Những thành quả đột phá khai thông điểm nghẽn kết cấu hạ tầng giao thông

13/02/2016 06:39

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng nhận định: “Kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển”.

DJI_0293_nutgiao353_HP
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đưa vào khai thác toàn tuyến tháng 12/2015

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng nhận định: “Kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển”. Để tập trung nguồn lực khai thông điểm nghẽn này, trong 5 năm qua, ngành GTVT đã triển khai và thực hiện có hiệu quả những chính sách đột phá, trong đó đặc biệt là tái cơ cấu mạnh mẽ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI thông qua tại Nghị quyết số 13-NQ/TW là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Ngay sau khi được Quốc hội khóa XIII phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT, ngày 3/8/2011, trả lời phóng viên báo chí về chương trình hành động của mình, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã khẳng định: “Để thực hiện được vấn đề xây dựng hạ tầng giao thông, ngành GTVT phải xây dựng được cơ chế đột phá, trước hết đột phá trong huy động nguồn lực, phải khuyến khích được các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước cùng tham gia. Nếu chỉ trông chờ vào vốn ngân sách nhà nước thì không thể giải quyết được. Đồng thời, trong điều kiện nguồn vốn của mình có hạn, càng cần đòi hỏi phải sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn, tập trung trọng điểm hơn để phát huy hiệu quả tốt nhất”.

Hai tháng sau, ngày 26/10/2011, Bộ đã tổ chức Hội thảo phát triển đột phá kết cấu hạ tầng giao thông mà kết quả của nó được Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá là “Hội nghị Diên Hồng của ngành GTVT xin ý kiến các bậc lão thành về cách “đánh” thế nào để phát triển hạ tầng GTVT trong điều kiện hiện tại”.

Tiếp đó, Đề án phát triển đột phá kết cấu hạ tầng GTVT đến năm 2020 đã được thông qua. Những mục tiêu chủ yếu đến năm 2015 được xác định trong Đề án này là: Hoàn thành việc mở rộng QL1; ưu tiên đầu tư một số đoạn cao tốc Bắc - Nam, tuyến nối Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với các cửa ngõ; khôi phục, nâng cấp các tuyến đường sắt, ưu tiên hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam, chuẩn bị thủ tục các đoạn đường sắt tốc độ cao, đường sắt xuống các cảng biển cửa ngõ, đẩy mạnh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị; đầu tư nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa chính, đặc biệt chú trọng nâng cấp các tuyến vận tải thủy nội địa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng Bắc bộ;đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển quốc gia, các cảng cửa ngõ quốc tế, các bến cảng nước sâu tại 3 vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là cảng biển cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải...; đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không hiện có, tăng sức cạnh tranh đối với các cảng hàng không trong khu vực, đưa năng lực của toàn mạng cảng hàng không lên 60 triệu lượt khách thông qua/năm vào năm 2015...

Để đạt được những mục tiêu nói trên, trước hết cần đột phá trong việc giải quyết nguồn vốn đầu tư. Trước 2011 là những năm khó khăn nhất về vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông, nhiều dự án đã phải giãn tiến độ hoặc đình hoãn. Do vậy, giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư đã được triển khai quyết liệt và thu hút được các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, BT, nhượng quyền khai thác, cho thuê kết cấu hạ tầng...  Chỉ tính riêng năm 2014, Ngành đã huy động được gần 40.000 tỷ đồng đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Tính chung giai đoạn 2011 - 2015 đã kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được 186.660 tỷ đồng. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2011 đến 2015, Bộ GTVT đã huy động được 566.360 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Theo số liệu của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông thì trước năm 2012, toàn ngành GTVT giải ngân cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông mỗi năm chỉ đạt từ 15 đến 20.000 tỷ đồng, đến năm 2014, giải ngân cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đã lên tới 117.000 tỷ đồng, gấp 6 lần so với mức trung bình các năm trước 2012. 

Song hành với huy động vốn là khâu đột phá về tiến độ xây dựng công trình, đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình vào khai thác, không những giảm chi phí xây dựng mà còn mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn, tạo niềm tin trong xã hội. Số lượng các công trình khởi công, khánh thành, về đích đúng, vượt và gần như không còn công trình chậm tiến độ trong những năm vừa qua là thành quả được toàn xã hội và nhân dân ghi nhận.

