Để bình xăng cạn
Đây là lỗi một số người mới chạy hay mắc phải, tương tự như ôtô, khi lượng xăng quá ít sẽ dẫn đến đóng cặn bởi xăng ở nước ta không hẳn sạch sẽ 100% mà vẫn có lẫn các hạt tạp chất nhỏ, thường xuyên để cạn bình dễ dẫn tới lắng đọng các tạp chất và có thể gây nghẹt bơm hay kim phun nhiên liệu hoặc hư hại chế hòa khí do kẹt phao xăng. Một vấn đề nữa khi nhiên liệu cạn, lực hút sẽ mạnh hơn do trong bơm nhiên liệu hút theo một phần không khí, có thể gây kích nổ bên trong họng nạp và dẫn tới hiện tượng động cơ làm việc giật cục.
Không thực hiện thay dầu, bảo dưỡng đúng kì hạn
Thói quen xấu của rất nhiều người là chỉ đến khi chiếc xe báo lỗi, hư hại hay hoạt động không còn ổn định mới mang đi bảo dưỡng. Dầu máy và nước mát là 2 thành phần quan trọng nhất, nếu không chú ý thay đúng hạn, đúng chủng loại và dung tích sẽ khiến khối động cơ nhanh chóng bị hỏng và phải thay thế các chi tiết máy. Một số các điều chỉnh khác như tăng xích, dây côn, cùm dây ga, vệ sinh lọc gió, vệ sinh kim phun nhiên liệu… cũng rất hay bị bỏ qua do chủ nhân lười, quên hoặc không chú ý cũng sẽ khiến cho chiếc xe nhanh xuống cấp và có thể gây nguy hiểm trong một vài tình huống.
Không thay thế các chi tiết quan trọng
Một số chi tiết quan trọng trong quá trình sử dụng sẽ dần hư hại và cần thay thế, tuy nhiên nhiều người lại chỉ sửa để dùng lại. Ví dụ như hàn lại tay phanh côn hay chân phanh chân số khi bị gãy, thay lõi dây côn… Tất cả những hành động này có chi phí rất thấp nhưng làm giảm độ an toàn và trong một số tình huống cụ thể có thể bị gãy lại hoặc hư hại do không đáp ứng tiêu chuẩn dặt ra vốn có của chiếc xe.
Lười vệ sinh hệ thống phanh
Vệ sinh phanh thường xuyên bị bỏ qua. Nhưng theo thời gian, phanh bẩn khi hoạt động sẽ sinh ra nhiệt, bụi phanh và mạt kim loại, chưa kể bụi đất và nước bẩn bám vào sẽ khiến các chi tiết phanh bị giảm hiệu suất và xuất hiện hư hại. Lâu ngày không vệ sinh sẽ khiến hệ thống phanh không ăn, mất bám, mất tác dụng phanh hay thậm chí bị bó phanh dẫn tới cháy phanh, bục ống dầu do sôi dầu phanh… Việc quan tâm vệ sinh hệ thống phanh, đặc biệt là những hệ thống hiện đại tích hợp ABS, sẽ giúp người lái nắm được tình hình và sớm có biện pháp thay thế bởi đây là hệ thống trực tiếp đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Ngồi lên xe khi đang để chân chống nghiêng
Sai lầm này diễn ra hết sức phổ biến ở hầu hết người sử dụng với mọi dòng xe. Về lâu dài, chân chống bị “choãi” ra và dần mất khả năng khiến chiếc xe dễ bị đổ hơn mỗi khi dựng. Chân chống xe phân khối lớn hầu hết chỉ được thiết kế để chịu khối lượng của chiếc xe, việc thường xuyên ngồi lên sẽ khiến chân chống dần biến dạng và hư hại. Đặc biệt một số dòng xe đắt tiền như Ducati có chân chống được gắn trực tiếp vào lốc máy nên còn có thể khiến lốc máy bị hư hại như trờn ren, nứt hay nghiêm trọng hơn là vỡ lốc máy.
Dắt xe bằng cách nắm vào đai ở yên sau xe
Dây đai nằm ở yên sau xe được thiết kế để người ngồi sau bám vào, buộc các túi đồ không quá 8kg hay để luồn tay xuống phía dưới mỗi khi dắt xe. Tuy nhiên do hầu hết các dòng phân khối lớn không có tay xách phía sau nên nhiều người tóm chặt dây đai này mỗi khi dắt xe, khiến dây đai dễ bị đứt, và khi đang dắt xe có thể khiến xe bị đổ do không thể đỡ kịp.
Không tháo xăng và ắc-quy khi để xe một thời gian dài
Đây là tình trạng phổ biến. Nhưng cần lưu ý khí hậu ẩm nên việc để xăng lâu bên trong bình dễ dấn đến hiện tượng “thối xăng” tạo ra lớp màng bám khiến bơm xăng bị nghẹt và khó điều khiển.
Việc không tháo ắc-quy khiến cho ắc-quy nhanh hết điện và khiến xe khó có thể khởi động lại do không được nạp trong một thời gian dài bởi ngay cả khi tắt máy, ắc-quy vẫn phải nuôi hệ thống điện, ECU, tính giờ cũng như cảnh báo khác tùy thuộc các dòng xe. Một số trường hợp có thể gây ra chập cháy.
Bơm lốp quá căng
Rất nhiều người có sở thích bơm thật căng để đi lâu, tuy nhiên đây là sai lầm chết người. Lốp quá căng sẽ khiến xe có độ nảy lớn, rung động mạnh, độ bám đường sẽ giảm, tiếp xúc mặt đường kém, làm giảm khả năng phanh, ôm cua cũng như khiến cho lốp mòn không đều. Chưa kể khi di chuyển trong những ngày nắng nóng nhiệt độ tăng cao có thể khiến cho lốp xe bị nổ do giãn nở nhiệt gây nguy hiểm cho người diều khiển.
Không lắp chống đổ đúng tiêu chuẩn
Người sử dụng nhiều khi lắp các loại chống đổ lại thiên về chức năng trang trí làm đẹp chiếc xe thay vì chức năng bảo vệ. Hậu quả là khi chiếc xe gặp va chạm hay bị đổ xuống đường sẽ gây thiệt hại lớn cho chủ nhân.
Dán xe bằng giấy dán không đủ tiêu chuẩn
Hầu hết người dùng cho rằng lớp vỏ xe không quan trọng, chỉ có tác dụng trang trí nên luôn muốn thay màu bằng cách dán màu, vừa rẻ lại vừa hợp túi tiền. Tuy nhiên việc làm này sẽ khiến lớp sơn nhanh xuống cấp do nhiều loại giấy dán không đáp ứng được các tiêu chuẩn về tản nhiệt cũng như lớp kéo đảm bảo tiêu chuẩn. Phần nhiều những chiếc xe sau khi dán đều có lớp sơn bị xỉn và mất độ tươi như ban đầu, thêm vào đó khả năng tản nhiệt sẽ kém hơn do so với tiêu chuẩn của nhà sản xuất.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.