Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng. Ảnh: FMPRC |
Trung Quốc không quan tâm phán quyết của PCA
Như đã đưa tin, ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo đó, PCA khẳng định "không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên trong vùng biển nằm trong đường 9 đoạn."
Ngay sau khi phán quyết cuối cùng của PCA được đưa ra, phía Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Trung Quốc và nhiều hãng thông tấn chính thức của nước này đã đồng loạt lên tiếng bác bỏ phán quyết của tòa án quốc tế, đồng thời khẳng định các đảo, đá mà nước này đang kiểm soát có vùng đặc quyền kinh tế và ngư dân nước này đã hoạt động trong khu vực suốt 2.000 năm qua.
Không dừng lại ở đó, Bắc Kinh còn tự ý khẳng định "chủ quyền" với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam; tiếp tục ngang ngược cho rằng các việc làm của mình là "hợp pháp và phù hợp với thông lệ quốc tế".
Trong một cuộc họp báo trước vụ kiện, ông Lục Khảng - người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - đã khẳng định Bắc Kinh "không quan tâm" đến phán quyết mà PCA sắp công bố, vì cho rằng cơ quan này không có thẩm quyền phân xử vụ việc.
Tờ Tân Hoa xã của Trung Quốc cũng cáo buộc PCA "lạm dụng luật pháp đã ban hành một phán quyết không căn cứ". Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng hàm ý đe dọa khi đưa ra tuyên bố: "Quân đội Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh, các quyền và lợi ích hàng hải quốc gia, kiên quyết gìn giữ hòa bình và ổn định khu vực, đối phó với mọi thách thức và mối đe dọa".
Việt Nam hoan nghênh phán quyết của PCA
Trong thông cáo phát đi lúc 17g35 ngày 12-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết Việt Nam hoan nghênh phán quyết về Biển Đông mà PCA đã đưa ra ngày 12-7.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình |
Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.
Đồng thời, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Phillippines vui mừng, Nhật, Mỹ, Indonesia ủng hộ phán quyết của PCA
Phán quyết của PCA đã khẳng định cho chiến thắng của Phillippines trong vụ kiện kéo dài suốt 3 năm. Nhiều người dân Philippines đã không giấu nổi vui mừng, reo hò trước thắng lợi này.
Người dân Philippines reo hò sau khi thắng lợi trong vụ kiện |
Tại cuộc họp báo ở Philippines, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho biết phán quyết của PCA hoàn toàn theo đúng luật pháp quốc tế và Philippines tôn trọng quyết định của tòa.
Cùng quan điểm trên, Nhật Bản cũng khẳng định phán quyết về Biển Đông của PCA có tính ràng buộc về luật pháp và các bên trong vụ kiện phải tuân thủ phán quyết này. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 12-7 tuyên bố, quân đội nước này sẽ giám sát chặt chẽ hành động của Trung Quốc sau phán quyết.
Về phía Mỹ, người phát ngôn bộ ngoại giao Mỹ John Kirby nhấn mạnh trên Reuters rằng, các nước tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã đồng ý về tiến trình giải quyết tranh chấp bắt buộc. Quyết định của PCA là phán quyết cuối cùng và Mỹ hy vọng cả hai bên sẽ tuân thủ.
"Hy vọng rằng cả hai bên sẽ tuân thủ các nghĩa vụ của mình. Sau quyết định quan trọng này, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên để tránh đưa ra các tuyên bố hoặc hành động khiêu khích" - ông Kirby nói.
Mới đây, Bộ ngoại giao Indonesia cũng đã lên tiếng kêu gọi các bên liên quan tôn trọng luật pháp quốc tế sau phán quyết của PCA.
“Indonesia một lần nữa kêu gọi các bên kềm chế và tránh hành động làm gia tăng căng thẳng, cũng như bảo vệ khu vực Đông Nam Á khỏi bất cứ hành động quân sự nào có thể đe dọa đến hòa bình và ổn định, và tuân thủ luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia phát biểu trước tờ Jakarta Post.
Trước đó, ngoài Mỹ, Nhật, Indonesia, các nước châu Âu, Ấn Độ, Úc... đều yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và tuân thủ phán quyết của PCA.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.