Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, toàn quốc xảy ra 182 vụ, làm chết 109 người, bị thương 123 người. So với 07 ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, TNGT giảm 16 vụ (-8,08%), giảm 24 người chết (-18,05%), giảm 51 người bị thương (-29,31%).
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, tình hình TTATGT Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cơ bản được bảo đảm tốt, TNGT giảm cả 3 tiêu chí, TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan tới xe khách giảm, ít xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến trục chính ra vào TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông chính.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm nồng độ cồn điều khiển mô tô, xe máy, ô tô ở khu vực ngoài đô thị, tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc vẫn còn nhiều, đã xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm liên quan tới vi phạm quy định nồng độ cồn khi lái xe và không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô xe máy.
Lực lượng CSGT Thanh Hóa kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông |
Điển hình là vụ TNGT tại Gia Lai vào tối mùng 3 Tết làm 4 người chết và 1 người bị thương (nạn nhân đều là thanh, thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số và qua khám nghiệm ban đầu cho thấy đều có nồng độ cồn trong cơ thể và không có bằng lái xe máy); các nạn nhân TNGT khi đi mô tô xe máy bị chấn thương sọ não nặng cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức đa số đều không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ sai quy định.
Việc phát sinh ổ dịch Covid-19 tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã tạo áp lực rất lớn đối với công tác phòng, chống dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh và cả nước, cũng như công tác phục vụ nhân dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán.
Năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp tết; việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa đã tuân thủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid -19. Tình hình an ninh, trật tự tại các bến xe, nhà ga, cảng hàng không, trên các phương tiện vận tải hành khách được duy trì ổn định.Các đơn vị ngành GTVT đã nỗ lực cao nhất để đảm bảo phương tiện phục vụ người dân về quê đón Tết với gia đình.
Công tác quản lý giá cước vận tải, công khai niêm yết giá cước, chuẩn bị phương tiện tăng cường, ký cam kết bảo đảm ATGT, tổ chức các đoàn kiểm trađược các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường trong dịp Tết Nguyên Đán.
Kết quả này có được nhờ sự chỉ đạo sớm, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Thường trực - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, lãnh đạo Chính phủ cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ GTVT, các Bộ: Y tế, Giáo dục và đào tạo, Thông tin và truyền thông, UBND các địa phương trong triển khai các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT - TTXH kết hợp với phòng chống dịch bệnh Covid -19 dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSGT đã chủ động tham mưu và huy động các lực lượng tổ chức triển khai thực hiện mục tiêu kép vừa thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19;…
Lực lượng chức năng xử lý vi phạm trong dịp trước Tết. |
Đặc biệt, việc ra quân mở cao điểm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây TNGT, ùn tắc giao thông và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn và ma túy với mức phạt cao theo quy định tại Nghị định số 100/2029/NĐ-CP nên tình hình TTATGT có nhiều chuyển biến tích cực; tập trung xử lý các hành vi vi phạm có trọng tâm trọng điểm, mức phạt cao, nhất là hành vi vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, vi phạm phần đường làn đường,... đã góp phần tích cực, làm ổn định tình hình TTATGT dịp tết Nguyên đán Tân Sửu; hoạt động vận chuyển hành khách trên cả đường bộ, đường sắt và đường thủy nhìn chung được đảm bảo.
Mặc dù trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19 tại một số địa phương nhưng Bộ Y tế đã tăng cường nhân lực, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh, chủ động nguồn máu cứu chữa các nạn nhân bị tai nạn thương tích, cũng như các nạn nhân TNGT, giảm thiểu thiệt hại về người.
Công tác xây dựng kế hoạch và triển khai nhiệm vụ bảo đảm TTATGT và vận tải hành khách được triển khai sớm ở tất cả các lĩnh vực; công tác kiểm tra, đôn đốc được tăng cường, đặc biệt vào thời điểm cao điểm trước Tết với sự phối hợp giữa các lực lượng Công an, Thanh tra giao thông, Cảng vụ.
