Ngày 31/5/1946, trước khi lên đường sang Pháp, tại sân bay Gia Lâm, Hồ Chủ tịch đã dặn dò công nhân viên chức Hỏa xa Việt Nam "Đoàn kết - Kỷ luật - Công tác". Nhớ lời Bác, "Việt Nam Công nhân Hỏa xa cứu quốc" đã tập trung thực hiện nhiệm vụ cấp bách chuyên chở lương thực cứu đói, đảm bảo vận chuyển quân đội, vũ khí chi viện cho Nam bộ kháng chiến và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập nước nhà.
Ngày 21/10/1946, một vinh dự lớn cho công nhân viên chức đường sắt là được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chuyến xe lửa đặc biệt từ Hải Phòng về Hà Nội. Mặc dù việc nước rất bận nhưng Người vẫn gửi thư khen ngợi, trong đó có đoạn: "Công việc hỏa xa là công việc quan trọng trong sự kiến thiết nước nhà. Tôi mong anh em Sở Hỏa xa lúc nào cũng đoàn kết, cố gắng để làm tròn nhiệm vụ". Người cũng căn dặn: "Mỗi anh em làm trong xe lửa đều tổ chức. Công hội Hỏa xa phải là kiểu mẫu cho các công hội khác - Đoàn kết, thân ái!".
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới Cảng Hải Phòng - thương cảng quan trọng hàng đầu, cửa ngõ của miền Bắc XHCN. Trong 9 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm TP. Hải Phòng, Cảng Hải Phòng là nơi vinh dự 3 lần được Người đến thăm. Trong cả 3 lần ấy, khi nói chuyện với các cán bộ, công nhân, thủy thủ, Người đều nhắc đến tinh thần đoàn kết, thi đua lao động sản xuất. Ngày 30/5/1957, nói chuyện với công nhân, thủy thủ tàu HC15 Cảng Hải Phòng, gắn với hoàn cảnh kinh tế đất nước còn nghèo, hàng hóa, máy móc ở cảng là do các nước bạn giúp đỡ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở anh chị em phải tập trung sản xuất để có năng suất bốc dỡ cao, sử dụng hết công suất máy móc, bảo quản hàng hóa tốt, cải tiến chế độ quản lý về mọi mặt, giữ gìn an toàn con người, an toàn bến cảng. Muốn vậy, anh chị em phải đoàn kết, làm việc dân chủ, tôn trọng tổ chức kỷ luật, nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Bên cạnh đó, vì TP. Hải Phòng có hải cảng, hằng ngày có nhiều khách quốc tế, tiếp xúc với nhiều người trên thế giới nên phải nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế của giai cấp công nhân.
Năm 1955, ngày đầu xuân Ất Mùi, Bác đến thăm và chúc Tết cán bộ, công nhân Việt Nam và Trung Quốc giúp ta xây dựng cầu Phủ Lạng Thương trên tuyến đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan. Năm sau, Tết Bính Thân, Bác về chúc Tết công nhân Việt Nam và chuyên gia Trung Quốc tại công trường xây dựng cầu Việt Trì.
Theo đường bộ, cầu Việt Trì nằm trên tuyến nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh vùng Tây Bắc. Năm 1901, trong chiến lược khai thác thuộc địa lần thứ nhất, cùng với cầu Long Biên ở Hà Nội, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương cho xây dựng cầu Việt Trì. Bị chiến tranh tàn phá, cuối năm 1955, cầu Việt Trì được xây dựng lại. Mồng 1 Tết Bính Thân năm 1956, Bác Hồ về thăm công trường xây dựng cầu Việt Trì. Theo Báo Nhân dân số 712, ra ngày 14/02/1956: Trên công trường khôi phục cầu Việt Trì, với nhịp độ khẩn trương, quyết tâm hoàn thành kế hoạch, hàng trăm công nhân gồm bộ đội, thanh niên xung phong, cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết và chuyên gia Trung Quốc đã lao động quên mình ngày đêm để gấp rút thông cầu. Khi cầu đã lao xong hai nhịp, còn hai nhịp nữa thì hoàn thành, đúng 13 giờ ngày mồng 1 Tết, Bác về thăm và chúc Tết. Sau khi đi thăm chỗ ăn nghỉ của chuyên gia, công nhân, Người ra thăm công trường đang gấp rút chuẩn bị lao các nhịp cầu để nối liền đôi bờ sông Lô. Tại câu lạc bộ công trường, Bác căn dặn công nhân ra sức hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch; thi đua làm mau, làm tốt, làm rẻ; kết hợp chống tham ô, lãng phí.
Chỉ hơn một tháng sau khi Hồ Chủ tịch về thăm và động viên, ngày 23/3/1956, cầu Việt Trì hoàn thành. Không khí lao động sôi nổi và niềm vui vô hạn về tương lai một chiếc cầu mới trên con đường nối đồng bằng sông Hồng với khu công nghiệp đang hình thành và miền núi phía Bắc đã ùa vào một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Hà với những giai điệu tươi tắn và ca từ đẹp: Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì trong đêm khuya vẫn còn rọi về/Nghe tưng bừng ngày đêm tiếng ca/Khắp đường phố xuôi ngược rộn ràng/Tay công nhân búa đập nhịp nhàng/Trên công trường ngày đêm hát vang... Cầu Việt Trì xây dựng ngày ấy lại bị tàn phá trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ nhưng bài hát "Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì" là giai điệu đi cùng năm tháng, tồn tại trong lòng bao thế hệ công nhân giao thông và công dân thành phố ngã ba sông anh hùng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.