Xe buýt không đơn giản phục vụ nhu cầu đi học hay đi làm của các đối tượng như học sinh, sinh viên nữa mà còn đáp ứng những nhu cầu đi lại trong nội thành của một bộ phận người dân |
Theo một số tài liệu, loại hình dịch vụ vận tải xe buýt đã xuất hiện ở nước ta, cụ thể là ở thủ đô Hà Nội từ những thập niên đầu của thế kỷ 20 và phát triển mạnh những năm 1980. Khi đó, xe buýt đã đáp ứng được 20 -25% nhu cầu đi lại của người dân thủ đô. Tuy vậy, vào thời kỳ 1990-2000, phương tiện xe máy cá nhân bùng nổ đã làm cho loại hình xe buýt chậm phát triển. Từ năm 2001, thủ đô Hà Nội bắt đầu hồi sinh loại hình dịch vụ xe buýt và ngay lập tức, phương tiện mới này đã nhận được sự hưởng ứng của mọi người.
Theo thời gian, xe buýt không đơn giản phục vụ nhu cầu đi học hay đi làm của các đối tượng như học sinh, sinh viên nữa mà còn đáp ứng những nhu cầu đi lại trong nội thành của một bộ phận người dân. Chỉ với số tiền tương đương một ổ bánh mì, hành khách có thể thoải mái đi bất cứ đâu ở Hà Nội, dừng bất cứ điểm nào mình muốn mà không phải lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi vì điều khiển phương tiện giao thông cá nhân. Hơn thế nữa, việc được thoải mái ngắm nhìn đường phố hai bên đường cũng mang lại những trải nghiệm thú vị cho mỗi hành khách.
Đến khoảng năm 2005, dịch vụ xe buýt tại Hà Nội lại bắt đầu chững lại, do phương tiện xe cá nhân tiếp tục gia tăng và giới hạn cơ sở hạ tầng khu vực nội thành bão hòa. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà nước và lãnh đạo thành phố Hà Nội vẫn đang quyết tâm giữ mục tiêu đưa xe buýt trở thành phương tiện công cộng chủ lực trong nhiều năm tới, quyết tâm phấn đấu đến năm 2020 đáp ứng 25% nhu cầu đi lại của người dân.
Cụ thể như: Nhà nước đã và đang nghiên cứu các chính sách ưu tiên phát triển hệ thống vận tải xe buýt, bằng cách đảm bảo nguồn trợ giá thường xuyên, ổn định; miễn các loại thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, miễn phí bến bãi, phí qua cầu (nếu có). Riêng tại thủ đô Hà Nội, lãnh đạo Sở GTVT đã đề xuất, thử nghiệm và tiến hành nhiều biện pháp nhằm phát triển văn hóa đi xe buýt trong người dân, điển hình như: đơn giản hóa và đồng hạng giá vé xe buýt, phát hành rộng rãi vé tháng, vé bán trước, vé điện tử, vé liên thông trên các tuyến cho mọi đối tượng đi xe buýt.
Những nỗ lực này được thực hiện nhằm mục tiêu làm sao để hệ thống xe buýt thân thiện và phục vụ tối đa cho lợi ích của người tham gia giao thông. Dù còn nhiều việc cần phải làm nhưng không thể phủ nhận rằng, trong suốt quá trình phát triển đó, xe buýt đã vận chuyển hàng triệu lượt hành khách, góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Đặc biệt, đồng hành cùng với hàng trăm chiếc xe đang lưu thông trên đường phố, hàng ngàn lượt xe chạy khắp các nẻo đường là hàng trăm, hàng ngàn lượt hành khách với những câu chuyện không ai giống ai về xe buýt. Nói cách khác, mỗi hành khách đều có những cảm nhận, đánh giá khác nhau, cũng như có những trải nghiệm đáng nhớ vui có, buồn cũng có đối với loại hình phương tiện này.
Hệ thống Xe điện Hà Nội xưa do người Pháp xây dựng từ năm 1899 đến năm 1943 mới hoàn chỉnh, với tổng chiều dài là 32 km với 5 tuyến đường |
Chúng ta cùng đến với những chia sẻ của những bạn trẻ - những người thường xuyên sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại để tìm hiểu về những kỷ niệm đáng nhớ của họ.
