Tài xế Be và Grab dừng đèn đỏ tại một ngã ba ở quận 1, TP HCM. Ảnh: Viễn Thông |
Cuối tháng 3/2018, cuộc đối đầu tay đôi giữa Uber và Grab ở Việt Nam kết thúc. Khi ấy, thị trường gọi xe chỉ xoay quanh câu chuyện giành thị phần gọi xe hai bánh và bốn bánh công nghệ.
Tuy nhiên, chỉ hơn một năm sau, thị trường trở thành cuộc đua "tay bốn", với Grab, Be, Go-Viet và FastGo. Tại Hà Nội và TP HCM, người đi đường dễ bắt gặp những tài xế xe ôm công nghệ mặc đồng phục xanh lá cây, vàng và đỏ... Thậm chí, nhờ cuộc cạnh tranh ngày một gắt gao hiện nay, việc một tài xế sử dụng đồng thời hơn một nền tảng gọi xe cũng rất phổ biến.
"Hôm trước, một tài xế đến đón đội nón bảo hiểm màu vàng của Be, đưa tôi chiếc nón màu xanh của Grab và dùng áo mưa màu đỏ của Go-Việt", Minh Khang, khách bắt xe từ ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất về quận 8, kể lại.
Không chỉ là gọi xe đi lại, cuộc đua của các ứng dụng này giờ chia nhỏ ở nhiều mặt trận khác nhau như giao đồ ăn, ví điện tử... Điểm khác biệt so với giai đoạn Grab-Uber là "bộ tứ" tuy vẫn đối đầu bằng cách đua khuyến mại vận chuyển người, song cũng dốc sức cho các hướng đi riêng.
Grab tung ra dịch vụ giao đồ ăn cách đây một năm và "mải mê chinh chiến" ở mảng này suốt thời gian qua, mở rộng đến 15 tỉnh thành. Theo công bố mới nhất, lượng đơn hàng bình quân hàng ngày của GrabFood tăng 250 lần, tính tại thời điểm giữa tháng 5/2019 so với cuối tháng 6/2018.
"Chúng tôi rất vui mừng khi chỉ sau một năm triển khai tại Việt Nam, GrabFood đã trở thành thương hiệu giao nhận thức ăn hàng đầu ở nhiều khía cạnh, bao gồm tốc độ tăng trưởng, số lượng đơn hàng...", ông Jerry Lim, Giám đốc Grab tại Việt Nam tuyên bố, dựa trên khảo sát của Kantar hồi tháng 4/2019 nói 81% người dùng tại Hà Nội và TP HCM chọn GrabFood là thương hiệu được sử dụng thường xuyên nhất. Tỷ lệ này vào tháng 10/2018 là 48%.
Sự hăng hái của Grab khiến thị trường gọi đồ ăn trải qua một năm biến động. Lala rời khỏi cuộc chơi. Now nhanh tay mua tên miền grabfood.vn. Vietnammm thì phản ứng bằng cách mua quảng cáo và chạy SEO để Google trả về kết quả của họ đầu tiên, khi người dùng gõ "grabfood" để tìm kiếm. Tại các cửa hàng trà sữa, liên tục xuất hiện các chiến dịch "phủ màu áo", với hàng dài tài xế xếp hàng chờ mua, có hôm áo xanh của Grab, có hôm áo đỏ của Go-Viet.
Sau thức ăn, Grab hợp tác với Moca để làm ví điện tử, mở đường cho khái niệm làm "siêu ứng dụng" tại Việt Nam. Grab gần đây còn hợp tác với VinID để giao hàng tạp hóa, tương tự dịch vụ đi chợ của Now. Tuy nhiên, các đối thủ khác phủ nhận hoặc tránh sử dụng khái niệm "siêu ứng dụng" mà Grab tích cực quảng bá.
Dù chỉ mới 6 tháng hoạt động, ứng dụng gọi xe nội địa 'be' của Be Group liên tục khuấy động không kém thời gian gần đây. Be 'không giống ai' khi đăng ký kinh doanh là hãng vận tải ứng dụng công nghệ. Đây cũng là ứng dụng duy nhất chào sân cùng lúc dịch vụ gọi xe hai bánh và bốn bánh ở TP HCM và Hà Nội trong một ngày. Hiện nay, ứng dụng này có mặt ở 6 tỉnh thành.
