Nhiều doanh nghiệp mong muốn làm nhà đầu tư cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Đường bộ 16/08/2023 15:40

Tháng 7/2023, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả có văn bản đề xuất giao lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 2 đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP. Ngày 26/7/2023, Tổng công ty xây dựng cảng Trung Quốc (China Harbour Engineering Company Ltd.) có công văn bày tỏ quan tâm đầu tư dự án,...

Cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương thường xuyên xảy ra ùn tắc

Cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương thường xuyên xảy ra ùn tắc

Cần thiết đầu tư mở rộng tuyến cao tốc cửa ngõ TP.Hồ Chí Minh

Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về tình hình đầu tư tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Trong đó đáng chú là nội dung về tình hình triển khai nghiên cứu đầu tư mở rộng đoạn TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Theo Bộ GTVT, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận là tuyến đường kết nối trung tâm KT - XH của khu vực Tây Nam bộ với TP.Hồ Chí Minh.

Mặc dù QL1 đoạn song song với đường cao tốc đã được đầu tư mở rộng với quy mô 4 làn xe nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đi lại thông thương trong khu vực, thường xuyên xảy ra ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Còn trên tuyến cao tốc, do lưu lượng xe lớn, mặt đường chỉ 4 làn xe cao tốc và ở đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận bố trí làn dừng xe khẩn cấp cách quãng nên tốc độ khai thúc thấp, hiện tượng ùn tắc giao thông diễn ra hàng ngày đối với đoạn tiếp giáp TP.Hồ Chí Minh, đặc biệt vào cuối tuần và dịp lễ, tết.

Theo thống kê của đơn vị quản lý khai thác, từ thời điểm tuyển cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương không thu phí (từ ngày 1/1/2019), lưu lượng xe trên tuyến tăng lên trên 35% (trước thời điểm dừng thu phí, lưu lượng trung bình năm 2018 là khoảng 38.500 xe ô tô/ngày đêm); từ năm 2019 đến nay là khoảng 52.350 xe ô tô/ ngày đêm; vào dịp lễ, tết, cao điểm có thể tăng đột biến đến 50%).

Đối với đoạn tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, theo báo cáo của nhà đầu tư, lưu lượng xe trung bình năm 2022 (từ ngày 9/8/2022) là khoảng 18.200 xe ô tô/ngày đêm và 6 tháng đầu năm 2023 là khoảng 21.960 xe ô tô/ngày đêm, vào những dịp lễ, tết, cao điểm lên đến gần 40.000 xe ô tô/ngày đêm.

Trước thực trạng đó, tháng 8/2022, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chủ trì cuộc họp với các địa phương liên quan (có đại diện lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh và UBND các tỉnh Long An, Tiền Giang) để trao đổi, thảo luận tìm giải pháp, phương án triển khai đầu tư mở rộng, hoàn thiện tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Triển khai nội dung trao đổi tại cuộc họp, Bộ GTVT tiếp tục làm việc, có văn bản đôn đốc các địa phương trong việc thống nhất địa phương nhận nhiệm vụ cơ quan có thẩm quyền và nghiên cứu sơ bộ về sự cần thiết đầu tư, quy mô, phương án đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao cơ quan có thẩm quyền. 

Tuy nhiên, tại Văn bản 770 ngày 7/2/2023, UBND tỉnh Long An đề nghị UBND TP.Hồ Chí Minh làm Cơ quan có thẩm quyền dự án đoạn TP.Hồ Chí minh - Trung Lương (chưa có ý kiến của UBND TP.Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Tiền Giang) và tại Văn bản 5668 ngày 13/10/2022, UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị triển khai đầu tư giai đoạn mở rộng, hoàn thiện dự án đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tỉnh đủ năng lực làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu phương án đầu tư dự án, đối với đoạn TP.Hồ Chí minh - Trung Lương, Bộ GTVT đã giao Ban QLDA7 tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Kết quả nghiên cứu sơ bộ đến nay, về phạm vi, quy mô đầu tư, giữ nguyên theo nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khi triển khai giai đoạn I, chiều dài tuyến cao tốc khoảng 39,8km, từ nút giao Chợ Đệm đến nút giao Thân Cửu Nghĩa; quy mô mặt cắt ngang 8 làn xe cao tốc, bố trí đầy đủ làn dừng xe khẩn cấp. Tuy nhiên, theo Quy hoạch 1454, quy mô mặt cắt ngang là 6 làn xe.

Bộ GTVT
Với thực tế lưu lượng xe như hiện nay và kết quả tính toán dự báo, cần thiết phải đầu tư với quy mô 8 làn xe.

Do đó, để phù hợp với nhu cầu và thực tế đã triển khai GPMB ở giai đoạn 1, Bộ GTVT sẽ cập nhật, điều chỉnh quy mô đoạn tuyến trong quá trình lập điều chỉnh vị Quy hoạch 1454, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định làm cơ sở triển khai.

Về phương án đầu tư, nếu đầu tư công, dự án thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư do sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trên 10.000 tỷ đồng. Trường hợp đầu tư theo phương thức PPP, loại hợp đồng có thu phí trực tiếp từ người sử dụng (gồm BOT, BTO), cần thiết phải báo cáo Quốc hội xem xét, chấp thuận do tại điểm b khoản 9 Điều 3 và khoản 4 Điều 45 Luật Đầu tư theo phương thức PPP quy định: Đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có, không áp dụng loại hợp đồng thông qua cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng.