Ngoài ra, không ít bạn khác cũng chia sẻ với chúng tôi cảm nhận về dịch vụ vận tải xe buýt. Chúng ta cùng đến với bạn Nguyễn Thị Thu Hiền ở Cầu Giấy, Hà Nội ngay sau đây về cái nhìn khách quan, cả tích cực lẫn tiêu cực đối với loại hình phương tiện công cộng này.
PV: Bạn có thường xuyên sử dụng xe buýt không? Theo bạn xe buýt có những ưu điểm gì?
Bạn Nguyễn Thị Thu Hiền: Hiện tại tôi không di chuyển bằng xe buýt 2 năm rồi nhưng trong giai đoạn đi học cao đẳng thì tôi đã có 3 năm sử dụng xe buýt. Nhìn chung nó là phương tiện công cộng hữu ích vì nó là phương tiện giá rẻ mà học sinh hay người già đều có thể lựa chọn.
PV: Vậy còn những bất tiện khi sử dụng phương tiện xe buýt thì sao?
Bạn Nguyễn Thị Thu Hiền: Xe buýt có rất nhiều người tham gia mà nhiều người tham gia thì sẽ có nhiều vấn đề. Theo tôi thấy, đa số đều là người có tuổi hoặc các bạn học sinh, sinh viên. Các bạn học sinh sinh viên thì ở các tỉnh thành về đây học nhiều, mỗi nơi lại có một lối sống khác nhau nên tôi cũng gặp một số trường hợp rất buồn cười, tréo ngoe mà cũng khá cảm động trên xe buýt. Đơn cử như có trường hợp các cụ già lên xe buýt mà không có chỗ ngồi thì nói chung các bạn học sinh, sinh viên đều đứng dậy nhường chỗ. Còn về tệ nạn ở trên xe buýt cũng rất nhiều, mà nổi tiếng nhất chắc là bị móc túi trên xe buýt. Có một lần tôi cũng bị móc túi khi di chuyển bằng xe số 26 di chuyển từ Cầu Giấy ra Bộ Công an…
PV: Bạn có thể kể rõ hơn về một người mà bạn quen biết đã nhiều lần bị móc túi trên xe buýt không?
Bạn Nguyễn Thị Thu Hiền: Bạn ý cùng sống với tôi, nói chung hai đứa cũng khá thân lúc nào đi học cũng có nhau. Sau hai năm đầu thì không có vấn đề gì nhưng hai năm cuối thì bạn ý cũng bị móc túi 3-4 lần liền và lần nào cũng bị mất một chiếc điện thoại có giá trị. Những lần đó thì tôi cũng được chứng kiến, cũng biết là tên trộm đang móc túi nhưng không thể làm gì được. Có một lần thì đứng xa, một lần đứng gần nhau, có giữ tay tên trộm lại nhưng chúng đã có hành động rất thô bạo là đẩy ra và chạy xuống bến tiếp theo. Có một lần chúng lấy dao rạch túi và móc được điện thoại nhưng lần đó mình không hề hay biết.
Tệ nạn ở trên xe buýt cũng rất nhiều, mà nổi tiếng nhất chắc là bị móc túi trên xe buýt |
PV: Tình trạng này xảy ra ở nhiều tuyến xe khác nhau hay chỉ ở một tuyến nhất định?
Bạn Nguyễn Thị Thu Hiền: Tôi nghĩ là nó cũng xảy ra khá thường xuyên ở tuyến 32 từ Cầu Giấy về đến Nhổn, đấy là tuyến nổi tiếng về móc trộm rồi. Rất nhiều thông tin cho thấy đấy là tuyến hay bị mất trộm nên mọi người giữ gìn rất cẩn thận. Bình thường chúng tôi hay di chuyển bằng xe buýt tuyến 32 để đi học, 4 lần bị mất đấy thì hầu như đều trên tuyến 32 đó. Trong đó có 2 lần bị rạch túi và hai lần bị mất trộm. Tất cả những lần đấy thì đều không bắt được trộm, chỉ biết là chúng đội một cái mũ to che hết mặt và mặc một cái áo khoác gió rất dầy, hai tay cho trong túi áo và lên xe không nói chuyện giao lưu với ai, chỉ lẳng lặng móc túi sau đó xuống bến sau một cách nhanh nhất thôi.
