Thành phố Bangalore hiện đang có 8 triệu phương tiện lưu thông hằng ngày, cơ sở hạ tầng của thành phố hiện chưa bắt kịp được tốc độ phát triển. Nguồn: PropStory. |
“Việc phải sống như vậy có thể gây ra nhiều lo lắng và căng thẳng kéo dài”, Mathur cho biết. “Mặc dù có những cơ hội thú vị về các công ty và việc làm tại đây, nhưng đây không phải là nơi tôi có thể ổn định cuộc sống và tôi nghĩ nhiều người có cùng chung quan điểm này như mình”.
Thành phố Gurgaon, cách thủ đô New Delhi khoảng 40km, nổi lên là một trong những trung tâm công nghệ mới nhất của đất nước, được lựa chọn là nơi đặt trụ sở cho các “gã khổng lồ công nghệ” như Google và Microsoft cũng như một số các doanh nghiệp startup lớn nhất của Ấn Độ như công ty cung cấp thực phẩm Zomato và chuỗi khách sạn lớn nhất cả nước OYO.
Mathur, người từng làm việc cho Zomato, chỉ sống tại Gurgaon 9 tháng trước khi chuyển đi cùng vị hôn thê Harshvardhan Singh đến thành phố phía Nam Bangalore.
“Nếu bạn muốn làm việc trong lĩnh vực công nghệ thì Bangalore luôn là lựa chọn số một”, Singh, người đã rời OYO để chuyển sang Flipkart, nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu của Ấn Độ được Walmart mua lại vào năm ngoái. Thường được mô tả là “Thung lũng Silicon” của Ấn Độ, Banggalore cũng là nơi đặt trụ sở của Amazon, đối thủ chính của Flipkart, đây cũng là “quê nhà” của công ty cho thuê xe Ola và một số công ty gia công hàng đầu như Infosys và Wipro.
Dân số tại Gurgaon và Bangalore đã bùng nổ trong hai thập kỷ qua sau khi lần lượt nổi lên như những trung tâm công nghệ hàng đầu của cả nước, thu hút hàng triệu người như Mathur và Singh tới sinh sống bằng các công việc hấp dẫn với thu nhập cao.
Hai thành phố này đã phải đổi mặt với một trong những vấn đề nan giải chính mà Ấn Độ đang gặp phải: Sự tăng trưởng nhanh chóng để thúc đẩy nền kinh tế trị giá 3 nghìn tỷ USD và duy trì sinh kế của 1,3 tỷ dân gây ra tình trạng khẩn cấp về môi trường.
Nhu cầu năng lượng của Ấn Độ đang tăng lên khi nước này chủ trương coi sản xuất và công nghệ là các mũi nhọn kinh tế giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo. Điều này đồng nghĩa là sẽ có nhiều nhà máy hơn, nhiều văn phòng hơn, nhiều nhà ở và xe cộ hơn.
Ấn Độ đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng kể từ khi ký Thỏa thuận khí hậu Paris, tạo ra 40% năng lượng từ các nguồn tái tạo như gió và mặt trời vào năm 2030. Đã có tiến bộ đáng kể như năng lượng tái tạo hiện chiếm gần 23%, nhưng Ấn Độ vẫn là một trong những nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và hơn một nửa lượng điện vẫn đến từ việc đốt than.
Khi Sanjay Gupta và gia đình lần đầu tiên chuyển đến Gurgaon vào năm 1999, hầu như không có gì xung quanh. “Khi đó nơi này vốn thưa thớt và hoang vắng, chúng tôi phải thường xuyên tới Dehli để mua sắm nhu yếu phẩm”, ông Gupta hồi tưởng.
Gupta, người làm việc cho American Express, đã sớm chuyển ra nước ngoài để kiếm tiền ở New York và Singapore, trước khi trở lại Gurgaon với tư cách là CEO của công ty khởi nghiệp giáo dục AI EnglishHelper. “Thành phố này hiện như một khu chiến sự với các công trường xây dựng ngổn ngang”.
