Trạm thu phí trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. |
Tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang dài khoảng 45km, do liên danh nhà đầu tư BOT, gồm: Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại 319, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest làm chủ đầu tư; được thông xe vào tháng 1-2016 và chính thức thu phí hoàn vốn từ ngày 25-5.
Điều đáng nói, chỉ sau chưa đầy 1 tháng tiến hành thu phí, tuyến cao tốc này đã bộc lộ hàng loạt bất cập, gây bức xúc cho người tham gia giao thông cũng như người dân sống dọc tuyến đường. Nhiều người kêu dù tuyến đường gọi là cao tốc, thu phí theo tiêu chuẩn cao tốc nhưng thực tế thì khác xa.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Tiếng là cao tốc nhưng chỉ có 2 làn đường, đường gom và điểm dừng đỗ đều không có nên ôtô, xe máy phải đi chung đường. Xe ôm, ôtô khách dừng đỗ đón trả khách bừa bãi... Biển báo cho phép lưu thông tốc độ tối đa 100km/h nhưng với tình trạng giao thông hỗn hợp như vậy rất không an toàn, nguy cơ tai nạn giao thông là rất lớn".
Tiếp nữa là chuyện thu phí. Với vị trí đặt trạm thu phí (TTP) tại Km152+080 quốc lộ 1 (xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) chỉ cách TTP Phù Đổng cũ (thuộc địa phận huyện Gia Lâm, Hà Nội) vài kilômét, đồng nghĩa với việc, muốn vào Hà Nội hoặc đi Hà Nam, các phương tiện đi từ Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh (theo đường 1A) đều buộc phải qua TTP này.
Theo quy định, xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng đều áp dụng mức phí 35.000 đồng/lượt. Tức là sau khi đã đi qua TTP, phương tiện đi ra ở bất kỳ chỗ nào trên đường cũng bị thu một mức phí đồng đều như nhau.
Nhiều lái xe cho rằng áp dụng "cứng" như vậy là không hợp lý và quá cao. Trong lúc hàng loạt bất cập không được xử lý thì tỉnh lộ, thậm chí cả đường làng thuộc tỉnh Bắc Ninh và xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) ngày ngày phải oằn mình gánh lượng lớn xe tải, xe khách và xe con né trạm thu phí.
Tương tự, ông Lê Ngọc Tuyển, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bắc Ninh cho biết, phương án phân luồng cho xe máy, xe thô sơ đi tránh quốc lộ 1 là không hợp lý. Bởi đường quanh co qua nhiều đường huyện, nhiều đoạn chưa được nâng cấp, hệ thống chiếu sáng chưa hoàn thiện gây khó khăn cho người tham gia giao thông, nhất là với người địa phương khác đến.
UBND tỉnh Bắc Ninh, Ban An toàn giao thông tỉnh Bắc Ninh đã kiến nghị bổ sung đường gom trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đoạn qua Bắc Ninh. Từ kiến nghị này, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép xe máy, xe thô sơ lưu thông trên quốc lộ 1. Ngoài ra, nhà đầu tư sẽ xây dựng đường gom hai bên cho các phương tiện này lưu thông.
Trước thực tế trên, trao đổi với báo chí ngày 15-6, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau khi có phản ánh của người dân, từ đầu tháng 6, cơ quan này đã tháo biển tốc độ tối thiểu 60km/h để cho phép xe máy đi trên quốc lộ 1 đoạn qua Bắc Ninh.
Ông Huyện cho biết, theo tính toán trước đây dự án quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang có lưu lượng phương tiện chỉ 24.000 xe mỗi ngày song thực tế tăng lên 27.000-29.000 nên cần bổ sung đường gom hai bên theo nhu cầu của người dân và đảm bảo an toàn.
Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu nhà đầu tư BOT khảo sát, xây dựng đường gom với tổng đầu tư 1.200 tỷ đồng để giảm giao cắt với quốc lộ 1. "Sau khi giải phóng mặt bằng khoảng 3-6 tháng tới, chủ đầu tư sẽ xây dựng đường gom ngay. Ngoài ra, sẽ bố trí thêm 8 cửa thu phí trên tuyến để giải quyết ùn tắc tại trạm", ông Nguyễn Văn Huyện cho biết.
Đề cập việc ngừng thu phí do chưa có đường gom, ông Nguyễn Văn Huyện cho rằng, theo hợp đồng BOT thì tuyến này vẫn phải thu phí để đảm bảo phương án tài chính, nếu dừng thu sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn vốn của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã được chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường gom đoạn qua tỉnh Bắc Ninh để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.