Những bất cập giao thông thủy trong mùa khan cạn

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
26/04/2016 17:56

Vào cuối mùa nước cạn, trên các tuyến sông của Hà Nội vẫn còn nhiều “mối lo”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.

Đột phá trong đảm bảo TTATGT đường thủy

Về thực trạng khan cạn luồng sông trong phạm vi Hà Nội, ông Cao Văn Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Quản lý bảo trì Đường thủy nội địa số 6 (Công ty 6) - đơn vị quản lý bảo trì cho biết, hiện trên sông Hồng và sông Đuống có 4 vị trí khan cạn trọng điểm bao gồm luồng Bác Cổ, Tứ Liên - Trung Hà, Nhật Tân và Cao Đại. Trong 4 vị trí này, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (ĐTNĐVN) đã giao cho các nhà đầu tư nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm tại luồng Bác Cổ và Nhật Tân. Đến nay, tình trạng khan cạn đã giảm, giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ) được đảm bảo thông suốt.

DSC02292
Tuy giao thông thủy tại Hà Nội được đảm bảo, song còn nhiều bất cập gây ảnh hưởng xấu trong mùa nước cạn.

Đối với luồng Tứ Liên - Trung Hà và Cao Đại, Cục ĐTNĐVN đã đặt hàng Công ty tổ chức điều tiết, hạn chế tình trạng ách tắc giao thông, đảm bảo cho phương tiện lưu thông trên luồng được thông suốt. Đến nay, công tác này cũng đang được đảm bảo khá tốt.

“Ngoài việc tổ chức đảm bảo luồng tuyến thực hiện tốt thì cả 4 vị trí khan cạn trọng điểm này đều không xảy ra tình trạng ách tắc và không có TNGT. Đây là điểm đột phá trong công tác đảm bảo TTATGT ĐTNĐ trong mùa khan cạn năm nay” – ông Cao Văn Định khẳng định.

DSC02260_Snapseed
Vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại đang tác động xấu đến 2 tuyến sông tại Hà Nội trong mùa khan cạn.

Về quản lý cảng, bến thủy nội địa, ông Phạm Thắng – Trưởng Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Hà Nội (Cảng vụ ĐTNĐ khu vực 2) cho biết, tình trạng khan cạn tại các cảng, bến trên phạm vi Hà Nội không xảy ra nghiêm trọng trong mùa nước cạn năm nay. Tuy nhiên, Cảng vụ ĐTNĐ Hà Nội vẫn rất quan tâm và thường xuyên tổ chức kiểm tra mực nước để đảm bảo an toàn cho phương tiện ra, vào cảng, bến an toàn. Hiện tại, chỉ có vùng nước của Cảng Khuyến Lương bị khan cạn và đang được tiến hành nạo vét. Theo ông Thắng, việc nạo vét tại Cảng Khuyến Lương được Cảng vụ ĐTNĐ Hà Nội quan tâm sát sao và được thực hiện đúng theo quy định cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật.

DSC03661
Công trình nạo vét với hàng đoàn tàu đậu đỗ ngay giữa sông Hồng đoạn gần cầu Vĩnh Tuy

“Các vấn đề gây ảnh hưởng đến luồng chạy tàu được Cảng vụ ĐTNĐ Hà Nội thông báo thường xuyên cho các phương tiện lưu thông. Đồng thời, công tác đảm bảo TTATGT đường thủy được Cảng vụ tập trung thực hiện quyết liệt và triệt để, không để xảy ra bất kỳ vấn đề nguy hiểm nào” – Trưởng Đại diện Phạm Thắng khẳng định.

Biến đổi dòng chảy và cái “chợ” giữa sông

Tuy công tác đảm bảo TTATGT đường thủy đang được đảm bảo, song vấn đề lớn hiện nay đang tồn tại dọc theo 2 tuyến sông Đuống và sông Hồng trong phạm vi Hà Nội là tình trạng khai thác cát và nạo vét tận thu hiện không đi đúng theo quy hoạch khiến nhiều vị trí bị biến đổi dòng chảy, thay đổi luồng chạy tàu và tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao. Hiện, nhiều khu vực trên 2 tuyến sông này xảy ra tình trạng khan cạn cục bộ.

DSC02267
Phương tiện phục vụ nạo vét tập trung đỗ và ra, vào bờ liên tục tại 1 khu vực gây hỗn loạn cả đoạn sông Hồng

Cũng theo ông Định, hàng loạt những bất cập đang diễn ra liên quan tới nạo vét như nạo vét chưa đúng theo thiết kế, vị trí và chiều sâu quy định; nhiều chỗ quá sâu dẫn tới chỗ khác bị cạn và nảy sinh ra những hố sâu, đoạn cát cục bộ. Bởi vậy, dòng chảy sông bị biến đổi gây mất ổn định về luồng lạch. Các đơn vị nạo vét dùng tàu hút từ 15 đến 20m chiều sâu, trong khi đó, thiết kế luồng chỉ yêu cầu tiêu chuẩn chiều sâu chỉ 4m, mực nước là dương 3m và đáy luồng là âm 1m. "Tình trạng trên diễn ra rất nhiều và dọc theo 2 tuyến sông. Bất kỳ vị trí khai thác cát nào cũng đều xảy ra tình trạng trên".

DSC02296
Bến khai thác cát trên sông Hồng.

Ở 1 góc độ khác, quy cách khai thác tại các dự án hiện đang gây náo loạn và mất TTATGT. Giao thông đường thủy tại tất cả các điểm có mỏ cát và công trình nạo vét tận thu hầu như đều xảy ra tình trạng hỗn loạn như 1 cái “chợ”. Tình trạng này diễn ra tràn lan dọc theo 2 tuyến sông Hồng và sông Đuống thuộc địa phận Hà Nội - ông Định nói.

DSC02287
Các phương tiện phục vụ nạo vét đậu đỗ thành từng đoàn giữa sông Hồng.

Theo tìm hiểu của PV, mặc dù công tác xã hội về nạo vét đã được triển khai một cách khá nghiêm túc theo các quy định của pháp luật nhưng vẫn tồn tại sự lỏng lẻo trong công tác quản lý. Bởi lẽ, những “bất ổn” trong việc nạo vét nêu trên đều chưa thấy bóng dáng của các cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực ĐTNĐ tại đây tiến hành xử lý và ngăn chặn những hiểm họa tai nạn.

Trước vấn đề này, ông Cao Văn Định cho biết, Công ty 6 cũng đã có những đề xuất tham mưu cho Cục nhằm đảm bảo ATGT phục vụ tốt cho vận tải tại các khu vực này. Đối với các vị trí khai thác cát, nạo vét tận thu trên 2 tuyến sông đặc biệt là sông Hồng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tập trung kiểm tra, giám sát và yêu cầu các các chủ dự án khai thác phải thi công đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Nếu không được làm đúng, việc nạo vét tận thu sản phẩm sẽ sai lệch và mất đi ý nghĩa cũng như mục tiêu của dự án.

Ông Định bày tỏ: “Đối với các mỏ cát do chính quyền địa phương cấp phép khai thác thì công tác đảm bảo TTATGT cũng cần phải được các cơ quan chức năng có thẩm quyền quan tâm hơn nữa. Các lực lượng Cảnh sát đường thủy, Thanh tra giao thông đường thủy và chính quyền địa phương cần tổ chức chấn chỉnh lại những vấn đề bất cập tại các điểm nóng dọc tuyến này”.

Ý kiến của bạn

Bình luận