Khách nước ngoài đi tham quan TP.HCM trên đường Lê Lợi, quận 1, sẽ được quy hoạch là phố đi bộ - Ảnh: Hữu Khoa |
“Quan trọng là khi tổ chức phố đi bộ, nhà chức trách phải để cho con phố đó được sống tiếp đời sống vốn có của nó, khai thác và làm cho đời sống đó giá trị hơn, phong phú hơn ThS Lê Diệu Ánh |
Sở GTVT TP.HCM vừa giao Khu quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư dự án về việc hình thành các khu vực đi bộ ở trung tâm TP diện tích 221ha. Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức - Trường đại học Việt Đức là đơn vị lập đề án này.
Trong tuần này, Sở GTVT sẽ xem xét đề cương dự án và dự kiến sẽ hoàn chỉnh để trình UBND TP trước ngày 30-4.
Xe cá nhân không được vào khu đi bộ
Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam - đơn vị lập quy hoạch về phát triển giao thông vận tải TP đến năm 2020 - cho biết khu phố đi bộ ở trung tâm TP được định hình có chu vi 7,35km và tổng diện tích là 221ha.
Trong đó, bao gồm các đoạn trên tuyến đường Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Hai Bà Trưng, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Lê Lợi và một số đường nhỏ khác ở Q.1.
Không gian phố đi bộ được xác định nằm trong khu vực này có nhiều công sở, công trình văn hóa - dịch vụ như trụ sở UBND TP, Tòa án nhân dân TP, hội trường Thống Nhất, chợ Bến Thành, công viên Tao Đàn, Nhạc viện TP, công viên, Nhà hát lớn TP, Thảo cầm viên Sài Gòn, Đại học Y dược, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, các khách sạn...
Sẽ không cho xe cá nhân đi vào khu phố đi bộ. Vì vậy, một số bãi đậu xe sẽ được thiết lập trên các đường xung quanh như đường Nguyễn Thị Nghĩa, Lê Lai, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Hữu Cảnh. Đồng thời, tổ chức xe công cộng như xe buýt điện, monorail để lưu chuyển khách ra vào khu vực đi bộ.
Năm 2012, UBND TP cũng có quy hoạch chi tiết 930ha khu trung tâm TP. Trong đó, những đoạn đường hoặc tuyến đường tổ chức đi bộ ở 4 phân khu gồm: phân khu 1 có phố đi bộ đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, vòng xoay trước chợ Bến Thành trở thành quảng trường đi bộ.
Đường Đồng Khởi và một phần đường Huỳnh Thúc Kháng (đoạn giữa Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Hàm Nghi) sẽ là phố đi bộ.
Riêng đường Tôn Đức Thắng (phía trước công viên Bạch Đằng) đoạn từ Quảng trường Mê Linh đến gần cột cờ Thủ Ngữ sẽ làm đường ngầm dưới lòng đất cho xe lưu thông, còn trên mặt đường dành cho đi bộ.
Các phân khu 2 và 3 bao gồm các đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Cách Mạng Tháng 8, Tôn Đức Thắng, Đinh Tiên Hoàng có đủ vỉa hè cho người đi bộ.
Trong số đó, đường Lê Duẩn đoạn từ Thảo cầm viên Sài Gòn đến hội trường Thống Nhất sẽ có chức năng như một trục cây xanh xương sống kết nối với công viên Tao Đàn...
Triển khai ra sao?
Theo ông Trần Quang Lâm - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, hiện các địa phương ra quân dọn dẹp vỉa hè trả lại đường cho người đi bộ là điều kiện và thời điểm tốt nhất để TP.HCM hình thành các phố đi bộ đã được quy hoạch.
Sở GTVT sẽ định hướng ưu tiên chọn một số tuyến đi bộ có điều kiện hình thành sớm như đường Nguyễn Huệ (đã đưa vào sử dụng) sẽ kết nối với đường Đồng Khởi về khu vực nhà thờ Đức Bà, đường Lê Duẩn, Lê Lợi...
Trong tương lai, khu vực này sẽ đưa vào hoạt động tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Việc xây dựng và hình thành các tuyến phố đi bộ mới dựa trên cơ sở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Xây dựng tuyến phố đi bộ sẽ được xem xét từ giá trị sinh lợi mà người dân nhận được, giá trị về sức mua tăng cao và tạo hiệu quả về phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Lâm, phố đi bộ sẽ thực hiện từ từng tuyến đường với thời gian cụ thể. Trước mắt chỉ đi bộ vào các buổi tối thứ bảy, chủ nhật, các ngày lễ, sau đó sẽ tăng thêm thời gian và dần dần tiến tới đi bộ các ngày trong tuần.
