Nhiều người ủng hộ quy định Nhà nước không kiểm duyệt báo chí

Chính trị 13/07/2015 05:59

Điểm sáng của dự thảo luật Báo chí quy định 'Nhà nước không kiểm duyệt báo chí' được các chuyên gia đánh giá cao.

 

20150710141309-tmtuan
Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn: Dự thảo luật Báo chí đã được công khai

Nhiều điểm mới của luật Báo chí được đưa ra tham vấn ý kiến chuyên gia tại hội nghị do Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội  ở Hà Nội như quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí; cơ quan chủ quản; tài chính báo chí; văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; lãnh đạo cơ quan báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; họp báo; cải chính... 

Không kiểm duyệt báo chí

PGS. TS. Trần Thị Tâm Đan, nguyên Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH quan tâm điểm sáng của dự thảo luật, đó là quy định nhà nước ta không kiểm duyệt báo chí. 

Bà phân tích, không kiểm duyệt nên trách nhiệm kiểm tra, đảm bảo nội dung thông tin trên báo chí đương nhiên là của cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí.

“Nhưng trách nhiệm của những người đứng đầu, cũng như chế tài xử lý khi phát hiện sai sót, chưa được quy định cụ thể trong dự thảo, hơi dễ cho các lãnh đạo này” - bà phân tích. 

Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn đồng tình luật khôi phục lại một quan điểm rất đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Trong mọi trường hợp vi phạm, chủ quản, tổng biên tập phải chịu trách nhiệm chính, người viết liên đới chịu trách nhiệm. Quan điểm này sau các lần sửa luật đã bị đảo ngược.

“Cơ quan chủ quản lâu nay rất à ơi, nghe thì hoành tráng nhưng cuối cùng không chịu trách nhiệm gì cả, như ‘đười ươi giữ ống’ thôi” -  ông Doãn nói. 

Cản trở nhà báo cần phạt nặng

Ông Đỗ Quý Doãn cũng lưu ý sự tác động của truyền thông xã hội đang lấn át, điều chỉnh thông tin. 

“Nếu luật này ra bó tay bó chân tất cả các cơ quan báo chí truyền thông đang ngồi đây thì truyền thông xã hội sẽ làm chủ. Cái cần quản thì chúng ta lại không làm mà chỉ ‘túm mấy ông có tóc’. Nếu ta ngại mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật thì cũng nên có một điều quét cả các hoạt động mang tính báo chí. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng có sắc lệnh áp dụng cho báo chí và các ấn phẩm mang tính chất báo chí’”, ông Doãn nói.

Nguyên Thứ trưởng TT&TT cũng đặt vấn đề có nên quy định hoạt động báo chí là hoạt động công vụ, để khi nhà báo hoạt động đúng pháp luật phải được bảo vệ khỏi những người cản trở, hành hung.   

Cục trưởng Cục Báo chí Hoàng Hữu Lượng đồng tình hiện mức xử các hành động cản trở nhà báo còn quá nhẹ vì hoạt động của nhà báo chưa phải là hoạt động công vụ.

“Tôi đồng ý cần đưa một khái niệm để các hành động cản trở này phải bị xử nặng, chứ không phải xử theo thông thường, cướp, đập máy ảnh thì đền, đánh chưa đến 12-15% thương tật thì chưa bị gì cả”, ông Lượng phát biểu.

Nhà báo lão thành Hữu Thọ quan tâm ngược lại việc "xử phạt" sai phạm báo chí gắn với trách nhiệm. Trong đó, chịu trách nhiệm chính là tổng biên tập.

“Trong vụ Năm Cam, tôi đã nói xử phạt phóng viên là không đúng, vì tổng biên tập mới có quyền đăng, phát chứ phóng viên đâu có quyền. Nên quy về một mối chứ để như hiện nay rất khó xử”, nhà báo lão thành nói.

20150710141013-huutho
Nhà báo Hữu Thọ: Khi xử phạt, trách nhiệm là tổng biên tập. Xử phạt phóng viên không đúng

Nêu vấn đề báo chí tư nhân, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH dẫn lại Hiến pháp đã quy định các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm.

Ông kiến nghị quy định các cơ quan được phép có báo là “các cơ quan nhà nước và các tổ chức hợp pháp”.

Cục trưởng Hoàng Hữu Lượng cho rằng quy định như vậy quá rộng và khó.

Ý kiến của bạn

Bình luận