tốc, nhiệm kỳ sau làm đường sắt tốc độ cao - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (giữa) tại hội nghị

Người đứng đầu Chính phủ cũng biểu dương Bộ GTVT và các địa phương đã khởi công 12 dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Sắp tới, còn 18 dự án khởi công đồng loạt và phải hoàn thành 22 dự án là khối lượng công việc rất lớn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông được huy động từ 5 nguồn, gồm: Đầu tư công; phục hồi kinh tế; tăng thu, giảm chi; nguồn vốn của các địa phương; huy động ngoài ngân sách.

"Định hướng của nhiệm kỳ này là tiếp tục tập trung cho đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt cho cao tốc, để tất cả các tỉnh đều có đường cao tốc, để nhiệm kỳ sau tập trung cho đường sắt tốc độ cao", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Tại hội nghị, Bộ GTVT được Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các kết quả nổi bật khác như: Tỷ lệ giải ngân cao; phục hồi vận tải vượt bậc sau đại dịch Covid-19; xây dựng thể chế; triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số; công tác phối hợp giữa Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương.

Dịp này, Thủ tướng cũng ghi nhận, biểu dương, cảm ơn nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khi đảm nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ GTVT đã triển khai rất tốt nhiệm vụ, mang lại các kết quả tích cực của ngành GTVT.

Thủ tướng: Tập trung làm thêm 3.000km cao tốc, nhiệm kỳ sau làm đường sắt tốc độ cao - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Bộ GTVT

Khởi động lại đầu tư BOT, BT

"Bộ GTVT phải bỏ ngay việc ôm đồm quản lý nạo vét, luồng lạch, cảng, bến ở địa phương. Dứt khoát không ôm việc của địa phương. Người ta ở đó hàng ngày, người ta quản lý tốt hơn nhiều", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói về phân cấp quản lý giao thông đường thủy nội địa cho địa phương.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, từ những hạn chế, tồn tại trong năm 2022, Bộ GTVT cần rút ra bài học đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn; với quyết tâm cao thì khó mấy cũng làm được.

"Bộ GTVT phải đặc biệt đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cá thể hóa trách nhiệm, phân bổ nguồn lực, gắn kiểm tra, giám sát,... Nếu các đồng chí ôm hết thì làm sao khởi công được 12 dự án như vừa rồi. Các địa phương làm rất quyết liệt, như các dự án Vành đai 2, Vành đai 4 ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội làm nhanh", Thủ tướng chỉ đạo.

Đề cập vấn đề phối hợp giữa các bộ, ngành nói chung, theo Thủ tướng, hiện chỉ có bộ Quốc phòng và Công an phối hợp tốt, còn lại các Bộ khá ì ạch. Vì vậy, các bộ cần phối hợp để giải quyết các vướng mắc pháp lý dự án, nếu ý kiến khác nhau, các Bộ trưởng phải gặp nhau để giải quyết.

"Còn nhiều hạn chế, điểm nghẽn, còn chồng chéo quy định pháp luật, phải rà soát lại. Một dự án đường cao tốc được Quốc hội phê duyệt, cứ thế triển khai, chứ qua ruộng lúa, rừng cây,... lại đi xin ý kiến bộ Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường. Thế nên phải tập trung giải quyết vướng mắc pháp lý", Thủ tướng ví dụ.

Thủ tướng: Tập trung làm thêm 3.000km cao tốc, nhiệm kỳ sau làm đường sắt tốc độ cao - Ảnh 5.

Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt được đầu tư theo hình thức PPP

Về chính sách đầu tư dự án theo hình thức BOT, Thủ tướng nêu rõ, chủ trương dùng đầu tư công để dẫn dắt đầu tư nên Bộ GTVT phải có báo cáo để có chính sách thu hút lại nguồn lực này, chứ không thể khai tử chính sách, nguồn lực này.

Dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu không được chia nhỏ các gói thầu dự án giao thông, xử lý dứt điểm tình trạng bán thầu, cũng như tránh để xảy ra vụ tiêu cực như trong lĩnh vực đăng kiểm ô tô, tổ chức lại hoạt động đăng kiểm ô tô.

"Năm 2022, Bộ GTVT đạt được nhiều mặt được hơn chưa được, song cái chưa được nhức nhối, kéo dài nhiều năm. Cần bình tĩnh, khắc phục bằng được những hạn chế bất cập", Thủ tướng căn dặn.