“Khi có quyết định của UBND TP chấp thuận đề án, Sở GTVT sẽ tổ chức thực hiện ngay” - ông Lâm khẳng định.
Sơ đồ đường bao quanh khu vực phố đi bộ - Ảnh: HỮU KHOA - Đồ họa: VĨ CƯỜNG |
Người dân nói gì?
Nhiều người kinh doanh, mua bán ở khu phố Bùi Viện (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) bày tỏ đồng tình tuyến đường được quy hoạch làm phố đi bộ.
Chị Đỗ Hồng Ngọc - chủ một cửa hàng lẩu nướng trên đường Đỗ Quang Đẩu (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) - nhìn nhận khi hình thành phố đi bộ thì việc đi lại bằng ôtô, xe máy sẽ chịu khó khăn.
Tuy nhiên theo chị, sẽ thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Việc mua bán của người dân do đó sẽ tốt hơn. Cho nên gia đình chị chấp nhận phải mang xe gửi ở bên ngoài để ủng hộ xây dựng khu phố đi bộ nơi mình đang sinh sống.
Ông Chu Khắc Hiếu - một người kinh doanh túi xách trên đường Đề Thám (Q.1) - cũng đồng tình và đề xuất: TP phải có kế hoạch xây dựng các bãi giữ xe xung quanh khu phố đi bộ, phải có các tuyến xe buýt đi qua khu phố này cho người dân đi lại thuận tiện.
Ông Cao Hồng Việt - phó chủ tịch UBND P.Phạm Ngũ Lão - cho biết vừa qua phường đã tiến hành khảo sát ý kiến toàn bộ người dân sống trong khu vực phố Tây Bùi Viện.
Kết quả cho thấy đến 95% người dân sinh sống, kinh doanh ở đây đồng thuận, sẵn sàng ủng hộ xây dựng một khu phố đi bộ văn minh, phát triển.
“Đặc thù của tuyến đường này là khu phố tập trung nhiều du khách nước ngoài nên phố đi bộ ở đây sẽ tạo ra một khu phố đặc sắc, một nét riêng của TP” - ông Việt nói.
Trong khi đó, nhiều dân cư sống trong khu vực cho rằng họ vẫn chưa rõ việc đi lại, nhất là bằng xe cá nhân trong khu vực này sẽ ra sao.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều băn khoăn rằng việc người từ nơi khác đến khu đi bộ ở trung tâm TP nếu đi bằng xe cá nhân thì liệu có đủ bãi để gửi xe và làm thế nào để tránh ùn tắc ở khu vực vành đai của khu đi bộ khi mọi người phải chuyển từ xe cá nhân qua đi bộ.
Cũng có ý kiến nói rằng cần phải đáp ứng đủ xe công cộng cho người dân cần đi lại trong khu vực này, bởi cả khu khá rộng, chứ không chỉ là một phố hay tuyến đường đi bộ... Đó là những câu hỏi mà các nhà làm quy hoạch cần phải giải đáp và cân nhắc các giải pháp nhằm tổ chức tốt khu đi bộ này.
TP.HCM, Hà Nội, Hội An, Đà Lạt có phố đi bộ TP.HCM: Tháng 4-2015, đường Nguyễn Huệ dài 670m, rộng 64m là phố đi bộ đầu tiên tại TP hoạt động vào thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ hội. Hà Nội: Thí điểm tổ chức phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm từ giữa tháng 9-2016. Khu vực cho người đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm bao gồm các tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, một phần đường Lê Thái Tổ, Lê Lai, Lê Thạch, Trần Nguyên Hãn, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền, Lò Sũ, Hàng Đậu, Lương Văn Can, Hàng Bài, Bảo Khánh. Hội An (Quảng Nam): Từ năm 2004, phố cổ Hội An trở thành phố cho người đi bộ và xe thô sơ. Đà Lạt (Lâm Đồng): Từ năm 2003, khu vực quanh khu Hòa Bình và con đường trước chợ Đà Lạt trở thành phố đi bộ. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.