Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết, tính riêng trong tháng 8/2022 đã có 10.360 xe ô tô nguyên chiếc (CBU) được nhập khẩu từ đất nước vạn đảo, đạt giá trị kim ngạch hơn 154 triệu USD.
Mặt hàng ô tô CBU xuất xứ từ Thái Lan đứng ở vị trí thứ hai với 5.950 chiếc, đạt giá trị kim ngạch gần 115 triệu USD. Đứng thứ 3 là xe nhập khẩu từ Trung Quốc với 1.145 chiếc trong tháng 8, đạt giá trị hơn 50 triệu USD.
Đáng chú ý là nếu chỉ xét riêng về số lượng thì ô tô CBU nhập khẩu từ Indonesia chiếm đến trên 57% tổng lượng xe nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 8 vừa qua. Còn nếu xét về giá trị, mặt hàng ô tô CBU nhập khẩu từ Indonesia tháng 8 cũng chiếm xấp xỉ 43,3%.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô CBU tháng 8/2022 đạt 18.071 chiếc về lượng, tương ứng là mức giá trị kim ngạch hơn 356 triệu USD.
Cộng dồn đến hết tháng 8, Việt Nam đã nhập khẩu 94.354 xe ô tô nguyên chiếc, đạt giá trị kim ngạch 2,137 tỷ USD. Trong đó, xe có xuất xứ từ Indonesia vẫn chiếm số lượng lớn nhất (38.469 chiếc) dù chỉ nhỉnh hơn chút ít so với các loại xe có xuất xứ từ Thái Lan (37.748 chiếc). Xét về giá trị kim ngạch, các loại xe nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn đang ở vị trí đầu bảng (trị giá 749 triệu USD), vượt qua khá xa so với Indonesia (556 triệu USD) và Thái Lan (535 triệu USD).
Các con số thống kê đang thể hiện khá rõ nét về xu hướng của thị trường ô tô nhập khẩu Việt Nam. Đà tăng tốc chóng mặt của xe nhập khẩu từ Indonesia phản ảnh khá đầy đủ về giai đoạn phát triển nóng của các phân khúc ô tô giá rẻ.
Thực tế cũng cho thấy, đa số các mẫu xe nằm ở phân khúc cỡ A, cỡ B và MPV cỡ nhỏ đều đang được nhập khẩu nguyên chiếc từ xứ sở vạn đảo thay vì từ Thái Lan hoặc lắp ráp trong nước. Có thể kế đến một số mẫu xe Wigo, Avanza, Rush hay Veloz Cross của Toyota; mẫu xe MPV cỡ nhỏ đắt khách nhất Mitsubishi Xpander; mẫu xe Honda Brio; hay bộ đôi XL7 và Ertiga của Suzuki… Hầu hết trong số này đều là các mẫu xe bán chạy nhất phân khúc thời gian vừa qua.
Trong khi đó, các loại xe nhập khẩu từ Thái Lan chủ yếu đều nằm ở các phân khúc cỡ trung và có khoảng giá bán lẻ xoay quanh 1 tỷ đồng. Nhóm xe này lại không nhiều và đều mang các thương hiệu phổ thông, có doanh số bán hàng không lớn. Đây cũng là nhóm sản phẩm đang được các liên doanh tính toán lắp ráp trong nước thay vì nhập khẩu.
Việc xe nhập khẩu Indonesia vượt mặt Thái Lan cho thấy một sự đảo chiều nhanh chóng so với cách đây 4 năm.
Năm 2018 là giai đoạn đầu tiên các loại xe nhập khẩu từ Indonesia và Thái Lan được hưởng mức thuế suất 0% theo quy định tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Quãng thời gian đó, Thái Lan vẫn là nước đứng đầu về số lượng ô tô nguyên chiếc xuất khẩu sang Việt Nam. Tuy nhiên, khi xe giá rẻ lên ngôi cùng với giai đoạn phát triển mạnh mẽ của loại hình taxi công nghệ, các loại xe giá rẻ từ Indonesia đã dần thắng thế.
Hiện tại, Việt Nam đang nhập khẩu mặt hàng ô tô CBU từ 11 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cùng với đà tăng trưởng của xe Indonesia thì các loại xe có xuất xứ từ Pháp đã không còn hiện diện trong danh sách. Thậm chí, các loại xe xuất xứ từ Hàn Quốc và Nhật Bản ngày càng trở nên ít ỏi. Sự ổn định, phần nào đó, vẫn đang được giữ gìn với xe xuất xứ từ Trung Quốc khi chủ yếu đều là các loại xe tải và xe chuyên dụng.
Những biến đổi của kim ngạch nhập khẩu xe CBU xét theo xuất xứ đang cho thấy sự phân hóa ngày càng rõ nét về xu hướng tiêu dùng ô tô của người Việt.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.