Bảo vệ Sở GTVT Hà Nội không ngần ngại tiết lộ về những tấm vé tự chế, và các mức giá trông giữ xe khi người dân tới giao dịch, làm việc tại cơ quan hành chính công (ảnh chụp chiều ngày 24/9) |
Theo Điều 16 của Quyết định 129/2007/QĐ -TTg ngày 2/8/2007 của Thủ tướng chính phủ Chính phủ ban hành về Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước ghi rõ: “Cơ quan có trách nhiệm bố trí khu vực để phương tiện giao thông của cán bộ, công chức, viên chức và của người đến giao dịch, làm việc. Không thu phí gửi phương tiện giao thông của người đến giao dịch, làm việc”.
Sau khi quy định trên có hiệu lực, phần lớn các cơ quan Nhà nước đã thực thi tốt quy định trên.
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, tình trạng bảo vệ cơ quan công khai thu tiền gửi xe của dân tới giao dịch làm việc vẫn tiếp diễn ở một số đơn vị hành chính công như: Sở GTVT Hà Nội; Đội quản lý xe cơ sở số 3 - Phòng Cảnh sát Đường bộ - Đường sắt - CA TP. Hà Nội (5.000 đồng/lượt), Công an quận Thanh Xuân (3.000 - 5.000 đồng/lượt )…
Đây cũng là nội dung phản ánh của nhiều người đã từng tới các địa điểm này để giao dịch, liên hệ công tác. Có một thực tế, nhiều người dân tới giao dịch không nắm được quy định nên vô tình “làm hư” bảo vệ.
Điều đáng nói, việc thu tiền gửi xe này diễn ra công khai ở ngay cổng vào của các đơn vị hành chính công kể trên.
Hầu hết vé xe tại các điểm có thu phí đều là vé tự chế, nhiều vé giữ xe tuy được đóng dấu treo của cơ quan, nhưng không hề có dấu của Cục Thuế Hà Nội.
Từ những phản ánh của người dân, PV Tạp chí Giao thông vận tải có mặt tại Sở GTVT Hà Nội (Số 2 Phùng Hưng, Hà Đông) vào chiều ngày 24/10 để gửi liên hệ công tác. Bảo vệ ở đây vừa ghi biển số xe, phát vé, vừa thu tiền của khách tới giao dịch.
Chiếc vé tự chế “phát hành” với mức giá 5.000 đồng/lượt được đóng dấu tròn, nền đỏ của cơ quan chủ quản là Sở GTVT Hà Nội.
Hình ảnh chiếc vé “tự chế” được đóng dấu tròn cơ quan chủ quản là Sở GTVT Hà Nội |
Và như một thông lệ, nhiều người lấy xe ra đều hỏi “bao nhiêu tiền” và nhận được câu trả lời là: “5.000 đồng!”.
Có người còn được bảo vệ nhắc khéo về việc trả tiền gửi xe. Có những người không cần hỏi cũng không cần bảo vệ nhắc, họ tự động đưa tiền.
Giải đáp thắc mắc của khách tới giao dịch tại đơn vị hành chính công là Sở GTVT Hà Nội nhưng vẫn bị thu tiền gửi vé xe, bảo vệ ở đây chỉ im lặng.
Có mặt tại trụ sở Đội quản lý xe cơ sở số 3 - Phòng Cảnh sát Đường bộ - Đường sắt (CA TP. Hà Nội) nằm trên đường Đặng Phúc Thông, huyện Gia Lâm, Hà Nội vào khoảng 10h sáng ngày 24/9/2018, người trông giữ xe ở đây là người đàn ông trung niên.
Không đứng dậy ghi vé lên xe, người đàn ông hướng dẫn chúng tôi để xe gọn vào vị trí theo quy định, sau đó người đàn ông này đi thu tiền của các xe ô tô đậu dưới lòng đường.
Để xác nhận lại địa điểm mình tới, chúng tôi có hỏi người trông xe xem đây có phải nơi làm hộ khẩu không thì nhận được câu xác nhận đúng địa chỉ chúng tôi cần tới. Và dãy nhà phía trong là làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm đối với xe ô tô. 5.000 đồng/xe là mức giá gửi xe máy, từ 10.000 - 20.000 đồng/ lượt đối với xe ô tô.
Người đàn ông này luôn tỏ ra không hài lòng trước mọi thắc mắc của chúng tôi về việc không ghi vé xe liệu có đảm bảo vấn đề an ninh cho khách tới giao dịch hay không.
Thu tiền gửi xe tại Đội quản lý xe số 3 - Phòng CSGT Đường bộ - đường sắt (CA TP. Hà Nội) |
Người này nói: “Sao phải thắc mắc, trông có vài xe thì sao phải ghi vé vào xe. Ở đây không bao giờ lẫn xe, không bao giờ mất xe, cứ yên tâm đi đi".
Để thêm phần khẳng định người đàn ông này nói thêm: "Cơ quan đồng ý cho trông xe, nộp tiền cho cơ quan”.
Sau đó người đàn ông này chỉ tay về phía tấm biển chỉ dẫn được treo gọn ghẽ trước cổng: "Nơi đỗ xe đăng ký, đăng kiểm xe Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt".
Thời gian gần đây, Tạp chí GTVT nhận được phản ánh từ độc giả về tình trạng loạn giá vé trông xe tại trụ sở bộ phận đăng ký mô tô - xe máy (Công an quận Thanh xuân, TP. Hà Nội), khoảng 10h sáng ngày 12/9, phóng viên có mặt tại trụ sở này để ghi nhận thực trạng. 3.000 đồng/vé là mức giá chúng tôi nhận được sau khi vào bãi gửi xe máy tại trụ sở này.
Cùng thời điểm đó, những người vào trụ sở bộ phận đăng ký mô tô - xe máy (CA quận Thanh Xuân) giao dịch, làm việc dù là 5 – 10 phút hay một tiếng đồng hồ cũng đều chung mức giá gửi xe này.
Người trông xe tại trụ sở bộ phận đăng ký mô tô - xe máy (Công an quận Thanh xuân, TP. Hà Nội) |
Trên thực tế, Quyết định 129/2007/QĐ -TTg Chính phủ: “Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm bố trí khu vực để phương tiện giao thông của cán bộ công chức, viên chức và của người đến giao dịch làm việc. Không thu phí gửi phương tiện giao thông của người đến giao dịch làm việc”.
Thắc mắc về mức thu này đi ngược với quy định của nhà nước, nhân viên trông xe ở đây thản nhiên: “Quy định là quy định, văn bản là văn bản còn thực thi là cái khác”.
Chính việc “thực thi là cái khác” nên vé xe cũng được “biến hóa” tới mức giản tiện: Không mã số thuế, không đơn vị chủ quản, không có mức giá…
Câu hỏi tự đặt ra, các quy định của nhà nước đang thực sự không có hiệu lực trong công tác trông giữ xe cho người dân khi tới giao dịch, làm việc tại một số cơ quan hành chính công tại Hà Nội? Và số tiền “thu khống” từ hoạt động này sẽ chảy vào túi ai?
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin liên quan tới sự việc này...
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.