Những công trình hạ tầng nâng tầm giao thông Hà Nội

Tác giả: Vũ Thành

saosaosaosaosao

Giao thông Hà Nội những ngày gần đây được đánh giá có những thay đổi đáng kể về diện mạo, “giảm nhiệt” tương đối hiệu quả áp lực ùn ứ vào giờ cao điểm. Đặc biệt, một số công trình giao thông đang thi công ở giai đoạn nước rút tạo ra nhiều kỳ vọng nâng tầm hạ tầng giao thông hiện đại, văn minh.

Những công trình hạ tầng nâng tầm giao thông Hà Nội - Ảnh 1.

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đang thu hút nhiều hành khách giúp giảm UTGT đô thị

Hầm chui đặt nền tảng cho giao thông đa tầng

Nhân dịp Kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022) vừa qua, người dân Hà Nội vui mừng khi dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 chính thức thông xe.

Ghi nhận của Tạp chí GTVT, từ quận Hà Đông đến các khu vực trung tâm chỉ có hai tuyến đường chính là Trần Phú (Hà Đông) - Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) và Tố Hữu - Lê Văn Lương.

Lâu nay, tuyến Tố Hữu - Lê Văn Lương thường bị ùn dài khi đi chuyển qua nút giao với đường Vành đai 3 nên nhiều người dân khu vực quận Hà Đông có xu hướng lựa chọn tuyến Trần Phú - Nguyễn Trãi. Bởi lẽ, dù ùn ứ nhưng tuyến đường rộng nên cảm giác thoáng đãng, đỡ ngột ngạt hơn.

Bạn Nguyễn Như Quỳnh (sinh viên, trú tại quận Hà Đông) chia sẻ: "Đi từ nhà đến các khu vực trung tâm của thành phố lâu nay vào buổi sáng, buổi chiều tối cảm thấy rất mệt mỏi vì ùn ứ. Từ ngày có hầm Lê Văn Lương, em đi tuyến đường này cảm thấy có phần thoải mái hơn, thông thoáng hơn".

Trên thực tế, hầm chui trị giá 533 tỷ đồng này đi vào vận hành đã cải thiện đáng kể năng lực thông suốt phương tiện di chuyển qua nút giao với đường Vành đai 3. Tuy nhiên, lượng phương tiện ùn ứ trở lại ở ngã tư Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân - Lê Văn Lương (đầu hầm chui) vẫn là một vấn đề đối với tính đồng bộ hạ tầng của tuyến đường này.

Nhiều ý kiến dư luận xã hội cho rằng, hầm Lê Văn Lương đã giải quyết hiệu quả xung đột giao thông tại nút giao với đường Vành đai 3. Tuy nhiên, cần có thêm 2 cầu vượt ngã tư Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân - Lê Văn Lương và ngã tư Hoàng Đạo Thúy - Lê Văn Lương. Hiện nay, trên trục đường này đã có cầu vượt qua đường Láng (Vành đai 2) và cầu vượt Láng Hạ qua ngã tư Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng. Kết hợp với hầm chui, những cây cầu vượt này sẽ giúp tối ưu được hiệu quả của hầm chui nói riêng và lợi ích thực chất đối với người dân nói chung khi có thể lưu thông thông suốt toàn trục tuyến hướng tâm.

Dù còn nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề ùn ứ tại hầm Lê Văn Lương - Vành đai 3, song giới chuyên gia giao thông đô thị cùng chung khẳng định, hầm chui thứ tư của Hà Nội này đã cải thiện đáng kể diện mạo của giao thông Thủ đô, đặc biệt là đặt nền tảng cho cấu trúc giao thông đa tầng. Hầm chui cũng được định hình là một giải pháp hữu hiệu có tính lâu dài cho các nút giao có lưu lượng phương tiện lớn, tạo ra các luồng giao thông thông suốt.

Tiếp nối hầm chui Lê Văn Lương, vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã khởi công hầm chui tại nút giao đường Vành đai 2,5 - Giải Phóng với tổng giá trị phê duyệt gần 780 tỷ đồng. Cùng với đó, hầm chui và 4 cầu nhánh tại nút giao đường Vành đai 3,5 - Đại lộ Thăng Long cũng sẽ được xây dựng trong giai đoạn 2022 - 2026 với tổng mức đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng.

Những công trình hạ tầng nâng tầm giao thông Hà Nội - Ảnh 2.