Ngày nay, khoảng không của Gurgaon dày đặc các tòa cao ốc chọc trời và logo của công ty. Đây là một trong những thành phố phát triển nhanh nhất của Ấn Độ nhưng lại có chất lượng không khí độc hại nhất thế giới, căn cứ vào các số liệu do tổ chức Greenpeace hay ứng dụng AirVisual cung cấp.
Vào những tháng cuối năm 2019, Gurgaon và New Delhi đã bị một lớp sương mù dày đặc bao trùm, buộc các nhà chức trách tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng”, hàng chục chuyến bay đã bị hủy và các trường học bị đóng cửa.
Ô nhiễm không khí bắt nguồn từ quá tải giao thông và xây dựng là một phần nguyên nhân, nhưng việc đốt rơm rạ của người nông dân cùng với việc tổ chức lễ hội pháo hoa Diwali đã khiến cuộc khủng hoảng không khí tại Ấn Độ thêm trầm trọng.
Latika Thukral - cựu giám đốc của Citibank, đã bỏ việc vào năm 2004 và đồng sáng lập “I Am Gurgaon”, một nhóm công dân hoạt động trong lĩnh vực phủ xanh, làm sạch nguồn nước và tạo ra nhiều không gian mở hơn cho thành phố.
“Gurgaon đã có cơ hội biến nơi này thành một thành phố đẳng cấp thế giới và hiện chúng tôi đã không thể đạt được mục tiêu đó. Tôi nghĩ một cuộc di cư đang sắp xảy ra, không khí thì ô nhiễm, nước thì đang dần cạn kiệt. Mọi người đang nghĩ tới việc chuyển đi nơi khác”, Thukral nói. Tình hình tại Bangalore cũng tồi tệ không kém Gurgaon, nếu Gurgaon có không khí độc hại, thì thành phố phía nam có tình trạng tắc nghẽn giao thông, khi số lượng phương tiện trong thành phố đã tăng từ khoảng 1,4 triệu vào năm 2000 lên hơn 8 triệu trong năm nay.
Nếu như ở Gurgaon, Singh chỉ mất khoảng 15 phút để đi làm trên quãng đường hơn 6 km thì ở Bangalore, hành trình hơn 8 km lại tốn của anh mất gần một giờ, có những lúc tình trạng tắc nghẽn kéo dài hơn 2 giờ. “Thành phố như được xây dựng cho 10 người trong khi có tới 10.000 người sinh sống”, Singh nói.
“Tại Flipkart, không có gì lạ khi mọi người gửi email cho đồng nghiệp vào buổi sáng nói rằng họ phải làm việc ở nhà vì kẹt xe hoặc không gọi được taxi để đi làm. Yếu tố đáng lo ngại nhất dường như là dường như không có giải pháp ngay lập tức. Thành phố có vẻ như được xây dựng cho 10 người và chúng tôi đã đưa vào 10.000”, Singh nói.
“Thách thức lớn nhất mà Bangalore đang phải đối mặt bây giờ là tăng trưởng mất kiểm soát”, ủy viên thành phố B.H. Anilkumar nhận định. Chính quyền thành phố đang suy nghĩ về việc thiết lập các làn đường dành riêng cho xe buýt hay đánh thuế đối với các phương tiện tham gia giao thông để giảm bớt mật độ lưu thông.
Độ cao và khí hậu ôn hòa của Bangalore giúp thành phố này không bị khói bụi bao phủ như Gurgaon và Delhi. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho biết giao thông vận tải là nguồn phát thải độc hại lớn nhất trong thành phố - đóng góp khoảng 40%.
Giải pháp từ doanh nghiệp
Đứng trước các thực trạng đáng lo ngại về ô nhiễm không khí tại Bangalore và Gurgaon, các công ty đã bắt tay vào khắc phục vấn nạn cùng với chính quyền và người dân.
OYO – doanh nghiệp điều hành chuỗi 20.000 khách sạn trên 80 quốc gia, đang trong quá trình chuyển đến một trụ sở lớn hơn ở Gurgaon. Công ty này đã cố gắng tìm địa điểm thuận lợi để tiếp cận giao thông công cộng, cải tạo ra không gian làm việc để giảm nhu cầu sử dụng điều hòa không khí và chiếu sáng, cũng như cắt giảm sử dụng giấy và nhựa.
