Xe quá tải vẫn ngang nhiên thách thức dư luận
Ghi nhận của PV Tạp chí GTVT tại TP. Hồ Chí Minh - một trong những địa phương “nóng” tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng, chở hàng quá tải cho thấy, đường Nguyễn Duy Trinh (quận 9) hàng ngày có nhiều xe ben chở đất đá, vật liệu xây dựng phục vụ các công trình quanh khu vực các phường Phú Hữu, Long Trường, Trường Thạnh… chạy rầm rập, kéo theo khói bụi, đất đá văng khắp mặt đường. Tương tự, tại đường Nguyễn Văn Linh và Huỳnh Tấn Phát (quận 7), sau hơn một giờ quan sát, PV đã ghi nhận hàng chục xe ben (xe “hổ vồ”) cơi nới thành thùng ngang nhiên lưu thông và phóng vun vút theo hướng từ quận 4 về quận 7, huyện Nhà Bè và chiều ngược lại. Hầu hết các xe này đều chở đầy đất, cát, đá và vật liệu xây dựng khác, bấm còi inh ỏi, giành đường của các phương tiện khác, khiến người dân và phương tiện tham gia giao thông luôn nơm nớp lo sợ.
Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. Hồ Chí Minh, hiện tình trạng xe chở quá tải, sang tải trên địa bàn Thành phố tiếp tục tái diễn, cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp làm ăn chân chính, trong khi các địa phương và cơ quan có trách nhiệm vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Điển hình, các phương tiện chở quá tải, sang tải hoạt động thường xuyên ở một số điểm trên địa bàn quận 2 (trạm cân Minh Việt, bãi trước kho C cảng Cát Lái), đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), trước cổng cảng Phú Hữu (quận 9), bãi xe Diệp Tiến (huyện Bình Chánh)... Hiện tượng này xảy ra thường xuyên, ngang nhiên thách thức dư luận xã hội, khiến người dân vô cùng bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, sau gần 2 năm Bộ GTVT vào cuộc quyết liệt dẹp nạn xe quá khổ, quá tải hoành hành bằng các chiến dịch KSTTX thì tình trạng này đã gần như bị xóa sổ ở hầu hết các tỉnh, thành. Tuy nhiên thời gian gần đây, tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng, chở hàng quá tải có dấu hiệu tái diễn trở lại và ngày càng phức tạp, hoạt động công khai ở nhiều địa phương. Đặc biệt, sau Hội nghị tổng kết thực hiện Kế hoạch 12593/KHPH-BGTVT-BCA, lực lượng CSGT nhiều tỉnh, thành phố rút khỏi lực lượng KSTTX liên ngành ở trạm cân, chỉ còn lực lượng TTGT khiến công tác KSTTX gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Huyện, vừa qua đích thân ông tổ chức nhiều cuộc kiểm tra xe quá tải ở nhiều địa phương được phản ánh là “nóng” về vấn đề này. Qua kiểm tra đã có hàng chục xe quá tải bị phát hiện và xử lý vi phạm. Điều rút ra sau chuyến đi này là tình trạng xe quá tải mặc dù đã giảm mạnh nhưng vẫn còn nhức nhối tại một số địa bàn, nhiều địa phương đã buông lỏng công tác KSTTX. Trong khi xe đường dài đã chấp hành đúng quy định, một số xe tải chạy tuyến ngắn, chở vật liệu xây dựng tại các mỏ đất đá, xe phục vụ các dự án xây dựng, san lấp mặt bằng vẫn cố tình vi phạm và thường có sự bao che, buông lỏng, làm ngơ của các cấp chính quyền địa phương.
“Những tháng đầu năm 2017, xe quá tải đường dài có diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, hoạt động công khai trên các quốc lộ, đặc biệt là QL1, QL2, QL3, QL5, QL6, QL14, QL18… và các tuyến đường bộ nối những nơi sản xuất vật liệu, khai thác mỏ, nhà máy xi măng đến công trường, dự án đang xây dựng của một số địa phương khác. TP. Hồ Chí Minh vẫn còn một số khu vực có hoạt động quá tải cần phải xử lý như khu vực cảng Cát Lái (quận 2), cảng Phú Hữu (quận 9), dọc theo tuyến QL1 ở các quận Bình Tân, Bình Chánh, quận 12, dọc theo các tuyến đường hướng từ Long An, Tiền Giang lên thành phố. Nhiều địa phương đang tái diễn tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng, chở hàng quá tải, nhất là trên QL18 (đoạn qua huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)… Tình trạng xe chở hàng quá tải vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất ATGT và ô nhiễm môi trường”, ông Huyện chia sẻ.
