Những quy định mới cần biết về xử phạt vi phạm giao thông đường thủy, phương tiện thủy

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 31/10/2022 16:03

Theo Cục Đường thủy nội địa VN, Nghị định số 139/2021 của Chính phủ bổ sung một số hành vi được xác định là vi phạm giao thông đường thủy.

Những quy định mới về xử phạt vi phạm giao thông đường thủy, phương tiện thủy cần biết - Ảnh 1.

Nghị định số 139/2021, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022, quy định mức xử phạt tiền cao hơn so với trước, đồng thời bổ sung một số hành vi vi phạm giao thông đường thủy, trong đó có hành vi điều khiển phương tiện thủy không tuân theo chỉ dẫn báo hiệu gây ra tai nạn hoặc ùn tắc giao thông

Nâng mức xử phạt tiền nhiều hành vi

Lãnh đạo Phòng Pháp chế - Thanh tra, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, Nghị định số 139/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022.

Từ khi nghị định có hiệu lực đến nay, Cục Đường thủy nội địa VN thường xuyên tổ chức và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nghị định đến các chủ thể liên quan, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước nhằm nâng cao ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân trên cả nước trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

So với nghị định trước đây, Nghị định số 139/2021 có nhiều điểm mới, các chủ thể liên quan, nhất là người điều khiển phương tiện, hoạt động cảng, bến... cần nắm bắt để áp dụng đúng quy định tại nghị định.

Theo đó, về đối tượng áp dụng, bên cạnh việc kế thừa quy định tại nghị định trước đây (Nghị định số 132/2015), Nghị định số 139/2021 còn cụ thể hóa các đối tượng vi phạm là "tổ chức vi phạm hành chính" như: doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh vi phạm. Trường hợp hộ kinh doanh, hộ gia đình vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.

Về mức xử phạt, Nghị định số 139/2021 có sự điều chỉnh theo hướng tăng mức phạt  tiền đối với một số hành vi vi phạm nhằm đảm bảo tính răn đe, phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội và phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính có liên quan.

Đó là: tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa (Điều 6); vi phạm quy định về bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa (Điều 11); vi phạm quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện (Điều 15)...

Đặc biệt, bên cạnh các hành vi vi phạm có ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tính mạng con người như các hành vi trang bị không đủ thiết bị, dụng cụ an toàn, dụng cụ cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy..., Nghị định số 139/2021 còn quy định mức xử phạt sẽ được tính trên mỗi thiết bị, dụng cụ, mỗi áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân để đảm bảo tính răn đe.

Viện dẫn một số quy định cụ thể: Hành vi vi phạm quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện, đăng ký, đăng kiểm phương tiện bị phạt thấp nhất là 1.000.000 và cao nhất tới 20.000.000 đồng (Điều 15).

Hành vi không trang bị hoặc trang bị không đủ áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân theo quy định bị phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, mức phạt tính trên mỗi áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân (khoản 1 Điều 16).

Hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (khoản 3 Điều 34)

Hành vi đưa cảng, bến thủy nội địa vào hoạt động mà không được công bố, cấp giấy phép hoạt động bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức cho phương tiện vào neo đậu, xếp, dỡ hàng hóa, đón, trả hành khách tại các vị trí chưa được công bố, cấp phép hoạt động cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu theo quy định (khoản 3 Điều 30).

Những quy định mới về xử phạt vi phạm giao thông đường thủy, phương tiện thủy cần biết - Ảnh 2.

Đội Thanh tra - an toàn (trực thuộc Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I), Thanh tra Sở GTVT Bắc Ninh, Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Ninh, Chi nhánh Đăng kiểm Hà Bắc (trực thuộc Chi cục Đăng kiểm số 1) phối hợp liên ngành tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm giao đường thủy quốc gia sông Đuống thuộc địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Bổ sung một số hành vi vi phạm

Cũng theo Phòng Pháp chế - Thanh tra, Cục Đường thủy nội địa VN, so với trước đây, Nghị định số 139/2021 bổ sung một số hành vi được xác định là vi phạm giao thông đường thủy, với mức phạt tương ứng.

Thứ nhất, các hành vi vi phạm về xây dựng kè, đập thủy lợi, cầu, bến phà, phong điện, nhiệt điện, thủy điện, công trình vượt qua luồng trên không, dưới đáy luồng, các hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản, nạo vét vùng nước đường thủy nội địa khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao tại Mục I (Điều 5, Điều 7, Điều 12, Điều 13 và Điều 14).

Nghị định cũng bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông và chống va trôi trên đường thủy nội địa tại Điều 9 với mức phạt từ 3.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng.

Thứ hai, nghị định bổ sung một số hành vi như "điều khiển phương tiện không tuân theo chỉ dẫn của báo hiệu đường thủy nội địa hoặc chỉ dẫn của người điều tiết giao thông mà gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông hoặc làm hư hại đến các công trình trên đường thủy nội địa" vào Mục IV (Điều 25).

Hành vi vi phạm này bị phạt tiền ở mức cao nhất do thực tiễn gần đây xuất hiện nhiều trường hợp phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa không tuân thủ đúng quy định chỉ dẫn, báo hiệu, gây đâm va, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng mà chưa có quy định xử phạt vi phạm nhằm răn đe, phòng ngừa (như vụ đâm sập cầu Ghềnh, cầu An Thái…).

Thứ ba, Nghị định bổ sung một số hành vi vi phạm quy định về đầu tư, khai thác khu neo đậu tại Mục V (Điều 27).  Đồng thời, quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp khai thác cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu hết thời hạn hoạt động (khoản 5 Điều 27, khoản 6 Điều 28, khoản 6 Điều 29) hoặc tổ chức cho phương tiện vào neo đậu bốc xếp hàng hóa, đón, trả hành khách tại các khu vực chưa được công bố, cấp phép hoạt động (khoản 3 Điều 30) nhằm giảm thiểu tình trạng cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu hoạt động không phép, phá vỡ quy hoạch ngành, gây mất ATGT.

Nghị định số 139/2021 chia phương tiện thủy thành 4 nhóm chính và áp dụng mức phạt tương ứng:

- Nhóm 1: phương tiện không có động cơ có trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc sức chở đến 12 người, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở đến 12 người;

- Nhóm 2: phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn đến dưới 250 tấn hoặc có sức chở trên 12 người đến dưới 50 người, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa đến 135 sức ngựa hoặc có sức chở trên 12 người đến 50 người;

- Nhóm 3: phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 250 tấn đến 1.000 tấn hoặc có sức chở từ 50 người đến 150 người; phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 135 sức ngựa đến 750 sức ngựa hoặc có sức chở trên 50 người đến 150 người; tàu cuốc, tàu hút có sản lượng đến 500 m3/h, tàu cần cẩu lắp đặt thiết bị nâng có sức nâng đến 50 tấn;

- Nhóm 4: phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 1.000 tấn hoặc có sức chở trên 150 người; phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 750 sức ngựa hoặc có sức chở trên 150 người; tàu cuốc, tàu hút có sản lượng trên 500 m3/h, tàu cần cẩu lắp đặt thiết bị nâng có sức nâng trên 50 tấn