Những thách thức bất ngờ với ô tô điện tại Việt Nam

Tác giả: Bình Minh

saosaosaosaosao
Thế giới xe 20/05/2022 09:15

Chất lượng, giá cả luôn được người tiêu dùng quan tâm nhưng điều quan trọng là môi trường để xe điện hoạt động ổn định tại Việt Nam lại không phải câu chuyện có thể giải quyết trong một sớm một chiều và chỉ có sự chủ động của doanh nghiệp là chưa đủ.


Hiện tại chỉ có xe VinFast mới sạc được tại trạm sạc của hãng xe Việt

Hiện tại chỉ có xe VinFast mới sạc được tại trạm sạc của hãng xe Việt

 Đón đầu xu thế

Sau sự kiện bàn giao những chiếc xe điện VFe34 đầu tiên cho khách hàng vào cuối năm ngoái, đầu tháng 4/2022, VinFast tiếp tục trình làng mẫu xe điện VF8 (dự kiến bản thương mại sẽ xuất hiện vào cuối năm 2022). VF8 sẽ bán ra 2 phiên bản: Eco giá 1,057 tỷ đồng và Plus 1,237 tỷ đồng.

Cuối tháng 4 vừa qua, tại nhà máy Hyundai Thành Công ở Ninh Bình, hãng xe Hàn Quốc lần đầu ra mắt mẫu xe điện Hyundai Ioniq5 nhưng mới ở dạng thăm dò thị trường. Bản thương mại và giá bán cụ thể của Ioniq vẫn chưa có ở Việt Nam. Trong khi đó, Kia - thương hiệu hiện thuộc quyền phân phối bởi Trường Hải cũng có kế hoạch ra mắt xe điện EV6 tại Việt Nam vào cuối năm nay.

Điểm qua một số sự kiện cho thấy, cuộc “chạy đua” nhằm chiếm lĩnh thị trường ô tô điện tại Việt Nam khá sôi động, trước xu thế không thể đảo ngược đã và đang diễn ra tại Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu.

Tại Mỹ, hơn 200.000 xe điện được bán ra trong quý đầu năm nay, đánh dấu doanh số quý cao nhất tại quốc gia Bắc Mỹ này. Tuy nhiên, con số này vẫn cách khá xa so với châu Âu và Trung Quốc (riêng năm 2021, tại quốc gia tỷ dân, doanh số xe điện đạt mức kỷ lục 2,9 triệu xe, tăng 160%), liên quan đến các chính sách hỗ trợ và xu hướng tiêu dùng.

 Thách thức với phát triển xe điện tại Việt Nam

Chuyên gia về xe ô tô - ông Nguyễn Minh Đồng cho biết, ở các nước châu Âu và Mỹ, số lượng trạm sạc gấp nhiều lần nhưng xe điện vẫn chưa phổ thông, chỉ khoảng 3 - 4% người dân sử dụng. Trong khi ở Việt Nam, thử hỏi từ Sài Gòn đi Đà Lạt, Nha Trang hay Cần Thơ có bao nhiêu trạm sạc để người ta ghé vào khi xe cạn pin. Và, trạm sạc đó có “chia sẻ” với nhiều loại xe hay không? Người ta háo hức mua một sản phẩm mới nhưng sau đó có thể thất vọng vì không đủ môi trường để sử dụng.

Ngoài vấn đề hạ tầng, theo ông Đồng, giá xe điện cần phải cạnh tranh. Nếu giá chỉ thấp hơn xe xăng 10 - 15% hoặc Nhà nước giảm phí trước bạ thì cũng chưa đủ hấp dẫn. “Chính vì xét thấy tiềm năng xe điện chưa lớn nên Toyota đang đẩy mạnh phương án xe Hybrid ở Việt Nam”, ông Đồng dẫn chứng.

Ví trạm sạc như xây một ngôi nhà nên chẳng ai thích chia sẻ với người khác, một chuyên gia thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) còn lo ngại việc tích hợp công nghệ, rồi những vấn đề phát sinh khi xảy ra sự cố trong quá trình sạc.

“Trạm sạc là giao thông tĩnh, nhưng ngay cả chỗ đỗ xe hiện nay ở Việt Nam (chính là giao thông tĩnh) cũng đã rất khó bố trí. Trong tương lai, liệu có chính sách yêu cầu các chung cư phải bố trí trạm sạc hay không và chung cư cũ hiện nay thì ra sao?”, vị chuyên gia đặt câu hỏi.

“Chúng ta vừa làm vừa dò đường. Cần có lộ trình cụ thể từ Chính phủ, hạn chế xe chạy nhiên liệu hóa thạch thế nào, năm nào thực hiện, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp xe điện ra sao, từ thuế, phí đến xây dựng trạm sạc”, chuyên gia này cho biết thêm.

Trước đó, trình bày tại một hội thảo về xe điện vào tháng 6/2021, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từng ví 40.000 trụ sạc VinFast đấu nối thêm vào hệ thống điện theo kế hoạch năm 2021 có thể tương đương công suất của hai tổ máy thủy điện Hòa Bình hoặc tương đương công suất Nhà máy Thủy điện Lai Châu, khi đó sẽ đặt ra vấn đề ảnh hưởng đến lưới điện quốc gia thế nào?

Theo ông Lâm, tác động của xe điện và trạm sạc lên lưới điện được ghi nhận tại các nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc cho thấy, nếu điều khiển và phối hợp không hợp lý thời điểm sạc với đồ thị phụ tải sẽ làm tăng tổn thất công suất, tăng độ lệch điện áp và các vấn đề về chất lượng điện năng.

“Để chuẩn bị tích hợp trạm sạc và hoạt động của ô tô điện trong hệ thống điện cần phải thực hiện những giải pháp như: xây dựng mô hình của phụ tải có xét đến phụ tải xe điện; nghiên cứu ảnh hưởng của các cụm trạm sạc xe điện đến vận hành hệ thống điện; kiến nghị xây dựng hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến chuẩn bị hạ tầng tích hợp trạm sạc, đấu nối và vận hành trạm sạc xe ô tô điện...”, ông Lâm nêu ý kiến.

VinFast triển khai dịch vụ cứu hộ ôtô điện

Dịch vụ cứu hộ của VinFast giá 300.000 đồng mỗi lần sạc 15 phút, giúp xe VF e34 có thể di chuyển thêm khoảng 30km, áp dụng từ 4/5.Giai đoạn đầu, dịch vụ này sẽ được triển khai tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và các tỉnh lân cận trong bán kính 100km, tính từ cửa ngõ ba thành phố này.

Đây là dịch vụ được VinFast triển khai song song với chương trình Mobile Service và chính sách cứu hộ 24/7, nhằm hỗ trợ người dùng trong trường hợp xe VF e34 hết pin giữa đường. Khi nhận yêu cầu, đội ngũ kỹ thuật viên của hãng này sẽ đến tận nơi, cung cấp giải pháp sạc tại chỗ, giúp xe có thể di chuyển đến điểm sạc gần nhất.

Ý kiến của bạn

Bình luận