Nhiều nhà máy Trung Quốc bắt đầu “nếm mùi” chiến tranh thương mại

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 06/09/2018 06:55

Nhiều nhà máy Trung Quốc đang mất đơn hàng xuất khẩu và phải sa thải công nhân, một cuộc khảo sát cho hay...

photo1536109959697-15361099599571653345566

Nền kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc từ đầu năm nay. Gần đây, khi cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ leo thang mạnh, những dấu hiệu giảm tốc xuất hiện nhiều và rõ hơn.

 Nhiều nhà máy Trung Quốc đang mất đơn hàng xuất khẩu và phải sa thải công nhân, trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gia tăng sức ép đối với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới vốn dĩ đã giảm tốc từ đầu năm.

Trang CNN Money dẫn kết quả một cuộc khảo sát do công ty truyền thông Caixin phối hợp với công ty nghiên cứu thị trường Markit thực hiện cho biết, tăng trưởng sản lượng trong ngành sản xuất và chế tạo có quy mô khổng lồ của Trung Quốc trong tháng 8 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đưa ra trong kết quả khảo sát công bố ngày thứ Hai đã giảm còn 50,6 điểm trong tháng 8, từ mức 50,8 điểm trong tháng 7. Điểm số trên 50 cho thấy sự tăng trưởng, nhưng mức tăng đạt được trong tháng 8 là chậm nhất trong 14 tháng.

"Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với áp lực suy giảm tăng trưởng khá rõ ràng", nhà phân tích cấp cao Zhengsheng Zhong thuộc công ty nghiên cứu CEBM Group nhận định.

Theo dữ liệu được công bố, số đơn hàng xuất khẩu mà các nhà máy Trung Quốc nhận được trong tháng 8 đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp. Sự sụt giảm lượng đơn hàng diễn ra song song với đà leo thang của cuộc chiến thương mại bùng nổ hồi cuối tháng 3.

Cuộc khảo sát Caixin-Markit tháng 8 nói rằng chiến tranh thương mại đang đè nặng lên "tâm lý nói chung" của các doanh nghiệp trong ngành sản xuất Trung Quốc. Nhiều nhà máy được khảo sát cho biết đã phải cắt giảm số lượng việc làm.

Ngoài chiến tranh thương mại, Trung Quốc còn đang đối mặt với hàng loạt thách thức kinh tế khác. Theo các nhà phân tích, ngành sản xuất của nước này còn đang đứng trước tình trạng giảm tốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và suy giảm tăng trưởng tín dụng.

Các ngân hàng thương mại Trung Quốc đã thắt chặt hầu bao kể từ khi Bắc Kinh mở chiến dịch cắt giảm nợ vì có nhiều cảnh báo về mức nợ chồng chất của các doanh nghiệp.

Thị trường chứng khoán và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc gần đây sụt giảm liên tục do giới đầu tư lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế nước này.

Chính phủ Trung Quốc hiện đang nỗ lực tìm các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng, bao gồm cắt giảm thuế, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng và nới lỏng chính sách tiền tệ. Các chuyên gia cho rằng các biện pháp này có thể hạn chế đà suy giảm tăng trưởng, nhưng một sự phục hồi tăng trưởng rõ rệt trong thời gian sớm là điều khó có thể xảy ra.

"Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có lẽ sẽ tiếp tục đi xuống sang năm 2019", ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc thuộc công ty nghiên cứu Capital Economics, viết trong một báo cáo ra ngày thứ Hai.

Chỉ số PMI chính thức được Chính phủ Trung Quốc công bố hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy sự khởi sắc nhẹ trong tháng 8. Tuy nhiên, ông Evans-Pritchard nói rằng chỉ số PMI do Caixin-Markit thực hiện, vốn tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ hơn, "thường được coi là một chỉ dẫn tốt hơn về các xu hướng mang tính chu kỳ".

Ý kiến của bạn

Bình luận