Vi phạm phổ biến, hầu hết vì… quên
Ghi nhận của phóng viên Tạp chí Giao thông vận tải, chiều 18/10/2022 tại nhiều khu vực trường học ở quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội, tình trạng học sinh và phụ huynh học sinh vi phạm giao thông diễn ra phổ biến. Các lỗi vi phạm của các em học sinh nổi bật nhất là: Không đội mũ bảo hiểm, chở 3, điều khiển các mẫu xe mô tô từ 50cc trở lên;…
Thậm chí, có tốp học sinh không đội mũ bảo hiểm đang dàn hàng ngang diễu phố cười đùa, khi thấy có bóng dáng của CSGT thì bất giác liều lĩnh tạt đầu ô tô, hò nhau tăng ga "tránh chốt".
Tại ngã tư Ngô Quyền - Hai Bà Trưng vào giờ tan học buổi chiều, chỉ trong ít phút, tổ công tác của Đội CSGT số 1 - Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội liên tục phát hiện và tiến hành dừng xe cả chục trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông, chủ yếu là lỗi không đội mũ bảo hiểm.
Khi được cán bộ CSGT hỏi về lý do vi phạm, tất cả các em học sinh đều cho biết cùng một lý do là quên mũ bảo hiểm hoặc có mang theo mũ bảo hiểm nhưng… quên không đội. Tất cả trường hợp vi phạm này đều thừa nhận hành vi lái xe không đội mũ bảo hiểm là vi phạm pháp luật và khẳng định nhận thức được việc tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm, đồng thời cam kết không tái phạm.
Tại chốt CSGT, một em học sinh học tại quận Hoàn Kiếm (xin được giấu tên) thẳng thắn cho hay: "Em quên đội mũ bảo hiểm, với cả em không biết là ở đây có CSGT làm việc". Đáp lại, phóng viên hỏi: "CSGT làm việc thì mình mới đội mũ bảo hiểm khi lái xe đúng không?", em học sinh này giật mình và chột dạ không nói thêm.
Không chỉ là những câu trả lời phản ánh sự ngây thơ của các em học sinh, nhiều phụ huynh đưa đón con đi học nhưng không đội mũ bảo hiểm cũng cùng chung lý do vi phạm là… quên.
Khi được CSGT hỏi về lý do tại sao chở con đi học mà cả 2 mẹ con đều không đội mũ bảo hiểm, một nữ phụ huynh mặc đồ chống nắng kín mít cho hay, do đi làm về vội đưa đón các con đi học cho kịp giờ nên quên mang theo mũ bảo hiểm.
"Các con hôm trước vừa được học về ATGT nhưng hôm nay vì vội quá nên tôi quên không mang mũ bảo hiểm", nữ phụ huynh này nói.
Người lớn phải làm gương
Tại chốt kiểm soát vi phạm vào chiều 18/10/2022, Đại úy Ngô Xuân Giang (Đội CSGT số 1 Công an TP.Hà Nội) cho hay, ngay từ đầu năm học mới, Ban Chỉ huy Đội CSGT số 1 đã cử các tổ công tác phối hợp các trường học trên địa bàn quản lý để tổ chức tuyên truyền, giáo dục về ATGT cho các em học sinh và phụ huynh học sinh.
Tuy nhiên, thực tế trên đường phố hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp học sinh vi phạm, chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm và điều khiển phương tiện không đúng quy định (xe mô tô có động cơ trên 50cc); chưa đủ 16 tuổi để được điều khiển xe dưới 50cc.
"Phụ huynh thì cứ sắm cho con em mình phương tiện không đúng quy định, hoặc không có thời gian đưa, đón con nên cứ giao xe cho các em tự điều khiển đi lại", Đại úy Giang nói và cho biết thêm, thực trạng hiện nay vẫn còn một số vị phụ huynh chở con em mình nhưng vi phạm, điển hình nhất là chủ quan nhà gần nên không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ,…
"Khi phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng vẫn sẽ tiến hành xử lý, đặc biệt là gửi thông báo vi phạm đến trường học của các học sinh vi phạm Luật Giao thông", Đại úy Giang khẳng định.
Vấn đề học sinh vi phạm giao thông đã diễn ra phổ biến từ nhiều năm nay. Dù các cơ quan chức năng đã có không ít những nỗ lực và sự quyết liệt tạo chuyển biến, song học sinh vi phạm Luật Giao thông vẫn là điều không khó để nhìn thấy ở TP.Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Giao thông vận tải, một cán bộ CSGT thẳng thắn chia sẻ, việc xử lý học sinh vi phạm Luật Giao thông lâu nay hết sức khó khăn. Hầu hết các em học sinh chưa đủ kiến thức, đặc biệt là nhận thức về ATGT, Luật Giao thông.
Mặt khác, các em học sinh đa phần đều có thói quen không mang những giấy tờ liên quan nên việc xử lý 1 trường hợp vi phạm phải chờ đợi phụ huynh các em đến, mất rất nhiều thời gian, công sức và sự kiên nhẫn của lực lượng chức năng. Học sinh tham gia giao thông đông nhất thường vào các khung giờ cao điểm vốn có áp lực giao thông rất lớn nên việc xử lý vi phạm càng thêm nhiều phần khó khăn.
Mặt khác, các bậc phụ huynh chở con em trên xe nhưng không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ cũng như các vi phạm pháp luật khác được coi là những điều khó thể chấp nhận.
Các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đều khẳng định, việc vi phạm pháp luật ngay trước mặt trẻ em sẽ biến các bậc phụ huynh trở thành những tấm gương xấu cho con em soi vào và dần dần hình thành nhận thức lệch chuẩn khi các em nhận thấy, vi phạm là điều bình thường, bởi bố, mẹ, ông, bà, anh, chị mình vẫn làm thế.
Cần phải nói lại rằng, tai nạn giao thông không phân biệt tuổi tác, không phân biệt đường đô thị hay xa lộ.
Mỗi ngày, vẫn có khoảng 20 người lái xe ra đường và thiệt mạng cùng khoảng 60 người bị thương tật do tai nạn giao thông. Khoảng 80 người thương vong vì tai nạn giao thông mỗi ngày có thể ở mọi nơi, mọi hoàn cảnh và là có thể bất kỳ ai. Trong đó, học sinh vốn là đối tượng có nguy cơ bị tai nạn giao thông đe dọa nghiêm trọng, bởi các em chưa phát triển hoàn thiện cả về thể chất, nhận thức, tâm sinh lý. Đáng buồn là việc vi phạm của học sinh có một phần xuất phát từ việc phụ huynh coi nhẹ giáo dục cho con em mình biện pháp bảo vệ bản thân khi tham gia giao thông.
Khi giao phương tiện cho con em mình, những người làm cha, làm mẹ cần phải là tấm gương tốt, phải đề cao sự giáo dục kỹ năng lái xe an toàn, đúng pháp luật cho con em mình. Đồng thời, cần đảm bảo sự giám sát, kiểm soát hành vi lái xe của các em, cũng như tuyệt đối không giao những loại xe không đúng quy định cho con trẻ điều khiển.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.