Marty Martinez chụp lại ô cửa kính vỡ cách ghế anh ngồi 3 hàng, nơi nạn nhân xấu số bị hút ra ngoài. Ảnh: Facebook. |
Chiếc Boeing 737 của Southwest Airlines tới Dallas đã phải hạ cánh khẩn khi mới khởi hành từ sân bay La Guardia, New York vào 17/4. Jennifer Riordan, một phụ nữ, đã tử vong sau khi bị hút ra cửa sổ vì một động cơ nổ tung trên cánh máy bay, bất chấp mọi nỗ lực cấp cứu.
Mặc dù hiện tượng hành khách bị hút khỏi máy bay hiếm khi xảy ra, nhưng từng có tiền lệ. Những lỗ hổng trên máy bay không phải lúc nào cũng trở thành thảm họa, nhưng chênh lệch áp suất có thể gây ra hiện tượng nổ giảm áp xé nát thân máy bay và cướp đi sinh mạng con người.
Cú hạ cánh kỳ diệu
Chuyến bay mang số hiệu 243 của hãng Aloha Airlines khởi hành từ Hilo tới Honolulu, Hawaii vào ngày 28/4/1988 gặp sự cố nghiêm trọng. Một vụ nổ xảy ra trong khoang hạng nhất khiến trần máy bay bị xé toạc, cánh cửa biến mất. Tiếp viên Clarabelle Lansing, 58 tuổi, tử vong vì bị bay khỏi cabin khi đang đứng ở hàng ghế 15, dù những người xung quanh gắng sức kéo cô lại.
Hành khách rời khỏi máy bay qua cửa thoát hiểm phía trước. Ảnh: Watson. |
Cơ trưởng Robert Schornstheimer, năm ấy 44 tuổi, hạ cánh khẩn xuống sân bay Maui sau 30 phút. 65 người trên máy bay bị thương, trong đó 8 người có thương tích nghiêm trọng. Thi thể của Clarabelle Lansing không bao giờ được tìm thấy.
Trên đảo không có đủ xe cứu thương, do đó các nạn nhân được chuyển tới bệnh viện bằng những xe khách 15 chỗ do nhân viên văn phòng và thợ cơ khí điều khiển.
Quá trình điều tra xác định vụ tai nạn xảy ra do hiện tượng kim loại mỏi và chất lượng của quy trình bảo trì không đảm bảo. Lịch làm việc vào ban đêm gây ra nhiều khó khăn cho đội kỹ sư bảo trì, họ không phát hiện ra những vết nứt gãy ở nhiều lỗ đinh tán trên thân máy bay.
Câu chuyện về chuyến bay 243 được truyền tải trong bộ phim "Cú hạ cánh kỳ diệu" (Miracle Landing) năm 1990, và trong hai tập của series truyền hình Mayday vào mùa 3 (2005) và mùa 6 (2007).
Xé toạc
Ngày 24/4/1989, chiếc Boeing 747 của United Airlines từ Los Angeles tới Sydney gặp nạn khi bay giữa hai chặng chuyển tiếp ở Honolulu và Auckland. Chuyến bay mang số hiệu 811 có 337 hành khách và 18 người thuộc phi hành đoàn.
Khi lên đến độ cao 7.000 m, cửa thoát hiểm số một bị bật ra khiến 9 hành khách bị thổi tung khỏi máy bay, dù có thắt đai an toàn. Trong đó, 8 hành khách ngồi tại ghế G và H từ hàng 8 tới 12, một người ngồi ghế 9F. Một tiếp viên hàng không đứng gần lỗ hổng suýt bị thổi bay nhưng may mắn bám vào chân ghế, những hành khách khác kịp kéo cô vào trong cabin.
Paul Holtz, đến từ Sydney, trả lời New York Times ngày 25/4/1989: "Đột nhiên những người ngồi cạnh chúng tôi biến mất. Những mảnh vụn bay tứ tung trong cabin".
Cơ trưởng David Cronin, khi ấy 59 tuổi, tin rằng một quả bom đã phát nổ nên hạ độ cao nhanh chóng để đến tầng không khí có thể thở được. Sau đó David quay đầu 180 độ để trở về Honolulu, với động cơ số 3 và số 4 bị hỏng do mảnh vụn từ vụ nổ văng vào.
Khi gần tới sân bay, cơ trưởng chỉ có thể điều khiển một phần cánh máy bay do hư hại sau vụ nổ, nên máy bay hạ cánh với vận tốc lớn hơn bình thường - khoảng 350 - 370 km/h. Cuối cùng, ông David đã hạ cánh thành công sau 14 phút kể từ khi thông báo tình trạng khẩn cấp.
Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn thoát khỏi máy bay trong vòng 45 giây. Ảnh: Crash Aerien News. |
Dù nhiều cuộc tìm kiếm trên không và trên biển được tổ chức, người ta không tìm thấy thi thể của ai trong số 9 nạn nhân mất tích. Nhiều phần thi thể và mảnh quần áo được phát hiện trong động cơ số 3, cho thấy ít nhất một người đã văng vào phía trước cánh quạt.
Bộ Giao thông Vận tải Mỹ sau đó trao tặng huân chương anh hùng cho phi hành đoàn vì hành động quả cảm của họ. Trong khi đó chiếc máy bay được sửa chữa và đưa vào sử dụng cho tới năm 2001. Cơ trưởng David Cronin qua đời vào năm 2010 ở tuổi 81.
Những gì đã xảy ra với chuyến bay 811 xuất hiện trong một tập của series truyền hình Mayday mùa thứ nhất (2003) và mùa thứ 6 (2007) với tựa đề "Xé toạc" (Ripped Apart).
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.