Những việc làm ngay để hàng không Việt Nam phát triển nhanh, bền vững

Hàng không 05/05/2020 08:13

Trong bối cảnh ngành Hàng không Việt Nam (HKVN) tăng trưởng “nóng” từ vài năm trở lại đây thì vấn đề quan trọng đặt ra là phải duy trì sự phát triển bền vững. Đây cũng là những kiến giải xuyên suốt nội dung bài viết của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn. Tạp chí Giao thông Vận tải trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

IMG_20191211_084946

                                        Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn


Thị trường sôi động và tiềm năng

Những năm gần đây, ngành HKVN tăng trưởng liên tục ở mức hai con số. Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam là một trong những thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng hàng năm nhanh nhất thế giới, cao hơn nhiều tốc độ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hiện tại, Việt Nam đang khai thác 22 cảng hàng không, trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa. Hệ thống cảng hàng không đã cơ bản thể hiện rõ tính hợp lý, phân bổ hài hòa trên toàn bộ lãnh thổ và các vùng miền. Thực tế chứng minh, mạng lưới cảng hàng không của Việt Nam đang hoạt động hiệu quả, có lãi và hàng năm đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Tổng công suất  thiết kế hệ thống cảng hàng không đạt mức 90,4 triệu hành khách, trong khi sản lượng hành khách thông qua năm 2019 đạt 116 triệu hành khách, tăng 12% so với năm 2018. Đây rõ ràng là áp lực lớn lên hệ thống cảng khi sản lượng thực tế vượt công suất thiết kế.

Trong năm 2019, thị trường vận tải HKVN có thêm hãng hàng không Bamboo Airways tham gia khai thác, nâng tổng số hãng HKVN lên 5 hãng. Các hãng HKVN hiện đang khai thác 50 đường bay nội địa kết nối Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh theo hệ thống mạng đường bay “trục-nan” từ 3 trung tâm, kết hợp phát triển mạng đường bay “điểm đến điểm” với các cảng hàng không địa phương. Về mạng đường bay quốc tế, các hãng HKVN cùng với 70 hãng hàng không nước ngoài thuộc 24 quốc gia, vùng lãnh thổ đang khai thác hơn 208 đường bay quốc tế thường lệ, thuê chuyến thường lệ kết nối 9 cảng hàng không quốc tế của Việt Nam và tới 25 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

A3. Nhân viên đánh tín hiệu tàu bay lăn
Đảm bảo an ninh an toàn bay luôn là nhiệm vụ số một đối với HKVN

Năm 2019, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không là 115,5 triệu khách, tăng 11,8% so với năm 2018. Sản lượng hàng hóa được thông qua đạt 1,5 triệu tấn, tăng 11% so với năm 2018. Năm qua, các hãng hàng không đã vận chuyển được 54,7 triệu khách, tăng 11,4% so với năm 2018; vận chuyển hàng hóa đạt 435 nghìn tấn, tăng 7,6% so với năm 2018.

Thời gian qua, giá vé máy bay đang được thực hiện theo cơ chế linh hoạt. Các hãng hàng không xây dựng và kê khai dải giá với nhiều mức từ thấp đến cao, đảm bảo không vượt mức giá trần quy định (thông thường 01 chặng bay sẽ có khoảng 10 mức giá) tùy hạng vé, điều kiện vé, thời gian đặt vé, tình hình thị trường..., đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của hành khách. Bên cạnh đó, số lượng, năng lực kiểm soát an ninh tại các điểm kiểm tra an ninh hàng không được bổ sung tương ứng với nhu cầu đi lại của người dân đang tăng nhanh trong thời gian qua. Về chất lượng lao động chuyên ngành hàng không đã hoàn thiện đáng kể, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế về hàng không dân dụng, phát triển ở cả 3 lĩnh vực chuyên ngành: vận tải hàng không; quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay và bảo đảm hoạt động bay.

Nhiều thách thức phải vượt qua

VHA_2857
Nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng đạo đức công vụ đối với nhân viên hàng không là yêu cầu được các hãng HKVN luôn quan tâm, chú trọng

Ngày 23/02/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 236/2018/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng tiêu cực đến mọi hoạt động trong nước và quốc tế, đặc biệt là hoạt động hàng không, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Theo đó, Cục HKVN đã rà soát, đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 tới ngành Hàng không quốc tế và trong nước để báo cáo Chính phủ có những điều chỉnh kịp thời.

Cho đến thời điểm này, các hãng HKVN (kể cả Vietnam Airlines) tuy có tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhưng quy mô còn khiêm tốn, tiềm lực tài chính chưa cao, còn thiếu công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thực tế cho thấy, vận tải hàng không là ngành rất dễ bị các yếu tố kinh tế - xã hội tác động. Ngoài ra, cạnh tranh điểm đến du lịch giữa các quốc gia ngày càng gay gắt, trong khi công cụ cạnh tranh chủ yếu như giá, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam còn hạn chế cũng là một thách thức lớn. Chỉ riêng ở khu vực Đông Nam Á, mặc dù đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua nhưng Việt Nam vẫn khó vượt qua được Thái Lan, Singapore, Malaysia và Indonesia.