Nhiều bài học kinh nghiệm

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng báo cáo Thủ tướng và hội nghị các kết quả đạt được, tồn tại hạn chế của ngành GTVT năm 2022.

Thủ tướng: Tập trung làm thêm 3.000km cao tốc, nhiệm kỳ sau làm đường sắt tốc độ cao - Ảnh 6.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị

Trong đó, các mặt nổi bật như: Hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng VBQPPL; hoàn thành 5/5 quy hoạch ngành quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4/5 quy hoạch (các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa, quy hoạch về lĩnh vực hàng không đã được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua, đang hoàn chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt), là một trong những bộ hoàn thành công tác lập quy hoạch sớm nhất.

Trong năm qua, sản lượng vận chuyển hàng hóa tăng 23,7%; hành khách tăng 29,4%. Năm 2022, Chính phủ đã trình và được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia. Hoàn thành và đưa vào khai thác đảm bảo chất lượng 22 dự án.

Tỷ lệ giải ngân của Bộ GTVT tiếp tục duy trì trong nhóm đầu của các bộ, ngành. Tính đến 31/12/2022, Bộ GTVT giải ngân lên đến 47.905 tỷ, khoảng 87% kế hoạch (cả nước bình quân khoảng hơn 75%); dự kiến hết năm tài chính, sẽ giải ngân được 95,7% tổng kế hoạch được giao.

Các cơ quan thuộc Bộ đã hoàn thành 22 chỉ tiêu/nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về xây dựng Chính phủ điện tử; duy trì cung cấp 291 dịch vụ công trực tuyến; tiếp nhận và xử lý 300 nghìn hồ sơ (tăng 15% so với năm 2021); cơ bản hình thành 4 bộ cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung.

Năm 2022, Bộ GTVT tập trung rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy với mục tiêu tinh gọn, giảm các cơ quan trung gian, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đã giảm 1 đầu mối cấp Tổng cục, 4 đầu mối cấp Vụ, 1 đầu mối cấp Cục, 4 đầu mối cấp chi cục, 2 trung tâm và không còn Phòng trong Vụ. Năm 2022, đã được Bộ Chính trị thông qua đề án tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy VN (SBIC).

Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thẳng thắn nêu còn 2 hạn chế lớn nhất là vụ án tham nhũng, tiêu cực xảy ra tại cục Đăng kiểm VN và một số trung tâm đăng kiểm thể hiện sự tự chuyển hóa, tự diễn biến; một số dự án giao thông bị chậm tiến độ.

"Năm 2023, Bộ GTVT tập trung 6 giải pháp: Tập trung đẩy nhanh các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng; tiếp tục quản lý chặt chẽ dự án, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; xây dựng thể chế; phân cấp, phân quyền để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp, người dân...", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Các tỉnh, thành phải chủ động hơn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2023 được dự báo tình hình chung là khó khăn, các định chế thế giới dự báo, một số nền kinh tế suy thoái; tăng lãi suất tác động, thu tiền về sản xuất thu hẹp lại; tình hình chiến sự Ukraine; sự phân cực của thế giới. Cần xác định khó khăn nhưng khó khăn nào cũng phải vượt qua. Quan trọng phải biết để chuẩn bị tâm thế, chủ động tích cực để đối phó.

"Nghiêm túc triển khai Nghị quyết 13 của Trung ương, đến 2025 phải làm thêm 3.000km cao tốc. Bộ GTVT phải bám sát nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ để thực hiện. Phải tập trung huy động nguồn lực BT, BOT...", Thủ tướng nói.

"Mình mạnh dạn, nhưng có cơ chế để kiểm soát, để không có tham nhũng, tiêu cực. Quốc lộ qua địa phương thì phải giao địa phương. Tới đây nếu có 5.000km cao tốc thì Bộ GTVT quản lý hết sao được. Phải đổi mới, sáng tạo, phải chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn", Thủ tướng nói thêm

Các tỉnh, thành phố phải chủ động theo chức năng, thẩm quyền. Hôm nay chẳng thấy Chủ tịch nào; có tỉnh tích cực, có tỉnh ì ra. Các tỉnh phải tích cực, chủ động hơn, biến không thành có, khó thành dễ,... không thể chỉ trông chờ trung ương. Triển khai công việc phải có bài bản", Thủ tướng nêu quan điểm chỉ đạo, điều hành.