PV: Qua những trường hợp các bạn gặp phải, các bạn có kiến nghị gì với cơ quan chức năng và các đơn vị vận tải để phương tiện xe buýt an toàn hơn không?
Bạn Nguyễn Thị Thu Hiền: Hiện tại trên xe buýt cũng có đường dây nóng để phản ánh sự việc nhưng trường hợp như bạn tôi bị móc điện thoại, nếu mượn điện thoại của người khác để gọi điện cho đường dây nóng cũng khá khó khăn. Tôi nghĩ là một tuyến xe có cả phụ xe và lái xe, nếu chúng tôi có hét lên thì hy vọng mọi người chú ý và giúp đỡ chúng tôi chứ không phải thờ ơ như thế.
PV: Vừa rồi chúng ta đã nhắc lại những chuyện khá tiêu cực, vậy còn những câu chuyện tích cực hơn, những kỷ niệm đẹp mà bạn có được trong 3 năm sử dụng xe buýt thì sao?
Bạn Nguyễn Thị Thu Hiền: Những nghĩa cử đẹp trên xe buýt thì tôi thấy khá là nhỏ. Ví dụ như các bạn nam đỡ các bạn nữ khi xe dừng đột ngột hay có những bạn bị say xe, không chịu đựng được thì mọi người đều cố gắng dành cho các bạn đó không gian tốt nhất để có thể thoải mái ngồi chứ không chèn ép nhau quá. Cũng có nhiều hành động tốt của mọi người trên xe buýt. Tôi nhớ có một bác đi bán hàng rong. Tuy vậy, hôm đó bác ý để quên vé tháng và phải đi bằng tiền mặt…lúc đó bác ý không có tiền lẻ để trả nên nhà xe tỏ thái độ không tốt với bác ý và bắt bác ý xuống xe ngay bến sau. Lúc đó bác ý khá là mệt mỏi rồi nên xin nhà xe cho xuống hai bến sau để bác ý đi bộ. Lúc đó có một bạn nam có trả tiền cho bác ý để bác ý đi tiếp…mình thấy đấy là một nghĩa cử đẹp đối với những người lớn tuổi…
Xe buýt là phương tiện công cộng hữu ích vì nó là phương tiện giá rẻ mà học sinh hay người già đều có thể lựa chọn |
PV: Bản thân bạn đã thấy xúc động trước hành động nào đẹp xảy ra với mình trong xe buýt chưa?
Bạn Nguyễn Thị Thu Hiền: Tất nhiên là có vì tôi đã đi xe buýt tương đối lâu…lần đó mình thấy rất mệt mỏi vì đó là lần đầu tiên mình đi xe buýt và không hề biết đường. Mình đi nhầm tuyến xe buýt mà không biết phải hỏi ai vì mình đi một mình lên đây mà không có bố mẹ đi cùng. Có một bạn nữ đã đưa mình đi đến tận trường cũng như về nhà và chỉ rõ cho mình tuyến xe buýt này đi về đâu…Mình cảm thấy đấy là một nghĩa cử rất đẹp với những học sinh mới đi lên Hà Nội mà chưa biết đường như mình, mình thấy rất là cảm động!
PV: Cảm ơn những chia sẻ thú vị của bạn dành cho chương trình.
Qua đoạn chia sẻ trên, hẳn chúng ta cũng nhận thấy rằng, cho dù còn một số vấn đề tiêu cực gây ảnh hưởng đến hình ảnh của phương tiện xe buýt nhưng nhìn chung, với những tiện ích mà phương tiện này mang lại, xe buýt vẫn được nhiều hành khách lựa chọn. Tuy vậy, để có thể phục vụ hành khách ngày một hiệu quả và để lại ấn tượng đẹp, trước hết các công ty vận tải hành khách phải tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ như chạy đúng giờ, đón đúng bến và quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho hành khách, hạn chế những hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra.
Mặt khác, thái độ phục vụ của nhân viên lái xe, phụ xe cũng là vấn đề cần hết sức lưu tâm. Nhà nước cũng như chính quyền các thành phố có thể tham khảo ý kiến các chuyên gia giao thông đô thị nhằm cải tạo cơ sở hạ tầng, hợp lý hóa mạng lưới buýt nội đô cũng như buýt kế cận cũng như nên có thêm cơ chế thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao năng lực điều hành để hướng tới chất lượng dịch vụ tốt nhất cho hành khách.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.