Phương án công nghệ tối ưu
Đoạn tuyến Vành đai 2 trên cao có điểm đầu tiếp giáp phía Nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Vọng (phía đường Trường Chinh), riêng Gói thầu XL01 có tổng chiều dài khoảng 2 km do nhà thầu liên danh Trung Nam E&C và Trung Chính thi công.
Điểm nổi bật của dự án là ứng dụng công nghệ MSS (Movable Scaffolding Sytem) hay còn gọi là công nghệ thi công bằng hệ đà giáo di động đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Với đặc thù của dự án là vừa thi công vừa đảm bảo giao thông phía dưới, mặt bằng thi công nằm trọn vẹn trên đường Minh Khai rất chật hẹp và đông đúc nên công nghệ MSS (với hệ đà giáo di chuyển phía trên dầm) giải quyết được căn bản các khó khăn về mặt bằng thi công. Công nghệ MSS cho phép thi công các nhịp dầm từ 37 - 45 m, với tiến độ 20 ngày/nhịp dầm. Tại Việt Nam đã có một số công trình giao thông áp dụng công nghệ này như cầu Thanh Trì, cầu Thủ Thiêm. Tuy nhiên, các cầu này đều áp dụng công nghệ MSS chạy phía dưới đáy dầm, điều đó làm hạn chế tĩnh không và chiếm dụng lớn mặt bằng trong quá trình thi công.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Tú - Giám đốc Ban Điều hành nhà thầu liên danh cho biết, đến nay dự án đã thi công được 214/282 cọc khoan nhồi có đường kính D = 1,5 m; chiều dài cọc từ 44 - 54,5 m; mố Mo đã thi công xong; phần trụ cầu đã thi công xong 25/40 trụ; kết cấu nhịp đã thi công xong 10/40 nhịp; sản lượng đạt 35%, đảm bảo kế hoạch đề ra.
“Với đặc thù của dự án đường Vành đai 2 trên cao là vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông phía dưới, điều kiện mặt bằng thi công chật chội, lại nằm trên tuyến phố đông đúc, do đó công nghệ thi công MSS chạy trên (đà giáo di chuyển phía trên dầm) là phương án lựa chọn tối ưu để thi công. Công nghệ MSS có giá thành rẻ hơn công nghệ đúc trên đà giáo cố định thông thường, với khẩu độ dầm vượt nhịp lớn có thể đúc được dầm từ 35 - 45 m”, ông Tú nhấn mạnh.
Dự án có kết cấu mặt cắt ngang công trình là dầm dạng hộp rỗng, bề rộng từ 19 m, trong đó lõi dầm được đổ trực tiếp rộng 12 m. Mặt cầu được mở rộng ra hai bên cánh, mỗi bên là 3,35 m. Phần cánh hẫng mở rộng được chống chéo bằng các ống thép cường độ cao D300 mm, sơn chống gỉ 5 lớp (cách 3 m bố trí 1 ống, mỗi thanh chịu lực tới 150 tấn. Chiều cao dầm chủ H = 2,687 m, chiều dài nhịp dài nhất là 45 m và ngắn nhất là 35 m. Tại khu vực Ngã Tư Vọng, chiều cao tính từ đáy dầm đến mặt đất tự nhiên là 23 m, độ dốc cầu là 5%.
Huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ dự án
Để đảm bảo tiến độ của dự án, đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư đề ra, ông Nguyễn Quang Tú chia sẻ: “Chúng tôi đã huy động 300 kỹ sữ, công nhân và hàng trăm máy móc thiết bị hiện đại được huy động lên công trình. Ngay từ khi khởi công dự án cho đến nay, chúng tôi đã tổ chức thi công liên tục 3 ca/ngày trên từng mũi thi công mới đảm bảo được tiến độ đề ra. Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện thi công đúc dầm với tiến độ 21 ngày/một phiến dầm.
Dự án nằm trong nội đô chật hẹp, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, thi công cùng đường dưới thấp và các công trình hạ tầng kỹ thuật nên nhiều khi chồng chéo nhau. Nhưng với quyết tâm đưa dự án về đích đúng hẹn, nhà thầu đã huy động những kỹ sư giỏi, công nhân lành nghề làm việc 3 ca/ngày, mặt bằng có đến đâu triển khai đến đó.
Chia sẻ với chúng tôi, công nhân Nguyễn Minh Cường tâm sự, chúng tôi được Công ty quan tâm, đảm bảo lương thưởng, chế độ bảo hiểm xã hội. Tết này, Công ty cho anh em nghỉ Tết theo chế độ của Nhà nước để sum họp cùng gia đình sau một năm làm việc vất vả, hết Tết chúng tôi sẽ quay lại công trường thi công để đáp ứng tiến độ của chủ đầu tư đề ra.
Tiếng máy, tiếng búa, tiếng cười của công nhân như hòa lẫn vang rộn một góc trời, như hối giục người thợ nhanh chóng hoàn thành công việc để kịp trở về đón mùa xuân mới.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.