Đại diện các cơ quan nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ (NC&UD CNVT) đã trình bày báo cáo về các kết quả đạt được trong thời gian qua cũng như đề xuất các sáng kiến, giải pháp để hoàn thành mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt trong Quyết định số 137/2006/QĐ-TTg ngày 14/6/2006 về “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020”.
Sau gần 10 năm triển khai Chiến lược, đến nay, việc NC&UD CNVT đã được phát triển tại nhiều ngành, trong đó phát triển mạnh nhất là tại các Bộ, cơ quan thành viên UBVT Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công thương, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam).
Cùng với sự phát triển NC&UD CNVT trên toàn thế giới, việc ứng dụng cơ sở dữ liệu ảnh vệ tinh cho các ngành đã được mở rộng tại Việt nam và thường xuyên được triển khai trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, tài nguyên, môi trường, quốc phòng và an ninh… ở hầu khắp các vùng miền của Tổ quốc, từ các vùng núi cao biên giới đến các vùng hải đảo xa xôi thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Nằm trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, việc ứng dụng các công nghệ nguồn khác cũng đã được triển khai, lấy nền móng cơ sở là điều kiện tự nhiên, tài nguyên, sự đa dạng sinh học của Việt Nam.
Hầu hết các trường đại học chuyên ngành khoa học tự nhiên, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải, quốc phòng… trên cả nước đều có chuyên ngành đào tạo bộ môn Viễn thám và đều sử dụng thường xuyên các ảnh vệ tinh quang học, vệ tinh môi trường, vệ tinh Rada...
Hiện nay ở Việt Nam đã có hàng trăm cơ quan chuyên NC&UD CNVT; phát triển mạnh nhất là ở 9 Bộ và cơ quan thành viên Uỷ ban Vũ trụ Việt Nam. Đội ngũ các chuyên gia phân tích dữ liệu vũ trụ được đào tạo ở nước ngoài và trong nước cũng lên tới hàng nghìn người. Các trường đại học nói chung và trường đại học về khoa học tự nhiên, tài nguyên – môi trường, nông nghiệp, thông tin truyền thông, giao thông – vận tải nói riêng đều có các Khoa hoặc Tổ bộ môn đào tạo chuyên ngành ứng dụng CNVT cấp đại học và trên đại học.
Tính đến nay, Việt Nam đã đầu tư sở hữu các thiết bị vũ trụ gồm:
- Vệ tinh thông tin truyền thông VINASAT-1 và 2 do Bộ Thông tin &Truyền thông quản lý
- Vệ tinh quan sát Trái đất VNREDSAT-1 do Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam quản lý
- Trạm thu mặt đất ảnh Vệ tinh SPOT do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý
- Trạm thông tin điện tử hàng hải Việt Nam - Vệ tinh INMARSAT do Bộ Giao thông vận tải quản lý
- Hệ thống quan sát tàu cá, ngư trường, nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh (MOVIMAR)” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý
Bên cạnh đó, hệ thống các phòng thí nghiệm cơ bản về vật liệu, y sinh, công nghệ sinh học, vật liệu nano… được hình thành từ những năm 1980 cho đến nay cũng được đánh giá là nền móng cho hoạt động NC&UD VT.
Về hợp tác quốc tế, Việt Nam đã chính thức tham dự các phiên họp thường niên của Ủy ban Liên hiệp quốc về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình (COPUOS). Các cơ quan vũ trụ trực thuộc Chính phủ của các quốc gia hàng đầu thế giới đều đã đến Việt Nam và mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam như: ROSCOSMOS của Liên Bang Nga, NASA của Hoa Kỳ, ESA của Liên minh châu Âu, JAXA của Nhật Bản…
Chỉ còn hơn 4 năm nữa sẽ kết thúc “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020”, các Bộ, cơ quan thành viên Ủy ban Vũ trụ Việt Nam phấn đấu hoàn thành các mục tiêu mà Chiến lược đã đề ra./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.