Nếu như năm 2012 đã khởi công 17 và hoàn thành 18 dự án thì năm 2013, những con số này là 78 và 46, năm 2014 là 67 và 77 và 6 tháng đầu năm 2015 là 31 và 59. Nhiều dự án đã hoàn thành vượt tiến độ như: Cảng Cái Mép - Thị Vải, QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, khôi phục 44 cầu đường sắt Bắc - Nam, cầu Nhật Tân, nhà ga T2 - Nội Bài, cầu Vĩnh Thịnh, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, dự án mở rộng QL1A từ Thanh Hóa đến Cần Thơ, 663km đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, cầu Năm Căn, cầu Cổ Chiên, Mỹ Lợi, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai, kênh Chợ Gạo giai đoạn I, trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội, đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay - Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cảng hàng không quốc tế Vinh, 186 cầu treo dân sinh...

Một khâu đột phá khác không kém phần quan trọng là đột phá trong quản lý chất lượng công trình.Quản lý chất lượng công trình đã được kiểm soát ở tất cả các giai đoạn và đối với tất cả các chủ thể trong quá trình triển khai thực hiện dự án, từ việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn, từ bước thiết kế đến quá trình thi công... Các quy định kiểm soát chất lượng vật liệu đầu vào, kiểm soát quy trình công nghệ thi công, quy định tăng bảo hành công trình từ 2 lên 4 năm đối với các dự án đường bộ... đã được ban hành kịp thời. Trước hiện tượng hư hỏng kết cấu mặt đường bê tông nhựa (còn được gọi là hằn lún vệt bánh xe), các tổ công tác, tổ đặc nhiệm... dưới sự chủ trì của các thứ trưởng có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài Ngành đã thường xuyên có mặt trên hiện trường để khảo sát, nghiên cứu và chỉ ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục sửa chữa. Tình trạng cao độ mặt đường, mặt cầu, cao độ rãnh cao hơn nhà dân, tăng cường lớp cấp phối đá dăm trên mặt đường cũ còn tốt một cách máy móc.... đã kịp thời được chấn chỉnh. Do vậy, trong 5 năm qua, các dự án giao thông của cả 5 lĩnh vực xây dựng chuyên ngành: Đường bộ, hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa đều hoàn thành, đảm bảo chất lượng yêu cầu, một số công trình đạt chất lượng cao như: Cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - Nội Bài; Nhà ga T2 - Nội Bài; cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng...

Đột phá về nhận thức để nắm bắt và làm chủ các công nghệ tiên tiến đã trở thành yếu tố sống còn đối với không chỉ các cơ quan quản lý, nghiên cứu mà trước hết là các doanh nghiệp xây dựng giao thông. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với vật liệu mới, công nghệ liên tục được biên soạn, cập nhật và ban hành. Các công nghệ xây dựng hiện đại như đúc đẩy, đúc hẫng, đà giáo đẩy, lắp hẫng, lắp trên đà giáo để thi công cầu dầm hộp liên tục, cầu dây văng, dây võng... đã trở thành quen thuộc đối với đội ngũ kỹ sư và thợ cầu Việt Nam. Các hệ thống quan trắc để đảm bảo an toàn trong khai thác, bảo trì đối với các cây cầu dây văng đã được triển khai nghiên cứu, lắp đặt. Các công nghệ, kỹ thuật mới trong xây dựng đường như cào bóc tái chế, sử dụng hỗn hợp asphatl tính năng cao, superpave... đã và đang được nghiên cứu, triển khai mang lại hiệu quả rõ rệt. Các công nghệ mới trong xử lý nền móng như hút chân không, cọc đất gia cố xi măng, thùng chìm, cọc vít... đã được nghiên cứu áp dụng thành công trong những năm vừa qua.

Quản lý giá thành và tiết kiệm đầu tư bằng các biện pháp giao cho các đơn vị tư vấn, các chuyên gia, các hội chuyên ngành, các tổ công tác có trình độ chuyên môn cao... tiến hành rà soát thiết kế, hình thức và thời điểm đầu tư, dự toán, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, giải pháp kỹ thuật... là khâu đột phá mang lại hiệu quả to lớn về tiết kiệm đầu tư, chống lãng phí trong thời gian qua. Chỉ riêng việc rà soát cầu yếu để quyết định giữ lại những cây cầu chưa cần thiết phải phá dỡ, đập bỏ đã tiết kiệm được hàng ngàn tỉ đồng. Tính chung trong 5 năm qua, các công việc rà soát đã góp phần giảm được khoảng 57.000 tỷ đồng vốn đầu tư, trong đó riêng đường Hồ Chí Minh và QL1 đã giảm được 17.000 tỷ đồng.

