Nhìn lại đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau 1 năm vận hành, khai thác

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Đường sắt 06/11/2022 13:32

Ngày này 1 năm trước, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận hành chính thức, trở thành niềm hãnh diện và đến nay còn là lựa chọn tốt nhất của một bộ phận người dân Thủ đô.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tròn 1 năm vận hành - Ảnh 1.

Hôm nay (6/11/2022), tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đánh dấu mốc tròn 1 năm chính thức đi vào vận hành

Ngày này 1 năm trước, hàng nghìn người Hà Nội nô nức xếp hàng từ sáng sớm để vinh dự trở thành những hành khách đầu tiên trên chuyến tàu Cát Linh - Hà Đông đầu tiên chính thức vận hành. Ảnh tư liệu

Trong 1 năm qua, bên cạnh việc vận hành an toàn, phục vụ gần 7,3 triệu lượt hành khách, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã mang tới nhiều ý nghĩa to lớn cho giao thông Việt Nam.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tròn 1 năm vận hành - Ảnh 5.

Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên vận hành của TP.Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, khởi đầu một xu hướng phát triển vận tải công cộng hiện đại của các đô thị lớn. Đây cũng là công trình giúp nâng tầm diện mạo giao thông Việt Nam.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tròn 1 năm vận hành - Ảnh 6.

Cát Linh - Hà Đông là tuyến sở hữu đội ngũ cán bộ, công nhân viên vận hành đường sắt đô thị được kỳ vọng sẽ trở thành lực lượng nòng cốt để tiếp nhận và vận hành tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, xa hơn là 8 tuyến đường sắt đô thị trong tương lai của TP.Hà Nội. Trong ảnh: Nhân viên kiểm tra đảm bảo đã lên tàu hết trước khi tàu xuất phát

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tròn 1 năm vận hành - Ảnh 7.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, đường sắt Cát Linh - Hà Đông có ưu việt an toàn, tiện nghi, thoải mái, đặc biệt là thời gian di chuyển nhanh, đảm bảo đúng giờ. Đây là yếu tố quan trọng khiến lượng khách đang tăng theo từng tháng trên thực tế trong 1 năm qua.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Giao thông vận tải, chị Lê Anh Thư (quận Hà Đông) cho biết, với đặc thù công việc văn phòng và chăm con nhỏ, chị thiếu rất thiếu thời gian dành cho việc vận động, tập thể dục. "Quá mệt mỏi với cảnh sống mỗi ngày phải dành 2 tiếng trên đường nên tôi đã quyết định phải thay đổi cuộc sống. Tôi đi tàu điện", chị Thư nói và cho biết thêm, mỗi sáng, chị Thư sẽ đi làm sớm hơn, đi bộ đến ga Văn Quán khoảng 5 phút, đi đến ga cuối tuyến Cát Linh khoảng 20 phút, sau đó đi bộ khoảng 2km để đến cơ quan. "Dù thời gian để đến công sở có thể lâu hơn, nhưng tâm lý làm việc, tâm trạng sống thoải mái, thảnh thơi, vui vẻ hơn khi không còn những cảm xúc bực bội, đặc biệt là tranh thủ rèn luyện sức khỏe rất tiện lợi", chị Thư chia sẻ.

Bạn Lê Ngọc Long - học sinh trú tại quận Hà Đông cho hay, nếu đi học ở quận Hoàn Kiếm bằng xe máy cũng không quá xa, nhưng trục đường từ trung tâm thành phố đi quận Hà Đông thường ùn ứ dài nên thời gian đi học về vào giờ tan tầm có thể lên đến hàng tiếng đồng hồ. "Tan học ở trường em thường chơi thể thao với các bạn, nên đi tàu điện hợp lý hơn, em có thêm thời gian nghỉ ngơi khi đi tàu và cũng không phải chịu cảnh tắc đường", bạn Long chia sẻ.

Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội), từ ngày 6/11/2021 đến 31/10/2022, tuyến đã vận chuyển 7,3 triệu lượt hành khách. Hiện, mỗi ngày có khoảng 32 nghìn lượt hành khách, trong đó có 70% người sử dụng vé tháng, giờ cao điểm có từ 5 đến 6 nghìn hành khách trên tuyến.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tròn 1 năm vận hành - Ảnh 11.

Với lưu lượng khách tăng liên tục hàng tháng, Metro Hà Nội thời gian qua đã phải tăng thêm 2 đoàn tàu phục vụ, nâng tổng số lên 9 đoàn tàu. Đồng thời, khoảng cách thời gian mỗi chuyến cũng được thu hẹp, giờ cao điểm chạy 6 phút/chuyến; khung giờ bình thường 10 phút/chuyến.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tròn 1 năm vận hành - Ảnh 12.

Kể từ khi tuyến Cát Linh - Hà Đông vận hành đến nay, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội đã mở mới 8 tuyến buýt, điều chỉnh lộ trình 55 tuyến để phát huy hiệu quả kết nối với đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Trong một năm qua, hai loại hình vận tải công cộng này đã bổ trợ cho nhau rất tốt, cùng với lưu lượng khách đi đường sắt đô thị liên tục tăng cao, sản lượng xe buýt dọc tuyến cũng tăng từ 15 đến 25%.

Ông Vũ Hồng Trường - Tổng giám đốc Metro Hà Nội nhìn nhận, thực tế cho thấy, người dân đang dần hình thành văn hóa tham gia giao thông văn minh, hiện đại. Việc liên tiếp thiết lập các kỷ lục tăng mạnh về số lượng hành khách là minh chứng cụ thể nhất cho việc, Cát Linh - Hà Đông đang là trở thành sự lựa chọn tốt nhất của hàng chục nghìn người trong việc đi lại mỗi ngày.

Giới chuyên gia giao thông cùng chung nhận định, không thể phủ nhận sự ưu việt của loại hình vận tải này và đó cũng là xu hướng phát triển đô thị tất yếu. Từ đó, lưu lượng hành khách trên tuyến Cát Linh - Hà Đông chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt sẽ trở thành một nhu cầu ngày càng cần thiết đối với người dân trong việc tham gia giao thông.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tròn 1 năm vận hành - Ảnh 15.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng đường sắt đô thị của TP.Hà Nội cho đến nay quá chậm với chỉ duy nhất 1 tuyến Cát Linh - Hà Đông. Đây là một "yếu điểm" khiến nhiều người dân dù rất muốn sử dụng đường sắt đô thị nhưng "lực bất tòng tâm" vì không thể tiếp cận với tuyến. Thậm chí, nhiều người dân ở khu vực Hà Đông, ngay gần các điểm ga nhưng cũng không thể sử dụng đường sắt đô thị vì nơi làm việc không trên trục tuyến này.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tròn 1 năm vận hành - Ảnh 16.

Vì vậy, các chuyên gia cùng khẳng định, TP.Hà Nội cần đẩy mạnh một cách hữu hiệu các nguồn lực để hiện thực hóa việc hình thành mạng lưới đường sắt đô thị, tránh tình trạng chỉ có duy nhất 1 tuyến đơn độc, không phát huy nhiều hiệu quả trong việc giảm lưu lượng tham gia giao thông đường bộ. Khi có thêm các tuyến đường sắt đô thị chắc chắn sẽ tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ trong việc thay đổi thói quen tham gia giao thông, phát triển văn hóa giao thông theo xu thế hiện đại, bền vững. Góc ảnh từ tàu điện Cát Linh - Hà Đông: đường vành đai 3 cả trên cao và dưới thấp ùn ứ kéo dài