Điểm chung là tất cả các mẫu xe nêu trên đều có doanh số rất thấp, bất chấp không khí sôi động tại phân khúc đang cạnh tranh hoặc từng được đặt nhiều kỳ vọng. Đây có lẽ là lý do chính khiến các nhà sản xuất và nhập khẩu quyết định "khai tử" để thay thế sản phẩm, hoặc chờ đợi sự thay đổi phù hợp.
Kể từ đầu tháng 5/2024, Thaco Mazda đã rút tên mẫu xe bán tải BT-50 khỏi bảng giá niêm yết trên trang chủ. Mazda Việt Nam cho biết cũng đã ngừng nhập khẩu BT-50 này kể từ đầu năm nay để hệ thống đại lý bán nốt số lượng xe còn tồn lại từ năm trước.
Mazda BT-50 cạnh tranh ở một trong những phân khúc sôi động nhất tại thị trường ô tô Việt Nam. Tuy nhiên, "miếng bánh" phân khúc lại không dành cho tất cả, cho dù bản thân BT-50 cũng từng có thời kỳ lọt vào Top 10 ô tô bán chạy.
Trước khi Mazda BT-50 bị rút khỏi thị trường, phân khúc bán tải có sự cạnh tranh của 6 mẫu xe, bên cạnh Ford Ranger, Mitsubishi Triton, Nissan Navara, Toyota Hilux và Isuzu D-Max.
Sức cạnh tranh quá mạnh mẽ của Ford Ranger khiến cho hầu hết các mẫu xe còn lại bị rơi vào trạng thái "bán cho có".
Số liệu thống kê Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, tổng dung lượng phân khúc bản tải luỹ kế 6 tháng đầu năm nay đạt 7.495 chiếc thì riêng Ford Ranger đã chiếm đến 84% thị phần, đạt 6.301 chiếc. Mẫu xe đứng thứ 2 là Mitsubishi Triton cũng chỉ đạt 742 chiếc, tiếp đến là Toyota Hilux đạt 308 chiếc, Isuzu D-Max đạt 139 chiếc và Mazda BT-50 đạt… 5 chiếc. Riêng mẫu xe Nissan Navara không công bố sản lượng bán hàng.
Giống như các "anh em" Mazda khác, BT-50 cũng sở hữu phong cách thiết kế trẻ trung và được trang bị nhiều tính năng, công nghệ. Tuy nhiên, mẫu xe Nhật Bản lại không "hợp gu" người tiêu dùng Việt Nam khiến cho doanh số luôn rơi vào tình trạng èo uột. Đây cũng là tình cảnh chung của các mẫu xe bán tải khác cùng có xuất xứ từ Nhật Bản như Toyota Hilux, Mitsubishi Triton, Nissan Navara và Isuzu D-Max.
Theo đánh giá của nhiều người tiêu dùng, Suzuki Ciaz là một mẫu xe dễ sử dụng, thiết kế vừa phải, khả năng tiết kiệm nhiên liệu tốt, vận hành khá bên bỉ và không gian nội thất cũng rộng rãi. Tuy nhiên, phân khúc sedan cỡ B lại đang đi vào thoái trào trong khi hầu hết thị phần đã được bộ 3 Hyundai Accent, Honda City và Toyota Vios nắm giữ.
Để cạnh tranh với các đối thủ, Suzuki Ciaz cần có sự bứt phá và khác biệt. Dù vậy, mẫu xe Nhật Bản lại bất lợi khi có ít phiên bản để khách hàng lựa chọn, hệ thống dịch vụ liên tiếp gặp "vấn đề" trong khi khâu marketing và truyền thông không nhắm đúng đối tượng khách hàng tiềm năng.
Thống kê cho thấy, năm 2019 là giai đoạn bùng nổ nhất của Suzuki Ciaz song cũng chỉ đạt tổng sản lượng bán hàng luỹ kế 1.117 chiếc, tương đương với doanh số bình quân 1 tháng của đối thủ Hyundai Accent và Toyota Vios. Kể từ nửa cuối năm 2023 đến nay, Suzuki Ciaz thường xuyên rơi vào nhóm 10 mẫu xe ế ẩm nhất thị trường. Do vậy, việc Suzuki Ciaz bị khai tử cũng xem như là một cái kết khó tránh khỏi.
Mẫu MPV đô thị Ertiga là một thất bại của Suzuki. Từng được kỳ vọng sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với đối thủ đồng hương Mitsubishi Xpander nhưng Suzuki Ertiga lại liên tiếp lao dốc về doanh số.
Suzuki Ertiga có mức giá bán lẻ thấp trong phân khúc. Tuy nhiên, thiết kế nghèo nàn, khả năng vận hành yếu rõ ràng là một bất lợi. Mặc dù hãng xe Nhật Bản bổ sung thêm phiên bản mild-hybrid kèm theo kỳ vọng gia tăng sức cạnh tranh song chính phiên bản "xanh" này lại góp phần kéo Ertiga lùi lại phía sau các đối thủ.
Trong khi bản thân mẫu xe không nhận được sự hưởng ứng từ người tiêu dùng, nhất là nhóm kinh doanh vận tải taxi công nghệ, thì cũng tương tự Ciaz, chính sách bán hàng và marketing của Suzuki khiến cho Ertiga hầu như không được nhận diện trên thị trường.
Có ý kiến cho rằng, thất bại của Ertiga một phần do bị XL7 "dẫm chân" song trên thực tế, ngay cả mẫu xe "song sinh" này cũng đang rơi vào tình trạng ế ẩm. Có lẽ đã đến lúc Suzuki cần cải tổ lại để có những chiến lược phù hợp hơn với thị trường ô tô Việt Nam.
Mẫu hatchback cỡ B chưa bao giờ được liên doanh Nhật Bản đặt lên vai nhiệm vụ về doanh số, bởi công việc đó đã được mẫu xe "song sinh" Vios lắp ráp trong nước đảm trách. Sự xuất hiện của Yaris trong danh mục sản phẩm của Toyota Việt Nam chủ yếu để làm thương hiệu và theo đó, ngay bản thân liên doanh Nhật Bản cũng không để tâm quá nhiều vào doanh số của Yaris.
Bởi vậy, việc Toyota Yaris âm thầm khai tử cũng là một bất ngờ. Trên thực tế, trước khi Yaris rút khỏi thị trường, Toyota Việt Nam có đến 3 mẫu xe trong phân khúc cỡ B, bên cạnh Vios và Yaris Cross.
Ở phân khúc cỡ B, các mẫu xe hatchback cũng không còn được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng.
Dữ liệu thống kê của VAMA cho biết, tổng sản lượng bán hàng của Toyota Yaris năm 2020 đạt 1.569 chiếc. Sang năm 2021, mẫu xe này chỉ còn đạt 1.118 chiếc bàn giao đến tay khách hàng, năm 2022 giảm xuống còn 628 chiếc và năm 2023 rơi xuống 134 chiếc.
Luỹ kế 5 tháng đầu năm nay, trước thời điểm Toyota Yaris bị khai tử, doanh số của mẫu hatchback cỡ B chỉ còn vẻn vẹn 8 chiếc do liên doanh Nhật Bản đã ngừng nhập khẩu kể từ đầu năm.
Đại diện liên doanh Nhật Bản cho biết việc khai tử Yaris chỉ là tạm thời và vẫn đang bỏ ngỏ kế hoạch đưa mẫu hatchback cỡ B trở lại thị trường ô tô Việt Nam.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.