Hầm chui Lê Văn Lương - đường Vành đai 3

Nhu cầu đường sắt đô thị tăng cao

Giao thông đô thị Hà Nội những ngày gần đây ghi nhận tin vui sau khi Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) công bố số liệu về tăng trưởng lượng hành khách tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Sau 10 tháng hoạt động, Metro Hà Nội đã chở 5,4 triệu lượt khách, bình quân hơn 18.300 lượt khách/ngày. Tổng doanh thu đạt hơn 46 tỷ đồng, bình quân doanh thu mỗi tháng đạt 4,6 tỷ đồng tiền vé.

Theo ghi nhận của Tạp chí GTVT, lượng khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông trong khung giờ cao điểm thời gian gần đây khá đông, nhiều lúc chật kín.

Bạn Lê Ngọc Long (học sinh, trú tại quận Hà Đông) cho hay, nếu đi học ở quận Hai Bà Trưng bằng xe máy cũng không quá xa, tuy nhiên các trục đường bị ùn ứ dài nên thời gian đi lại mỗi chiều có thể lên đến 1 tiếng đồng hồ, kèm theo sự mệt mỏi, sốt ruột khi lái xe. "Hàng ngày, em đi tàu điện từ Hà Đông đến ga Cát Linh khoảng 15 phút, sau đó đi xe máy từ ga đến trường chỉ mất khoảng 10 phút. Tính cả thời gian đi bộ chỉ mất khoảng 30 phút và rất thoải mái, không mệt mỏi.

Ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cho biết, tính riêng ngày thứ 2 đầu tuần (03/10/2022), tuyến ghi nhận kỷ lục 31 nghìn khách/ngày, gồm khoảng 70% khách sử dụng vé tháng. Đây là kỷ lục mới về lượng khách trong ngày làm việc, cao hơn khoảng 3 nghìn lượt so với tuần trước đó.

Theo ông Trường, từ tháng 9/2022, lưu lượng khách tăng cao, Metro Hà Nội phải tăng thêm 2 đoàn tàu phục vụ, nâng tổng số lên 9 đoàn tàu. Đồng thời, khoảng cách thời gian mỗi chuyến cũng được thu hẹp, giờ cao điểm chạy 6 phút/chuyến, giờ bình thường 10 phút/chuyến.

Ông Trường nhận định, sinh viên đang có xu hướng thuê nhà ở các khu vực quận Hà Đông, gần các ga đường sắt trên cao nhằm sử dụng tàu điện đi lại. Với lưu lượng khách thực tế có thể thấy, tuyến đường đang góp phần hữu hiệu trong việc giảm mật độ phương tiện trên hành lang đường bộ phía Tây Nam Hà Nội, đặc biệt là đã cơ bản tạo ra thói quen đi lại bằng phương tiện công cộng.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, đường sắt Cát Linh - Hà Đông có ưu việt an toàn, tiện nghi, thoải mái, đặc biệt là thời gian di chuyển nhanh, đảm bảo đúng giờ. Đây là yếu tố quan trọng khiến lượng khách đang tăng theo từng tháng.

Dẫu vậy, Bộ GTVT cũng thẳng thắn nhìn nhận, mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội hiện chưa hoàn thiện, mới chỉ có duy nhất 1 tuyến Cát Linh - Hà Đông vận hành thương mại khiến việc kết nối giao thông công cộng còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả tối ưu. Được biết, theo định hướng đầu tư, phát triển mạng lưới đường sắt đô thị của Chính phủ, tại TP. Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thi với chiều dài 410 km.

Báo cáo Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều chậm so với dự kiến. Đến nay, mới đưa vào khai thác 13 km tại TP. Hà Nội, đạt 10,4% tổng chiều dài mạng lưới cần đầu tư trước năm 2020. Chính phủ đang chỉ đạo TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các dự án theo quy hoạch được phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải.

Tháng trước, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về đẩy mạnh tiến độ tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, TP. Hà Nội đã thống nhất đề xuất Chính phủ điều chỉnh thời gian hoàn thành tuyến từ giai đoạn 2009 - 2022 thành giai đoạn 2009 - 2027, chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng. Trong đó, đoạn trên cao truyến Nhổn - Ga Hà Nội (8,5 km) sẽ vận hành từ cuối năm 2022; khác thác, vận hành toàn tuyến (12,5 km, gồm đoạn đi ngầm 4 km) từ năm 2027.