Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy thấp
Trong những năm qua, nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo cơ cấu đầu tư theo giai đoạn 2001 – 2012 trong đó đường bộ chiếm tỉ trọng 76,4% trong khi đường thủy nội địa (ĐTNĐ) chỉ có 0,96%; đầu tư công các lĩnh vực trong ngành ĐTNĐ chỉ chiếm 1 – 2% ngân sách trung ương (theo nguồn ngân hàng thế giới). Sự thiếu quan tâm này là nguyên nhân làm cho hệ thống kết cấu hạ tầng luồng tuyến, hệ thống báo hiệu, tín hiệu, bến cảnh… xuống cấp ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải.
Do đó, điều cấp bách là cần huy động vốn đầu tư cho ĐTNĐ theo hình thức xã hội hóa (XHH) nhằm nâng cao năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng ĐTNĐ trên một số tuyến chính, các cảng đầu mối…
Sự thiếu quan tâm đến đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuống cấp gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải |
Theo báo cáo của Cục ĐTNĐ, Tính đến năm 2015, kết quả huy động vốn xã hội hóa của các công trình Cảng, Bến là 18.997 tỷ đồng; phương tiện vận tải là 10.000 tỷ đồng; công nghiệp sửa chữa, đóng mới phương tiện là 400 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước cho dự án kết cấu hạ tầng là 10.000 tỷ đồng (WB5, WB6, nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 1)
Cùng với đó, nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông ĐTND giai đoạn 2016 – 2020, định hướng 2030 sẽ cần tới 22.220 tỷ đồng cho việc xây dựng đầu tư/duy tu luồng tuyến và Cảng bến; phương tiện vận tải tự đầu tư là 25.000 tỷ đồng; công nghiệp sửa chữa, đóng mới phương tiện là 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay lại có ít dự án đầu tư kết cấu hạ tầng ĐTNĐ được triển khai. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu các đơn vị quyết liệt và chặt chẽ hơn trong việc triển khai và kiểm soát các dự án. Cụ thể, các đơn vị cần thiết phải tập trung tối đa cho việc triển khai đầu tư vào 1 đến 2 dự án thành công. Các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng sẽ phải rà soát lại, đánh giá tính cần thiết, phù hợp. Đồng thời, rà soát toàn bộ các dự án đã được cấp phép, trường hợp nào đã cấp từ 1 năm nhưng chưa thực hiện hoặc cấp không theo quy hoạch sẽ bị thu hồi.
Chấm dứt tình trạng "xã hội hóa trá hình" nạo vét tận thu
Ông Hoàng Hồng Giang – Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, toàn quốc hiện nay có 55 dự án xã hội hóa nạo vé duy tu luồng kết hợp tận thu sản phẩm, trong đó có 15 dự án đã hoàn thành thủ tục triển khai thi công, 2 dự án đã chấm dứt triển khai, 33 dự án còn lại đang rà soát và yêu cầu nhà đầu tư (NĐT) khẩn trương hoàn thành các thủ tục liên quan để triển khai thi công,trường hợp không đáp ứng được trong tháng 8 sẽ cho dừng, thanh lý hợp đồng, chuyển NĐT khác thực hiện.
Về thực trạng cụ thể của các dự án, ông Giang cho biết thêm, các dự án hiện nay gặp khó khăn trên cơ sở quy mô các dự án không lớn, phạm vi nhỏ lẻ, không liền tuyến do tính chất là chỉ nạo vét các khu vực khan cạn, nạo vét duy tu để đảm bảo độ sâu chạy tàu theo cấp kỹ thuật. Đặc biệt là chưa có sự phân biệt rõ ràng đối với các hình thức khai thác khoáng sản khác trên sông (các mỏ cát, vật liệu xây dựng do địa phương cấp phép), do đó việc cấp phép, đăng ký trữ lượng sản phẩm tận thu còn gặp nhiều vướng mắc, không thống nhất với các cơ quan chức năng địa phương.
Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan quản lý thay thế NĐT một số dự án, điều chuyển đơn vị quản lý dự án để đảm bảo hiệu quả triển khai |
Trước sự khảo sát thực tế, hiện trạng nạo vét tận thu sản phẩm hiện nay chưa thực chất là xã hội hóa, bởi các dự án chỉ tập trung nạo vét để “trá hình” khai thác khoáng sản, còn những nơi không tận thu được sản phẩm thì bị làm “ngơ”. Để chấm dứt tình trạng này, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan quản lý thay thế nhà đầu tư một số dự án cụ thể, cũng như điều chuyển đơn vị quản lý dự án nhằm bảo đảm hiệu quả trong công tác triển khai. Đồng thời, Bộ trưởng giao Cục ĐTNĐ Việt Nam cùng các cơ quan chức năng khẩn trương kiện toàn thể chế chính sách nhằm bảo đảm cho việc triển khai các dự án có tính minh bạch và tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật.
Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng đề nghị với Bộ GTVT có ý kiến với Bộ Tài nguyên và môi trường để chỉ đạo các cơ quan, địa phương liên quan hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký sản phẩm tận thu. Đặc biệt, không thực hiện cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các dự án nạo vét duy tu luồng ĐTNĐ, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.