Các khâu đột phá khác như: Tái cơ cấu thị phần của các loại hình vận tải để từ đó, tăng đầu tư cho đường sắt, đường thủy nội địa; kiểm soát triệt để xe quá tải trên phạm vi toàn quốc; thực hiện đánh giá xếp hạng đối với 81 chủ đầu tư, Ban QLDA, 475 nhà thầu, 220 tổ chức tư vấn và công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng cơ sở dữ liệu để siết chặt hoạt động tư vấn giám sát; ban hành các quy định về quyền hạn, trách nhiệm của chủ đầu tư, ban QLDA; phân công các thứ trưởng phụ trách dự án chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng và giá thành của dự án, thường xuyên kiểm tra hiện trường, họp giao ban định kỳ, đột xuất để chỉ đạo quyết liệt, xử lý dứt điểm ngay những vấn đề vướng mắc từ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, chất lượng công trình và ATGT; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để giải quyết khâu khó khăn phức tạp nhất là công tác giải phóng mặt bằng… cũng đã được lãnh đạo Bộ chỉ đạo sát sao và triển khai đồng bộ. Chỉ riêng trong năm 2014, Bộ GTVT đã kiên quyết xử lý 42 nhà thầu, 12 tư vấn thiết kế, 16 tư vấn giám sát và 5 ban QLDA; đã chỉ đạo sửa chữa 8 công trình bị hư hỏng kết cấu mặt đường bê tông nhựa ngay khi mới đưa vào khai thác. Những biện pháp xử lý quyết liệt nêu trên đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc khắc phục tình trạng chậm tiến độ, kém chất lượng tại các công trình giao thông. Tỉ lệ xe chở quá tải - một trong những nguyên nhân chủ yếu làm hư hỏng và xuống cấp các công trình giao thông ngày càng giảm.

Trong 5 năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn về nguồn tài chính, ngành GTVT đã có những giải pháp có tính đột phá cao nhằm huy động được các nguồn lực, nguồn vốn để đầu tư phát triển các công trình giao thông. Chất lượng xây dựng các công trình ngày càng được chú trọng và kiểm soát tốt hơn. Tiến độ hoàn thành các công trình được tính toán sát thực hơn, đồng thời, việc chỉ đạo, giám sát thi công sâu sát, kịp thời hơn nên nhiều công trình, dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng đúng hạn hoặc sớm hơn kế hoạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước nói chung và của nhiều địa phương nói riêng.

Hàng loạt các công trình, dự án đang và sắp được triển khai bằng các nguồn vốn và  các hình thức đầu tư khác nhau như các đường hầm Cổ Mã, Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân 2 trên QL1; các cây cầu Bạch Đằng, Vàm Cống, Cao Lãnh, Bình Khánh, Phước Khánh, Đại Ngãi, Phước An, Tân Vũ - Lạch Huyện, Hưng Hà...; các đoạn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Nam Đông - Túy Loan, Ninh Bình - Thanh Hóa, Thanh Hóa - Hà Tĩnh, Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết; đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Hạ Long, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cảng Lạch Huyện, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; cầu treo dân sinh giai đoạn II.... và còn nhiều dự án, công trình khác nữa chắc chắn sẽ về đích trước năm 2020 như chiến lược phát triển ngành GTVT đã đề ra.

Tại Hội nghị Tổng kết 5 năm công tác phát triển kết cấu hạ tầng GTVT vùng Tây Nam bộ vào ngày 10/12/2015 tại TP. Cần Thơ, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã biểu dương ngành GTVT với những thành quả đạt được vừa qua và nhấn mạnh: “Trong lúc nền kinh tế còn khó khăn nhưng Nghị quyết Chính phủ vẫn yêu cầu chọn việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá quan trọng. Ngành GTVT đã huy động được nguồn vốn lớn từ mọi nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Điều này được Chính phủ và các cơ quan đánh giá cao. Ngành GTVT đã đi đầu trong việc xã hội hóa, đổi mới tư duy quản lý, đa dạng hóa các hình thức đầu tư. Có thể nói, chưa bao giờ ngành GTVT phát triển lớn mạnh như vậy”.

Điểm nghẽn hạ tầng giao thông đã và đang được giải quyết tạo sự đột phá lớn. Năm 2020 sẽ là năm khai thông hoàn toàn, đảm bảo phục vụ đắc lực nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ý kiến của bạn

Bình luận