Thông tin về 5 dự án vốn ODA đang triển khai thi công, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ đến nay đạt sản lượng lũy kế 51%, không hoàn thành theo kế hoạch 30/6/2022 là 60%.
WB đang xem xét các điều kiện để thống nhất việc gia hạn hiệp định đến 30/6/2023. Bộ GTVT đã yêu cầu Ban Quản lý các dự án đường thủy phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan hoàn thành thủ tục gia hạn hiệp định với Ngân hàng thế giới.
Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ thuộc Dự án Phát triển GTVT khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (WB6). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 107 triệu USD, gồm vốn vay ODA của WB là 78,74 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 28,45 triệu USD.
Dự án khởi công vào tháng 11/2020, xây kênh dài khoảng 1km nối sông Đáy và sông Ninh Cơ; âu tàu; cầu vượt và đường dẫn cầu; đầu tư hệ thống phao tiêu báo hiệu, trồng cây, để hoàn trả, hệ thống thủy lợi, điện, thông tin liên lạc,…
Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc hiện đang triển khai thi công 2/11 gói thầu, sản lượng đạt khoảng 4,2%, chậm 1,6% so với kế hoạch. Bộ GTVT đã đôn đốc Ban QLDA 2 (đại diện chủ đầu tư khẩn trương chỉ đạo các đơn vị thi công, tư vấn giám sát đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công gói thầu XL-08 đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Bên cạnh 2 gói thầu đang thi công, có 6 gói thầu dự kiến khởi công trong tháng 7/2022, 2 gói thầu còn lại (XL-07, XL-11) đã phát hành hồ sơ mời thầu ngày 7/6/2022, dự kiến khởi công trong tháng 9/2022.
“Bộ GTVT đã yêu cầu Ban QLDA 2 đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đang triển khai thi công, tập trung hoàn thành các thủ tục để khởi công các gói thầu còn lại, không để tình trạng chậm tiến độ kéo dài”, Cục QLXD&CLCTGT thông tin.
Được biết, dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc gồm 2 tuyến với tổng chiều dài khoảng 200km. Tuyến 1 là tuyến kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài khoảng 147km với tiêu chuẩn đường cấp III miền núi. Tuyến 2 là tuyến nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài khoảng 53km với tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi.
Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc có tổng mức đầu tư 5.339,5 tỷ đồng, tương đương 235,3 triệu USD bao gồm: vốn vay ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) là: 187,2 triệu USD; vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc: 4,48 triệu USD (101,7 tỷ VND); vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam là 43,5 triệu USD (988,58 tỷ VND). Dự án khởi công vào cuối tháng 12/2021, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2024.
Dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ hiện nay đã triển khai thi công 3/4 gói thầu; 1 gói thầu còn lại (XL03) đã ký hợp đồng, dự kiến khởi công đầu tháng 7/2022.
Theo Cục QLXD&CLCTGT, Bộ GTVT đã yêu cầu Ban QLDA 2 lập, chấp thuận tiến độ tổng thể của dự án để chỉ đạo điều hành nhà thầu tập trung thi công đáp ứng tiến độ.
Dự án sử dụng vốn từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng trong nước với tổng mức đầu tư hơn 1.498 tỷ đồng. Trong đó xây mới nâng cấp 6 cầu yếu và cầu kết nối (giai đoạn 1) trên các hệ thống đường quốc lộ trong phạm vi cả nước nhằm đảm bảo tính kết nối đồng bộ, nâng cao hiệu quả khai thác mạng lưới đường bộ. Qua đó tăng cường khả năng liên kết giữa các tỉnh và vùng liên kết, giảm chi phí vận tải hàng hóa và hành khách
Dự án bắt đầu triển khai thi công từ tháng 3/2022, dự kiến hoàn thành trước tháng 6/2024.
Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên hiện đã triển khai thi công 8/8 gói thầu, sản lượng thi công đến nay đạt 7,1%, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Bộ GTVT đã yêu cầu Ban QLDA 2 chỉ đạo nhà thầu thi công huy động đầy đủ máy móc, thiết bị, tranh thủ điều kiện thời tiết luận lợi tăng mũi thi công để bù lại tiến độ đã chậm.
Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên có tổng chiều dài 143,6km đi qua 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai, tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2023.
Dự án được hoàn thành sẽ giúp thời gian phương tiện di chuyển chặng Bình Định - Gia Lai rút ngắn chỉ còn khoảng 5 tiếng, kết nối giao thông và logistics với hành lang Đông - Tây từ khu vực Tây Nguyên đến các tỉnh duyên hải miền Trung sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Dự án xây dựng tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP.Long Xuyên hiện đã bàn giao mặt bằng 15,3/15,7km (đạt 97,6%).
Dự án có 3 gói thầu, sản lượng lũy kế đạt 8,41%, cơ bản đáp ứng kế hoạch, tuy nhiên tiến độ thi công xử lý nền đất yếu còn chậm do nguồn cát thoát nước còn hạn chế.
Bộ GTVT đã yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận (đại diện chủ đầu tư) chỉ đạo nhà thầu thi công khẩn trương tập kết cát đắp, cát thoát nước về công trường; tập trung thi công để bù lại tiến độ chậm, đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2022.
Dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên, quy mô Cấp III Đồng bằng; vận tốc thiết kế 80km/h; chiều dài 15,3km đi qua địa phận TP Cần Thơ và tỉnh An Giang.
Dự án khởi công từ tháng 1/2022, dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2023. Dự án có tổng mức đầu tư 2.106 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA do Ngân hàng phát triển châu Á tài trợ.
Việc đầu tư dự án tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên nhằm giảm ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông và đảm bảo giao thông đường bộ thông suốt, từng bước hoàn chỉnh kết nối mạng lưới hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.