Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Huy Khang mổ xẻ nguyên nhân gây lún vệt bánh xe mặt đường và đưa ra biện pháp khắc phục tình trạng này. |
Sáng ngày 12/11 Trường Đại học GTVT phối hợp với Trường Đại học SEJONG (Hàn Quốc) tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp khắc phục lún vệt bánh xe mặt đường bê tông nhựa” tại trường Đại học Giao thông vận tải cơ sở II (quận 9, TP HCM).
Theo Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Huy Khang Trường Đại học GTVT những năm gần đây trên các quốc lộ ở nước ta xuất hiện tình trạng hằn lún vệt bánh xe gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông, gây bức xúc trong dư luận. Nguyên nhân trước hết là do chất lượng thi công, kiểm tra, nghiệm thu lớp bê tông nhựa không đảm bảo (như vật liệu sử dụng hỗn hợp bê tông nhựa không đảm bảo yêu cầu, quy trình thi công bị vi phạm đặc biệt là kiểm tra chất lượng vật liệu xây dựng bê tông nhựa, nhiệt độ trộn, rải, lu rèn…). Kết cấu mặt đường lựa chọn không hợp lý, tổ chức giao thông, kiểm soát vé vượt tải.
Nhằm khắc phục tình trạng hằn lún vệt bánh xe Giáo sư Khang kiến nghị Bộ GTVT ban hành các quy định bổ sung về giám sát chất lượng thi công, theo hướng quy trách nhiệm cho các cá nhân. Nghiên cứu bổ sung về tiêu chuẩn của cá nhân, tổ chức giám sát. Thiết kế thành phần bê tông nhựa phải đi trước một bước và phải dựa vào mỏ đá thực tế sẽ sử dụng trong dự án và tùy theo chất lượng vật liệu tại mỏ đá sử dụng để đề ra các giải pháp cho phù hợp. Đề nghị bê tông nhựa lớp trên nên dùng cốt liệu lớn. Kết cấu mặt đường cần được thiết kế cho từng điều kiện riêng biệt cho từng đoạn tuyến, phải thiết kế thoát nước tốt cho mặt đường và một số vấn đề khác về quy trình thi công cũng cần được xem xét lại.
Giáo Sư Huyn Jong Lee Trường Đại học SEJONG (Hàn Quốc) cho biết: “Hiện nay các vệt lún bánh xe tại Việt Nam rất nghiêm trọng, có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này nhưng chủ yếu là do các xe quá tải và nhiệt độ trong năm cao (đặc biệt tại TP HCM). Hơn nữa tầng đất dưới lòng đường yếu và do lớp bê tông nhựa không đủ dày. Để kháng lún cần tăng chiều dày bê tông nhựa từ 12 phân lên 15 phân và giảm tải trọng trục tiêu chuẩn từ 10 tấn xuống còn 8-10 tấn để giảm sự ảnh hưởng đến lớp đất bên dưới. Nên kiểm tra lại nguyên nhân chính ở một số tuyến đường, kiểm tra chi tiết quy trình thiết kế, vật liệu thi công và phải quản lý được xe quá tải thì mới giải quyết được nguyên nhân lún vệt bánh xe”.
Giáo Sư Huyn Jong Lee Trường Đại học SEJONG (Hàn Quốc) đưa ra nguyên nhân và hướng khắc phục tình trạng vệt lún bánh xe mặt đường bê tông nhựa tại Việt Nam. |
Tại buổi hội thảo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lã Văn Chăm - Khoa Công trình Trường Đại học GTVT cho biết: “Để giải quyết tình trạng hằn lún vệt bánh xe trên các tuyến quốc lộ cần thay đổi cấp phối, giữ nguyên vật liệu sử dụng, tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng". Giáo sư Chăm đưa ra một số giải pháp sau: Giữ nguyên lớp bê tông nhựa 12,5 sử dụng nhựa 60/70. Sử dụng lớp bê tông nhựa C19 lên trên. Sử dụng nhựa 40/50 giá thành 110-120%. Sử dụng nhựa polymer. Sử dụng SBS (styrene-butadien-styrene copolymerr), PG cao su quấy tại trạm trộn. Sử dụng phụ gia ngay tại trạm khi sản xuất bê tông nhựa.
Ngoài ra Giáo sư Chăm cũng cho biết nên lựa chọn công nghệ trộn trực tiếp là phù hợp bởi có tính cạnh tranh về giá và công nghệ trộn gián tiếp sẽ làm cho giá polymer phù hợp hơn, tương lai các đơn vị có thể sử dụng polymer với giá hợp lý. Sau khi thí nghiệm tại hiện trường việc sử dụng phụ gia SBS tại các Dự án Quốc lộ 1, dự án đường 217, dự án Quốc lộ 18… chưa thấy xuất hiện vết hằn lún do vậy ngoài việc tăng khả năng kháng hằn lún còn có khả năng tăng dính bám.
Bê tông nhựa sử dụng phụ gia SBS trộn trực tiếp tại trạm cho khả năng kháng hằn lún vệt bánh xe thỏa mãn yêu cầu với bê tông nhựa sử dụng nhựa polymer PMP III. Hiện trạng mặt đường sau thời gian sử dụng khai thác qua thời gian nắng nóng và tải trọng được phân luồng tập trung nhưng không có hiện tượng nổi nhựa, không có dấu hiệu bị hằn lún, không có dấu hiệu bị nứt vỡ.
Kết thúc buổi hội thảo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng – Phó hiệu trưởng Trường Đại học GTVT nhấn mạnh: “Nhằm thúc đẩy sự phát triển của Ngành GTVT buổi hội thảo các nhà khoa học đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận về nguyên nhân đưa ra các giải pháp khắc phục hiện tượng hằn lún vết bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa tại Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu trong hội thảo là cơ sở để Bộ GTVT, các Sở GTVT, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT xem xét áp dụng trong thực tế”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.