Là người đi sau, Be chọn con đường thần tốc mở địa bàn hoạt động và dịch vụ, định hình là nền tảng mở. Chưa nhảy vào mảng gọi đồ ăn vốn đang là "chảo lửa", hãng này chọn mảng tài chính như một "át chủ bài" cho năm nay. Cách đây ít hôm, Be Group công bố dịch vụ tài chính mới beFinancial sau khi hợp tác cùng Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Dịch vụ tài chính này phủ cả 3 đối tượng gồm khách hàng cá nhân, tài xế và doanh nghiệp. Ngoài các dịch vụ cơ bản thường thấy của ví điện tử, beFinancial còn phát hành thẻ tín dụng đồng thương hiệu cho khách hàng, cho xài xế vay mua xe, cấp hạn mức tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp...
"Ngay từ đầu, chúng tôi hướng đến thị trường là một hệ sinh thái mở, ưu tiên kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi không phải là 'siêu ứng dụng' làm tất cả mọi thứ mà là nền tảng mở", Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc Be Group bình luận. "Sau hợp tác trong mảng ngân hàng, có thể chúng tôi cũng tìm những đối tác cho những mảng như du lịch hay sức khỏe chẳng hạn", ông ví dụ thêm.
Một tên tuổi nội địa khác sắp tròn một năm tuổi là FastGo, gây chú ý với chiến lược đánh thị trường xa và "trên cao". FastGo "tham chiến" thị trường Việt Nam với dịch vụ đầu tiên là gọi xe bốn bánh và chỉ mới tung ra dịch vụ gọi xe hai bánh trong những tháng gần đây.
Tuy nhiên, FastGo không chỉ có ở Việt Nam. Dịch vụ đã tiến sang các nước lân cận như 'đại bản doanh' của Grab là Singapore hay Myanmar. Trong một chia sẻ gần đây trên trang cá nhân về tình hình tại thị trường Myanmar, ông Nguyễn Hữu Tuất - CEO FastGo viết rằng "xem chừng 'đánh' xứ người dễ hơn xứ ta".
Cùng với việc "mang chuông đi đánh xứ người", FastGo mới đây còn có thêm dịch vụ gọi trực thăng trên ứng dụng gọi xe. Dịch vụ này cho phép người dùng gọi trực thăng ngắm cảnh tại Vịnh Hạ Long và còn có thể trả góp.
Tên tuổi còn lại trong "bộ tứ" gọi xe hiện nay là Go-Viet, ứng dụng được hậu thuẫn bởi Go-Jek (Indonesia). Từng gây xôn xao giữa năm ngoái vì có đối tác chiến lược, vốn là đối thủ lớn của Grab tại Đông Nam Á, đứng sau nhưng Go-Viet gần đây khá im hơi lặng tiếng.
Tuyên bố sẽ là ứng dụng đa dịch vụ, gắn liền với đời sống người Việt nhưng Go-Viet giậm chân tại chỗ gần nửa năm nay với 3 dịch vụ là gọi xe hai bánh, gọi thức ăn và giao hàng. Trong khi đó, gọi xe bốn bánh và cho phép thanh toán trực tuyến, vốn cả 3 đối thủ kia đã có, thì Go-Viet chưa hẹn ngày triển khai cụ thể.
Trong thông tin phát đi gần đây nhất, khi bà Lê Diệp Kiều Trang chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc vào cuối tháng 4/2019, Go-Việt xác định là "công ty liên kết với GoJek Group". Thông tin cho biết ứng dụng này vẫn đạt tăng trưởng 50% mỗi tháng.
Thực tế, ở mảng gọi xe hai bánh, người đi đường tại TP HCM và Hà Nội dễ dàng bắt gặp nhất là "đội quân" tài xế của Grab và Go-Viet. Dù chưa có dịch vụ mới nhưng Go-Việt vẫn rất chịu chi cho gọi xe hai bánh và giao đồ ăn. Ứng dụng này có ưu điểm giá cước sau khuyến mại cho các chuyến cự ly gần rất rẻ và dịch vụ gọi đồ ăn có khi được giảm giá lên tới 50-60%.
Ngoài "bộ tứ" này, thị trường gọi xe trong nước còn có các ứng dụng khác như Vato, Aber hay Tada. Trong đó, Vato có gọi xe 2 bánh và 4 bánh. Aber ngoài gọi xe 2 và 4 bánh thì nhận giao hàng và gọi xe tải. Tada chỉ có gọi xe 4 bánh và chỉ mới hoạt động mạnh tại quận 7 và vài quận trung tâm TP HCM. Ứng dụng này do một nhà sáng lập Hàn Quốc thành lập tại Singapore.
"Ở quận 7 lúc nào gọi Tada cũng có vì được cộng đồng người Hàn rất ủng hộ. Chạy bên này thì không được hủy cuốc và hãng cũng đang trả tiền dựa trên số cuốc nên cuốc gần càng thích vì được nhiều cuốc", anh Tuấn, một tài xế chia sẻ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.