Tuyến cao tốc được đề xuất mở rộng lên 8 làn và 2 làn khẩn cấp

Tuyến cao tốc được đề xuất mở rộng lên 8 làn và 2 làn khẩn cấp

Nhiều doanh nghiệp đề xuất làm nhà đầu tư theo hình thức PPP

Đề cập đến ý kiến của địa phương, Bộ GTVT cho biết, các địa phương liên quan đã nghe báo cáo về nội dung đầu tư của dự án và có ý kiến tham gia bằng văn bản.

Theo đó, đối với đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận, giai đoạn 1 với nguồn lực hạn chế nên chỉ đầu tư với quy mỗi 4 làn xe cao tốc, làn dừng xe khẩn cấp bố trí cách quãng nên làm giảm tốc độ lưu thông và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT, đặc biệt trong điều kiện hiện nay lưu lượng xe khá cao. Do vậy, cần sớm nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng đoạn tuyến.

Bộ GTVT
Tuy nhiên, do đây là tuyến đường đang trong giai đoạn khai thác, thu phí hoàn vốn BOT nên việc triển khai đầu tư mở rộng, hoàn thiện theo quy mô quy hoạch 6 làn xe có liên quan chặt chẽ đến quyền lợi nhà đầu tư đã triển khai đầu tư giai đoạn I. Đồng thời liên quan đến Cơ quan có thẩm quyền là UBND tỉnh Tiền Giang.

Tại Văn bản 5668 ngày 13/10/2022, UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị triển khai đầu tư công và tỉnh đủ năng lực để triển khai. Trường hợp đầu tư theo phương thức PPP, UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. UBND tỉnh Tiền Giang báo cáo hiện chỉ được giao làm Cơ quan có thẩm quyền đối với giai đoạn I của dự án đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận.

Tiếp đó, Văn phòng Chính phủ có Văn bản 5498 ngày 20/7/2023 gửi Bộ GTVT về kiến nghị đầu tư giai đoạn 2 đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh Trung Lương - Mỹ Thuận của Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (Công ty BOT). 

Theo báo cáo của Công ty BOT, một trong những điều kiện để bảo đảm việc đầu tư và thu xếp tín dụng triển khai đầu tư giai đoạn hoàn thiện của dự án Trung Lương - Mỹ Thuận là không xung đột lợi ích và phân lưu với dự án đã đầu tư.

Trường hợp đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT, các nhà đầu tư của giai đoạn 1 và giai đoạn 2 sẽ tổ chức thu phí chung. Trường hợp đầu tư công, Nhà nước sẽ phải bố trí thêm một khoản ngân sách để thanh toán cho nhà đầu tư giai đoạn 1 theo phương thức thanh toán một lần hoặc hàng năm.

Đồng thời, Công ty BOT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai đầu tư theo phương thức PPP giai đoạn 2 đồng bộ các dự án TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận.

Về sự quan tâm của nhà đầu tư, báo cáo của Bộ GTVT cho biết, tháng 7/2022, Liên danh Cienco 6 - Coteccons - Thuận Việt có văn bản đề xuất cho phép lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi dự án mở rộng đường cao tốc TP.Hồ Chí minh - Trung Lương theo phương thức PPP; Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả có văn bản đề xuất cho phép lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi các dự án mở rộng đường cao tốc đoạn TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương theo phương thức PPP, hợp đồng BTL và đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP, hợp đồng BOT.

Tháng 7/2023, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả có văn bản đề xuất giao lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 2 đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP. Ngày 26/7/2023, Tổng công ty xây dựng cảng Trung Quốc (China Harbour Engineering Company Ltd.) có công văn bày tỏ quan tâm đầu tư dự án.

Cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương được đưa vào khai thác từ tháng 2/2010

Cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương được đưa vào khai thác từ tháng 2/2010

Cần thiết huy động tối đa nguồn lực xã hội đầu tư giai đoạn 2

Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Cần Thơ nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1454 ngày 1/9/2021 với kế hoạch triển khai trước năm 2030.

Theo Bộ GTVT, để đáp ứng yêu cầu cấp bách về tăng trưởng lưu lượng xe, nhu cầu đi lại, giao thương hàng hoá trong khu vực, góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ phát triển KT-XH và bảo đảm AN-QP, việc sớm nghiên cứu triển khai đầu tư mở rộng, hoàn thiện đồng bộ đoạn TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận là hết sức cần thiết, cần được các địa phương liên quan cùng các bộ, ngành quan tâm, phối hợp thực hiện.

Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp khi đã tập trung đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án cao tốc trục ngang,... việc huy động tối đa nguồn lực xã hội theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 5498 ngày 20/7/2023 để đầu tư mở rộng, hoàn thiện đồng bộ đoạn tuyến TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận là cần thiết.

Đối với đoạn TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA7 khẩn trương thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư để sẵn sàng hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi ngay sau khi được cấp có thẩm quyền bố trí vốn cho công tác chuẩn bị dự án. Đối với đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận, UBND tỉnh Tiền Giang có ý kiến giao tỉnh triển khai đầu tư công, trường hợp nghiên cứu đầu tư theo phương thức PPP, kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tại Văn bản 5498, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: "Nếu đầu tư theo phương thức PPP thì rất hoan nghênh, nên giao địa phương là cơ quan có thẩm quyền". Do vậy, Bộ GTVT xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về chủ trương nghiên cứu đầu tư giai đoạn mở rộng, hoàn thiện tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận nhằm sớm triển khai đồng bộ đoạn tuyến, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Cùng với đó, Bộ GTVT cũng xin ý kiến chỉ đạo về cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chủ quản để tổ chức nghiên cứu phương án đầu tư giai đoạn mở rộng, hoàn thiện tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP hoặc đầu tư công; giao Bộ GTVT chủ trì triển khai làm việc thống nhất với các địa phương để nghiên cứu đoạn tuyến TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định.