Hoàn thiện giao thông kết nối
TP. Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất và là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước với hệ thống cơ sở hạ tầng đa dạng và hiện đại. Tuy nhiên, kết nối giao thông tích hợp giữa đường bộ, đường sắt, metro và đường hàng không tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chưa đồng bộ và hiệu quả.
Theo Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện chỉ có một lối ra, vào duy nhất, cơ sở hạ tầng phục vụ chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch. Hằng ngày có khoảng 40.000 xe ra, vào sân bay nên thường xảy ra ùn tắc. Những năm gần đây, TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện một số dự án công trình nhằm kéo giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Cụ thể, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 3 dự án gồm: Xây dựng cầu vượt tại giao lộ đường Trường Sơn - Hồng Hà - Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (ở cổng sân bay Tân Sơn Nhất); dự án xây cầu vượt nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (quận Phú Nhuận, quận Gò Vấp) và dự án mở rộng đường Hoàng Minh Giám (quận Phú Nhuận).
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến năm 2020 chỉ 25 triệu hành khách, do đó đang xảy ra quá tải. Hiện nay, hạ tầng giao thông quanh cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất nếu cố gắng khai thác cũng chỉ đạt được 40 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển ngày càng cao của ngành Hàng không thì không thể đáp ứng được. Vì vậy, phải tổ chức xây dựng Nhà ga hành khách T3, hạ tầng giao thông bên ngoài và liên kết các nhà ga bên trong sân bay”.
Theo ông Lâm, vấn đề này đã có một tổ công tác liên ngành gồm Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT và TP. Hồ Chí Minh để điều phối chung dự án Nhà ga hành khách T3 và các dự án giao thông kết nối bên ngoài nhằm đảm bảo khi Nhà ga hành khách T3 đưa vào khai thác thì giao thông phải đồng bộ.
TS. Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Việc đẩy nhanh mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là rất cần thiết, đồng thời phải song song với hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối. Nếu không có đường, ách tắc giao thông, người dân cũng không vào sân bay được. Như vậy, việc nâng công suất sân bay lên 50 triệu lượt khách/năm cũng trở nên vô nghĩa. Ngoài ra, để giảm UTGT khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố cần có giải pháp ưu tiên hàng đầu cho giao thông công cộng có sức chở cao để sử dụng hạ tầng hiệu quả nhất”.
“Chiến lược quy hoạch sân bay phải gắn liền với quy hoạch đô thị, tất cả các dự án phát triển hàng không và đô thị trong khu vực đều phải có sự đánh giá và giải pháp tổng hợp trong mối liên kết với nhau, để đạt hiệu quả tốt nhất”, ông Cương cho biết thêm.
Triển khai 7 dự án giải quyết kẹt xe
Tình trạng kẹt xe vẫn thường xuyên xảy ra tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất |
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện có 7 dự án phải làm từ nay đến năm 2022 trước khi Nhà ga hành khách T3 đi vào khai thác. Trong đó, dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) là dự án trọng tâm nhất vì nằm phía trước Nhà ga hành khách T3. Dự án này có tổng mức đầu tư 4.849 tỷ đồng (trong đó xây dựng khoảng 1.735 tỷ đồng và giải phóng mặt bằng khoảng 2.640 tỷ đồng). Quy mô dự án gồm: Làm tuyến đường mới nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa (quận Tân Bình) dài 4,3km cho 6 làn xe lưu thông; xây dựng hầm chui tại nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn và đường Trường Chinh với đường Tân Quỳ - Tân Quý; xây một cầu vượt dài 1,2km rộng 17m trước Nhà ga hành khách T3”.
Khó khăn lớn nhất của dự án này là trong số 11 ha cần bàn giao thì gần 10 ha là đất quốc phòng. Tuy nhiên mới đây, Bộ Quốc phòng đã thống nhất với quy mô, phương án thiết kế dự án và có tiến độ bàn giao đất để thi công dự án. Dự kiến công trình sẽ thi công trong năm 2020 và hoàn thành vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.
Theo ông Phúc, TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ đầu tư mở rộng hàng loạt tuyến đường xung quanh khu vực này như: Đường Hoàng Hoa Thám; Tân Kỳ - Tân Quý; mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ Cộng Hòa đến Phạm Văn Bạch); mở rộng, nâng cấp đường Tân Sơn; cải tạo đường Hoàng Minh Giám; xây dựng cầu vượt thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp). Bên cạnh đó còn tổ chức lại giao thông kết nối bên trong sân bay (nhà ga T1, T2, T3). Ngoài ra, khu vực mũi tàu đường Trường Chinh - Cộng Hòa sẽ có nhà ga của tuyến metro số 2. Vì vậy, khu vực này sẽ có hầm chui để giải quyết giao thông. Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đang có hướng kết nối nhà ga metro này thành điểm trung chuyển, tập kết khách vào Nhà ga hành khách T3.
“Nhà ga hành khách T3 dự kiến đưa vào khai thác giữa năm 2022 với công suất 20 triệu hành khách/năm sẽ nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách/năm. Do đó, giao thông kết nối bên ngoài phải hoàn thiện trước để đồng bộ với việc đưa Nhà ga hành khách T3 đi vào khai thác. Ngay từ bây giờ, TP. Hồ Chí Minh đang lên phương án giải phóng mặt bằng và sắp tới triển khai thi công 7 dự án giải quyết kẹt xe bên ngoài sân bay Tân Sơn Nhất”, ông Phúc cho biết thêm
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.