Nhiều tuyến đường cửa khẩu Bờ Y hư hỏng nặng:Do ảnh hưởng của mưa bão?

Tác giả: Phạm Trọng Nghị

saosaosaosaosao
Ý kiến 10/10/2018 07:48

Sau khi Tạp chí GTVT phản ảnh tình trạng sạt lở nghiêm trọng nhiều tuyến đường tại Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum lập tức phối hợp với ngành chức năng đi kiểm tra và đã kết luận: Nguyên nhân các con đường bị hư hỏng là do ảnh hưởng mưa của cơn bão số 3 và số 4 năm 2018.

Cụ thể: công trình đường vào khu dân cư Khu I-1 (đoạn nối từ đường D1 đến D2) có chiều dài 252,82m, nền đường rộng 7,5m, tổng vốn đầu tư là hơn 3,4 tỷ đồng; nhà thầu khảo sát, thiết kế là Công ty CP tư vấn xây dựng giao thông Kon Tum, nhà thầu giám sát thi công là Công ty CP TVXD Bắc Hải Vân, đơn vị thi công là Liên danh Công ty TNHH MTV Lộc Quý và Công ty TNHH MTV Nguyên Bình, hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng ngày 26/9/2014.

DSC_0475
Con đường l-1 bị sụt lún vỡ vụ như bánh đa

Hiện con đường bị hư hỏng từ đoạn Km0+096 đến Km0+207 với chiều dài 101m. Toàn bộ mái ta luy âm nền đường sụt trượt, sạt lở lớn đến hết bề rộng nền đường kéo theo toàn bộ mặt đường bê tông xi măng, vỉa hè và hệ thống thoát nước lún xuống hư hỏng và đổ sập xuống bãi đậu xe GT5; kích thước khối sụt trượt sâu khoảng 12m, dài 100m, rộng 15m, khối lượng đất sạt lở khoảng 18.000m3; diện tích mặt đường hư hỏng khoảng 350m2; vỉa hè hư hỏng 400m2; hệ thống thoát nước, bó vỉa lề đường hư hỏng khoảng 100md.

Tại công trình đường D7 có chiều dài 1.088,62 m, nền đường rộng 15,5 m, tổng vốn thực hiện là 5,772 tỷ đồng; nhà thầu khảo sát, thiết kế là Công ty CP tư vấn xây dựng giao thông Kon Tum, nhà thầu giám sát thi công là Xí nghiệp TVTK xây dựng Hoàng Dương, nhà thầu thi công là Công ty TNHH Đức Minh, hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2006.  Sau đó, đường D7 và đường D9 cùng được nâng cấp mặt đường bê-tông xi măng với tổng kinh phí 12,141 tỷ đồng; nhà thầu thiết kế là Công ty TNHH Thắng Lợi, đơn vị giám sát là Công ty CP tư vấn Xây dựng Bắc Hải Vân, đơn vị thi công là Công ty CP Xây dựng-Thương mại Trường Sơn, hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2015. Hiện tại con đường bị sạt lở từ Km0+326 đến Km0+373 bên trái tuyến với chiều dài 47m.

DSC_0481
Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Xây dựng Kon Tum mong muốn làm rõ nguyên nhân do thiết kế sai, thi công ẩu hay do địa hình địa chất?

Còn với công trình đường D8 có chiều dài 1.743,94 m, nền đường rộng 10 m, tổng vốn thực hiện là 6,148 tỷ đồng; nhà thầu khảo sát, thiết kế là Công ty tư vấn xây dựng giao thông Kon Tum, nhà thầu giám sát thi công là Công ty tư vấn xây dựng giao thông Kon Tum, nhà thầu thi công là Công ty TNHH Đức Thành và Công ty Nam Hải, hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2006.

Sau đó, đường D8 được nâng cấp làm mặt đường bê-tông xi măng với tổng vốn là 7,7 tỷ đồng; nhà thầu thiết kế và giám sát là Công ty TNHH tư vấn đầu tư và xây dựng Thọ Lộc; đơn vị thi công là Công ty TNHH Nhật Á Châu; hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2017, kết thúc thời gian bảo hành công trình vào ngày 17-4-2018, nghĩa là chưa được 1,5 năm. Đường này bị sạt lở tại đoạn Km1+ 659,2 và mái taluy âm gia cố bê tông xi măng dài 30m, rộng 8m, sâu 5m, khối lượng sạt lở khoảng 1.200m3; diện tích mặt đường bê tông xi măng hư hỏng khoảng 100m2; toàn bộ hệ thống cửa phai chắn nước hồ Âu Cơ tại vị trí cống hộp 3 cửa 360x360 cm bị hư hỏng hoàn toàn.

 Toàn cảnh con đường L-1 bị sạt lở

Trước thực trạng, ông Vũ Mạnh Hải, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở các tuyến đường chính là do biến đổi khí hậu, ảnh hưởng mưa nhiều trong tháng 8 cũng như cơn bão số 3, số 4 vừa qua. Sau khi sự cố xảy ra, chủ đầu tư và đơn vị quản lý đã kịp thời báo cáo Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum cùng các Sở, ngành, UBND huyện Ngọc Hồi phối hợp kiểm tra, đánh giá hiện trạng hư hỏng vào ngày 16-8-2018, ông Hải thông tin.

Cũng theo ông Hải, ngoài các tuyến I-1, D7, D8 hư hỏng, sạt lở nặng thì còn rất nhiều tuyến đường khác cũng lâm vào cảnh tương tự. Cụ thể là đoạn trục chính khu II do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum quản lý; đường nội bộ Trạm kiểm soát liên hợp Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, đường tuần tra biên giới; đoạn đường huyết mạch Quốc lộ 18B nối Cửa khẩu Bờ Y (Việt Nam) với cửa khẩu Phù Cưa (nước bạn Lào) đã sụt lún, sạt lở gây ách tắc lưu thông và ngay cả 1 số lô đất giới thiệu cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh cũng sạt lở, hư hỏng...

Để khắc phục tình trạng sạt lở, ngày 20-8-2018, Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y có tờ trình số 43/TTr-BQLKKT gửi UBND tỉnh Kon Tum xin chủ trương khắc phục 3 tuyến đường trên với kinh phí khái toán là khoảng 5 tỷ đồng. Dự kiến nguồn vốn được lấy từ ngân sách nhà nước và quỹ phòng chống thiên tai. Cũng tại tờ trình này, Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y cũng xin thêm 15 tỷ đồng vốn ngân sách để khắc phục các hồ chứa nước Lạc Long Quân và Âu Cơ.

Với tổng vốn đầu tư và nâng cấp cho 3 tuyến đường trên là 35 tỷ, sau sự cố Ban Quản lý Khu kinh tế đề xuất xin 5 tỷ đồng nhằm khắc phục hậu quả, ông Lê Thanh Hà - Trưởng phòng Phòng chống lụt bão thiên tai tỉnh Kon Tum nêu quan điểm: Hư hỏng nhiều, không có kinh phí thì rất nan giải, cơ quan nào cũng xin nhưng tỉnh không có nguồn kinh phí, việc Ban Quản lý KKT đề xuất xin 5 tỷ khắc phục tình trạng trên, tỉnh yêu cầu báo cáo kỹ, rà soát xem hư hại có đúng do mưa bão hay không? - ông Hà quyết liệt.

Cùng quan điểm, đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Xây dựng Kon Tum mong muốn: “Các cơ quan chuyên môn cần làm rõ nguyên nhân do thiết kế sai, thi công ẩu hay do địa hình địa chất”.

Ý kiến của bạn

Bình luận