Tình trạng học sinh đi xe máy điện không đăng ký, không đội mũ bảo hiểm vẫn còn phổ biến trên các tuyến phố Hà Nội. |
Đăng ký hoặc “bỏ xó”
Với những ưu điểm như gọn nhẹ, không cần bằng lái, không quy định độ tuổi sử dụng, chi phí sử dụng và bảo dưỡng thấp, lại phù hợp với hoàn cảnh giao thông tại Việt Nam hiện nay,… xe đạp, XMĐ đang ngày càng trở nên phổ biến, nhất là ở các thành phố lớn. Trước sự phát triển ồ ạt khiến loại phương tiện này trở nên khó kiểm soát, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 15/2014/TT-BCA quy định rõ, từ ngày 1-6-2014, XMĐ bắt buộc đăng ký biển kiểm soát mới được phép lưu thông. Tuy vậy, do những vướng mắc tồn tại trong thủ tục đăng ký, các cơ quan chức năng đã phải lùi thời hạn “siết” tới hai năm nhằm tìm các giải pháp tháo gỡ phù hợp với điều kiện thực tiễn. Theo đó, bắt đầu từ ngày 1-7 tới, mới bắt đầu xử lý các trường hợp XMĐ lưu hành trên đường chưa đăng ký, phạt tiền từ 300 đến 400 nghìn đồng, đồng thời người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện vi phạm trong thời gian bảy ngày. Chỉ còn hơn hai tháng nữa là “chạm mốc” xử phạt, song khi chúng tôi hỏi về vấn đề này, rất nhiều người đều lắc đầu không biết. Em Tuấn Anh, học sinh lớp 11 Trường trung học phổ thông Phạm Hồng Thái (Hà Nội) chia sẻ: Từ hơn hai năm nay, em vẫn chạy XMĐ không biển số mà chẳng thấy công an nhắc nhở, xử phạt gì cả. Khi chúng tôi hỏi em có biết về thời hạn ngày 1-7 không, Tuấn Anh chỉ biết gãi đầu cười trừ. Anh Hoàng Sơn, trú tại phố Hàng Gà (Hà Nội) thì giãi bày: Tôi có đọc được thông tin việc công an sắp xử phạt XMĐ không đăng ký, nhưng xe của tôi không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật nên có đăng ký được đâu. Với lại, chắc công an cũng chỉ ra quân “làm điểm” vài ngày rồi đâu lại vào đấy như những lần trước vì hàng chục nghìn người đều không đăng ký thì sao mà xử hết được ?
Anh Sơn đã không hề hay biết những thông tin anh nắm được đã “lỗi thời”. Để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong thủ tục đăng ký XMĐ, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 54/2015/TT-Bộ Công an để bổ sung cho Thông tư 15 cũ. Theo đó, từ ngày 6-12-2015 đến ngày 30-6-2016, người dân chỉ cần mang theo giấy khai đăng ký xe, sổ hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân hay thẻ căn cước là sẽ được đăng ký XMĐ mà không phải đóng lệ phí trước bạ (miễn các loại hồ sơ như hóa đơn chứng từ mua bán, giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phiếu kiểm định chất lượng xuất xưởng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ). Ngoài ra, trong trường hợp xe thiếu số khung, số máy còn được hỗ trợ đóng lại miễn phí. Tuy nhiên, những “ưu đãi” này cũng chỉ được áp dụng đến hết ngày 30-6 và thủ tục đăng ký XMĐ sẽ lại được “siết” đúng theo quy định. Vì vậy, các cơ quan chức năng đề nghị người dân cần sớm chủ động đưa XMĐ đi đăng ký để tránh việc xe bị “bỏ xó” khi lực lượng chức năng bắt đầu kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Lợi ích của việc đăng ký xe
Thực tế, chỉ có một số ít người dân hiểu được rằng, việc đăng ký cho XMĐ không chỉ là trách nhiệm đồng thời cũng là quyền lợi của chủ xe. Trước hết, khi đăng ký xe, người dân sẽ được hưởng đầy đủ những quyền lợi theo đúng quy định trong trường hợp xảy ra sự cố hay tai nạn khi lưu thông trên đường. Đây cũng là căn cứ để cơ quan chức năng hỗ trợ tìm kiếm XMĐ bị mất cắp, thất lạc. Ngoài ra, có một thực trạng đáng báo động hiện nay là nguồn XMĐ phần lớn đều không qua đăng kiểm, là hàng trôi nổi và không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao từ các dòng xe chất lượng kém. Hồi đầu năm, một vụ hỏa hoạn do chập điện khi sạc điện cho xe đã khiến căn hộ trên tầng 20 tại Thụy Khuê xảy ra cháy lớn. Rất may mắn cho hai bố con chủ hộ đã thoát chết dù bị ngạt khói. Ngoài ra, rất nhiều trường hợp bình ắc-quy của XMĐ tự phát nổ, thậm chí cả khi xe đang lưu thông gây nguy hiểm trực tiếp tới người sử dụng. Yêu cầu bắt buộc đăng ký xe chính là nhằm bảo đảm người dân mua được những sản phẩm đã được các cơ quan nhà nước kiểm định đầy đủ về an toàn và chất lượng vì trong hồ sơ đăng ký phải có những giấy tờ liên quan đến điều kiện kỹ thuật của xe.
Cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay phần lớn đối tượng sử dụng XMĐ là học sinh, trẻ em dưới 18 tuổi nên việc bắt buộc các em đưa xe đi đăng ký hay xử phạt những trường hợp vi phạm sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia Uông Việt Dũng cho rằng: Trong vấn đề này, chúng ta còn cần nhấn mạnh rõ vai trò và trách nhiệm của gia đình. Các bậc cha mẹ cần ý thức được rằng, khi chúng ta trao phương tiện lưu hành giao thông cho con cái cũng cần trang bị cho các em các kiến thức cũng như khả năng đối phó những mối hiểm họa về ATGT. Vì vậy, phụ huynh trước hết phải tuyên truyền, hướng dẫn cho các em những quy định cơ bản nhất về pháp luật, những quy tắc khi điều khiển từng loại phương tiện khi tham gia lưu thông trên đường cũng như văn hóa tham gia giao thông. Quan trọng hơn, các bậc cha mẹ phải là tấm gương cho con cái trong việc chấp hành nghiêm pháp luật trật tự ATGT. Với XMĐ, các bậc phụ huynh phải là người chủ động hướng dẫn hoặc đưa các em đi thực hiện việc đăng ký, luôn lưu ý các em phải đội mũ bảo hiểm trước khi ra đường hay thường xuyên nhắc nhở việc điều khiển phương tiện cẩn thận, chấp hành đúng luật lệ ATGT.
Cũng theo ông Uông Việt Dũng, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tiếp tục tập trung đổi mới phương thức tuyên truyền để làm sao đưa những quy định pháp luật khô khan đi vào được đời sống, hấp dẫn và thu hút được các em nhỏ; qua đó, truyền tải cho các em ý thức tìm hiểu kỹ và chấp hành đúng các nguyên tắc về luật lệ ATGT để trước hết bảo đảm sức khỏe và tính mạng các em khi tham gia giao thông, đồng thời tiến tới xây dựng một môi trường giao thông an toàn, thông suốt trong xã hội.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.