Trong khi đó tại thành phố phía nam Bangalore, hai công ty Flipkart và Amazon đang trong một cuộc chạy đua để giảm tác động của họ đối với môi trường, bên cạnh cuộc tranh đua trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến. Flipkart tuyên bố vào cuối tháng 8/2019 rằng họ sẽ loại bỏ túi nilon sử dụng một lần khỏi chuỗi cung ứng vào tháng 3 năm 2021. Còn Amazon cho biết một tuần sau rằng họ sẽ áp dụng phương thức tương tự vào tháng 6 năm 2020. Các công ty này cũng đang thử nghiệm các sản phẩm thay thế làm từ giấy, bìa cứng và các nguyên vật liệu có thể tái chế.
Cả hai công ty cho biết họ đang cố gắng giảm số lượng bao bì mỗi lần giao hàng và lượng khí thải carbon của phương tiện. “Nếu so sánh năm ngoái so với năm nay, chúng tôi đã tăng gấp đôi số lượng khách hàng đã nhận được nhiều hơn một mặt hàng trong một hộp”, Akhil Saxena - Phó Chủ tịch điều hành của Amazon Ấn Độ nói.
Amazon đã lắp đặt công nghệ hấp thụ năng lượng mặt trời và nước mưa tại một số kho của mình, cũng như đèn cảm biến chuyển động để tiết kiệm điện. Flipkart cho biết họ có hơn 20 nhà kho với chứng nhận ISO 14001, một tiêu chuẩn toàn cầu đánh giá các công ty về mức độ họ quản lý mức tiêu thụ năng lượng, sử dụng nước và quản lý chất thải. Là một phần của cam kết tháng 9, Amazon cho biết họ sẽ có 100.000 phương tiện giao hàng chạy bằng điện đang hoạt động trên toàn thế giới vào năm 2023. Flipkart thuộc sở hữu của Walmart đã bắt đầu sử dụng phương tiện giao hàng điện và cho biết 40% đội ngũ giao hàng của họ sẽ sử dụng phương tiện điện vào tháng 3 năm sau.
Trong khi một số tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ và tài chính cam kết giải quyết khủng hoảng môi trường của Ấn Độ, thì vẫn còn nhiều vấn đề cần xử lý. Khi nói đến việc chống ô nhiễm không khí, tắc đường của Ấn Độ, việc thiếu cơ sở hạ tầng đặt ra thách thức không nhỏ.
Akhil Saxena của Amazon nói rằng việc mua các sản phẩm thay thế nhựa như gỗ và giấy ở Ấn Độ với số lượng đủ lớn khó hơn so với tại các quốc gia phát triển, ngoài ra hầu hết hàng hóa được giao bằng xe máy thay vì xe tải có nghĩa là túi nilon vẫn là vật dụng thiết yếu.
Nói một cách đơn giản, thật khó để các công ty ở Ấn Độ bắt kịp tốc độ tăng trưởng và giảm đáng kể lượng khí thải carbon của họ cùng một lúc. Mathur, hiện đang làm việc tại công ty khởi nghiệp thương mại điện tử Ấn Độ Meesho, nói rằng cô thích Bangalore hơn Gurgaon. Nhưng nỗi lo về chất lượng không khí, tình trạng kẹt xe hay mất nước vẫn khiến cô không yên tâm định cư.
“Đối với nhiều người sống ở Bangalore, những thực trạng kể trên sẽ ngày càng phổ biến và trở thành một phần trong cuộc sống của chúng tôi trong vài năm tới”, Mathur cho biết.
Khi nước cạn, rác thải chất đống và không khí ngày càng độc hại, mọi người phải làm những gì họ có thể để tồn tại trong thành phố chật chội.
“Bạn có thể tuyệt vọng rằng những nỗ lực cải tạo sẽ không bao giờ là đủ nhưng bạn phải thực hiện từng bước nhỏ đó và tin rằng điều đó có thể tạo ra sự khác biệt”, Aditya Ghosh, thành viên hội đồng quản trị của OYO, nhận định.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.