Sự phát triển nhanh của thị trường vận tải hàng không cũng như lực lượng vận tải HKVN đặt ra những thách thức mới đối với hệ thống hạ tầng cảng, đặc biệt là những cửa ngõ chính như Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Về tổng thể thì nhu cầu vận tải bằng đường hàng không đang vượt tổng công suất hệ thống cảng hàng không. Điều này đặt áp lực lớn lên các cảng hàng không và đòi hỏi các cảng hàng không cần sớm nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác, đặc biệt là các cảng hàng không đã và đang khai thác vượt công suất thiết kế một số hạng mục công trình của cảng. Do đó, việc cấp thiết hiện nay là đẩy nhanh Dự án mở rộng nhà ga T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và xây dựng nhà ga giai đoạn 1 Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Hiện nay có sự dịch chuyển cơ cấu nhân lực giữa các hãng hàng không, đặc biệt đối với nguồn nhân lực chất lượng cao như phi công, nhân viên kỹ thuật tàu bay, từ đó dẫn đến hoạt động khai thác của các hãng có thể bị ảnh hưởng cục bộ trong một giai đoạn nhất định và ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của hãng. Việc đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng quản lý đối với đội ngũ cán bộ, công chức của Cục HKVN và các cảng vụ hàng không hiện nay là rất cấp thiết. Tuy nhiên, kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho việc đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ giám sát viên an toàn hàng không đang rất hạn hẹp.

Đội tàu bay của các hãng HKVN thời gian gần đây cũng phát triển rất nhanh, tính đến hết tháng 02/2020 là 221 tàu bay. Hiện tại, các hãng hàng không sử dụng các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Cần Thơ và Cát Bi làm các sân bay căn cứ để đậu tàu bay qua đêm. Cùng với việc vượt quá công suất khai thác của nhà ga, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã sử dụng hết các vị trí đậu tàu bay qua đêm.

Làm gì để HKVN tiến nhanh và bền vững?

2_2052946
Thị trường vận tải HKVN đang đứng trước nhiều cơ hội song cũng không ít thách thức đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ, bền vững

Tăng trưởng hàng không ở mức cao là tín hiệu tốt, tuy nhiên phải xem xét đến vấn đề an ninh, an toàn và cạnh tranh theo hướng lành mạnh để có dịch vụ tốt hơn, giá vé tốt hơn và đặc biệt là đảm bảo tính bền vững. Để duy trì tốc độ phát triển nhanh và bền vững đòi hỏi HKVN phải có bước đi thích hợp với từng điều kiện và từng giai đoạn cụ thể.

Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành Hàng không, để đáp ứng yêu cầu đặt ra cần phải hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật kết hợp với việc tiếp tục cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, từ đó nâng cao năng lực, mô hình tổ chức của nhà chức trách HKVN theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trên con đường hội nhập, Việt Nam tiếp tục chủ động tham gia quá trình “mở cửa” bầu trời của khu vực và thế giới trên cơ sở đảm bảo lợi ích quốc gia; có chính sách tổng thể phối hợp phát triển hai ngành Hàng không và Du lịch. Bên cạnh đó, chúng ta cần thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trước mắt là các biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh hàng không cần được đảm bảo bình đẳng, từ đó thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh. Trong chiến lược phát triển hàng không, các doanh nghiệp nhà nước được định hướng cần tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời đảm bảo quyền lợi của Nhà nước trong việc khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn nhà nước.

Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, HKVN cần đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, liên doanh, liên kết theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; loại bỏ hàng rào kỹ thuật bất hợp lý đối với sự tham gia đấu thầu bình đẳng của sản phẩm sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Chúng ta cần khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức xây dựng, đào tạo huấn luyện nhân viên kỹ thuật tàu bay và người lái tàu bay; xây dựng cơ chế, chế độ, chính sách thu hút, khuyến khích, đãi ngộ hợp lý nhằm duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao để đảm bảo năng lực giám sát an toàn của nhà chức trách hàng không, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cũng như phù hợp với thực tiễn, kế hoạch phát triển hàng không dân dụng Việt Nam.

Các cơ quan, đơn vị có liên quan tại cảng hàng không cần tăng cường phối hợp để có kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh, an toàn, duy trì trật tự, văn minh, lịch sự, cải tiến thủ tục hàng không được nhanh chóng, an toàn, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ hành khách. Bên cạnh đó, cần kiểm tra, duy trì nghiêm quy trình làm thủ tục kiểm tra an ninh hàng không gắn với xây dựng văn hóa an ninh hàng không; xây dựng đạo đức công vụ của nhân viên hàng không, bảo đảm phục vụ hành khách với thái độ lịch sự, đúng quy định, trách nhiệm, hiệu quả.

Ý kiến của bạn

Bình luận