Lắp đặt trạm KSTTX cố định xóa sổ “giặc” quá tải
Ông Huyện đánh giá, nguyên nhân dẫn đến tình trạng xe quá tải tái diễn trở lại là do lực lượng CSGT nhiều tỉnh, thành phố rút khỏi lực lượng KSTTX liên ngành ở trạm cân, chỉ còn lực lượng TTGT thực hiện công tác KSTTX. Thực tế là hiện nay một số trạm cân đã hỏng, nhiều trạm cân tải trọng xe lưu động đang bị tạm dừng nên nhiều trạm cân tải trọng ở nhiều địa phương đã ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng và có nguy cơ dừng bất kỳ lúc nào. Một số địa phương vẫn chưa đưa trạm cân lưu động vào hoạt động, có hiện tượng nhiều địa phương buông lỏng và để tái diễn tình trạng xe quá tải lộng hành như: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Bình Định, Đắk Nông, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ...
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận, dù lực lượng CSGT đã rút, không còn phối hợp tại các trạm KSTTX lưu động, nhưng nhiều địa phương cũng như các đơn vị của Tổng cục ĐBVN đã củng cố lực lượng, tiếp tục duy trì hoạt động KSTTX lưu động, cố định, kết hợp cân xách tay tăng cường KSTTX tại các cơ sở đầu nguồn hàng, mỏ vật liệu, các cảng nội địa khác… Qua kiểm tra theo dõi, tại những đoạn đường còn duy trì trạm KSTTX lưu động thì lượng xe quá tải đã được ngăn chặn. Do đó, việc duy trì các trạm KSTTX lưu động trên toàn quốc là hết sức cần thiết. Điều đó chứng tỏ khi có sự hiện diện của lực lượng CSGT, tình hình xe quá tải giảm đáng kể. Tổng cục ĐBVN đề nghị TTGT các sở GTVT cùng với các cục quản lý đường bộ tăng cường kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng như các cảng, nhà máy, xí nghiệp lớn trong các khu công nghiệp, mỏ đá, vật liệu xây dựng, đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát tại những tuyến đường có nhiều xe quá tải lưu thông; tổng hợp các xe vi phạm, có kích thước thùng hàng vượt quá quy định gửi về Cục Đăng kiểm Việt Nam để xử lý theo quy định.
Cùng với đó, để thực hiện tốt việc KSTTX, trong thời gian tới Tổng cục ĐBVN báo cáo và đề xuất Bộ GTVT làm việc với Bộ Công an để xây dựng Kế hoạch phối hợp thực hiện công tác KSTTX thay thế Kế hoạch 12593. Trước mắt, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở GTVT bảo đảm TTATGT phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 32/CT-TTg về việc tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông. Các sở GTVT cần tập trung sắp xếp lại lực lượng, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, chủ trì hoặc phối hợp với các lực lượng công an đưa trạm cân lưu động hoạt động trở lại. Trong trường hợp không có CSGT và lực lượng Cảnh sát khác thì TTGT chủ động thực hiện toàn bộ các nhiệm vụ tại trạm, đồng thời sử dụng cân xách tay để kiểm soát tải trọng trên các hệ thống đường bộ thuộc địa bàn của địa phương.
Về giải pháp lâu dài, Tổng cục ĐBVN sẽ báo cáo Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành mô hình mẫu trạm kiểm tra tải trọng cố định. Theo đó, các trạm thu phí sẽ lắp đặt các trạm cân cố định, các xe đi qua trạm cân đều bị kiểm tra và kết quả sẽ được truyền về các sở GTVT để xử phạt “nguội” nếu có vi phạm. Sau khi các trạm KSTTX cố định được hoàn thiện đi vào hoạt động, các lực lượng chức năng liên ngành sẽ thực hiện KSTTX tại các trạm kiểm soát tải trọng cố định. Trạm KSTTX lưu động sẽ chuyển sang KSTTX ở những đoạn quốc lộ không có trạm KSTTX cố định và các tuyến đường bộ địa phương thường xuyến có xe quá tải hoạt động. “Quan điểm của Tổng cục ĐBVN là giải quyết xe quá tải phải triệt để vì nếu không làm triệt để chỉ cần một xe chở quá tải lưu thông trên đường cũng có thể phá hỏng kết cấu hạ tầng giao thông”, ông Huyện nhấn mạnh.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.