Kết cấu hạ tầng giao thông được chỉnh trang, nâng cấp; công tác tổ chức giao thông, bảo đảm ATGT của các phương thức GTVT đều được chú trọng cải thiện.
Phương án tổ chức vận tải được các doanh nghiệp ngành Hàng không, Đường sắt, Đường bộ và Sở GTVT các địa phương chuẩn bị sớm. Tăng cường chỉ đạo, giám sát, kiểm tra hoạt động vận tải trong phạm vi quản lý về việc thực hiện các chỉ đạo, quy định, hướng dẫn về phòng chống dịch; đồng thời, yêu cầu siết chặt và củng cố các biện pháp phòng, chống dịch, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng trong thực hiện các hoạt động vận tải hành khách công cộng;…
Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, đã xảy ra 3 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân trực tiếp của TNGT là do hành vi vi phạm quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông đường bộ, đặc biệt là ở khu vực ngoài đô thị và nông thôn, chủ yếu là: lái xe trong tình trạng vi phạm quy định về nồng độ cồn; vi phạm quy định về tốc độ, phần đường, làn đường; người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm; lái xe máy khi chưa có bằng lái.
Hiện trường vụ 10 xe ô tô va chạm liên hoàn trên cầu Thanh Trì chiều mùng 5 Tết |
Hạn chế về hiệu lực trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực thi công tác bảo đảm TTATGT trên một số địa bàn nông thôn, đặc biệt là hạn chế về lực lượng, phương tiện tuần tra kiểm soát không kịp thời phát hiện hành vi vi phạm để ngăn ngừa.
Về ùn tắc giao thông, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, nhu cầu đi lại của người dân đã giảm xuống, tuy nhiên vẫn còn xảy ra một số vụ ùn tắc giao thông tại các tuyến đường kết nối với TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh (Quốc lộ 1A, cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình, Sài Gòn- Trung Lương, TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, QL 32, QL 13, 14, 22, 51) và khu vực cửa ngõ 2 thành phố này vào ngày đầu và ngày cuối đợt nghỉ Tết.
Nguyên nhân được xác định là do nhu cầu giao thông tăng cao, số lượng ô tô tham gia giao thông lớn vượt quá năng lực của kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt tại các nút giao, các điểm nghẽn về năng lực hạ tầng. Các đơn vị vận hành trạm thu phí chưa chủ động xả trạm khi xảy ra ùn tắc kéo dài trên 750m cũng là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông, đặc biệt tại trạm thu phí Pháp Vân, hướng từ Ninh Bình về TP Hà Nội và trạm thu phí cao tốc Dầu Giây – TPHCM (chiều vào thành phố).
Về vận tải vẫn tồn tại tình trạng sử dụng xe đăng ký kinh doanh hợp đồng để vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, đặc biệt trên các tuyến có đông hành khách về quê ăn Tết (trước Tết) và trở lại nơi làm việc (sau Tết), nhằm vào đối tượng khách đón xe dọc đường, không kê khai, không đăng ký giá vé, thu tiền trực tiếp của hành khách với mức giá tuỳ tiện, không có chứng từ, không có bảo hiểm, trái quy định pháp luật.
Một số trường hợp doanh nghiệp, chủ phương tiện vận tải chưa thực hiện đầy đủ quy định vận chuyển hành khách từ vùng dịch, tới vùng dịch (trường hợp vận chuyển hành khách từ Quảng Ninh và Hải Dương về Điện Biên) có thể phát sinh rủi ro lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng qua hoạt động vận chuyển hành khách.
Nguyên nhân là do một bộ phận chủ xe, lái xe cố tình vi phạm để kiếm lời, mặt khác do một số hành khách chưa có thói quen chuẩn bị kế hoạch đi lại trong dịp Nghỉ Lễ Tết, tuỳ tiện vẫy, đón xe trên đường, không đến bến xe, điểm đón trả khách theo quy định; công tác kiểm tra, kiểm soát vẫn chưa giám sát hết được các hành vi vi phạm.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.