Đưa công nghệ mới vào thi công Dự án đường Vành đai 2 Hà Nội

Tác giả: bảo châu

saosaosaosaosao
Doanh nhân 21/05/2019 10:11

Những ngày giáp Tết Kỷ Hợi, không khí lao động của đội ngũ kỹ sư, công nhân do nhà thầu liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam và Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính trên công trường thi công Dự án đường Vành đai 2, gói thầu XL-03 càng thêm hối hả. Tiếng máy, tiếng búa, tiếng cười nói của công nhân như hòa lẫn vang rộn một góc trời, như hối giục người thợ nhanh chóng hoàn thành công việc để kịp trở về đón mùa xuân mới bên người thân. Đây là dự án trọng điểm của Thủ đô Hà Nội được ứng dụng công nghệ mới vào thi công.

IMG_3355

Đưa công nghệ MSS vào ứng dụng

Theo thiết kế, đoạn tuyến Vành đai 2 trên cao có điểm đầu tiếp giáp với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với Ngã Tư Sở  với chiều dài gần 5,1km. Riêng Gói thầu XL-03 có tổng chiều dài khoảng 1,6km do nhà thầu liên danh Trung Nam E&C và Trung Chính thi công.

Ông Trần Văn Giầu - Giám đốc Ban điều hành nhà thầu liên danh cho biết, sau 8 tháng khởi công, đến hết tháng 12/2018 Dự án đã thi công được 16/112 cọc khoan nhồi D1000, 275/302 cọc khoan nhồi D1500; trụ chính đã thi công được 30/39 trụ; dầm chính đã đúc được 5/39 nhịp.

Điểm nổi bật của dự án là ứng dụng công nghệ MSS (Movable scaffolding sytem) hay còn gọi là công nghệ thi công bằng hệ đà giáo di động đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam đã có một số công trình giao thông áp dụng công nghệ này như cầu Thanh Trì, cầu Thủ Thiêm. Tuy nhiên, các cầu này đều áp dụng công nghệ MSS chạy phía dưới đáy dầm sẽ làm hạn chế tĩnh không và chiếm dụng lớn mặt bằng trong quá trình thi công.

Với đặc thù của Dự án đường Vành đai 2 trên cao là vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông phía dưới, điều kiện mặt bằng thi công chật chội, lại nằm trên tuyến phố đông đúc, do đó công nghệ thi công MSS chạy trên (đà giáo di chuyển phía trên dầm) là phương án lựa chọn tối ưu để thi công. Đây là công nghệ lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam và đã giải quyết rất tốt giữa việc vừa thi công vừa đảm bảo giao thông cho tuyến đường. Công nghệ MSS có thể thi công với khẩu độ dầm vượt nhịp lớn từ 30 - 45m.  

Kết cấu mặt cắt ngang công trình là dầm dạng hộp rỗng, bề rộng từ 19 - 35m, chiều cao dầm chủ H = 2,687m, chiều dài nhịp dài nhất là 45m và ngắn nhất là 30m. Tại khu vực Ngã Tư Vọng, chiều cao tính từ đáy dầm đến mặt đất tự nhiên khoảng 23m, độ dốc dọc cầu là 5%.

Huy động mọi nguồn lực đảm bảo tiến độ

Để đảm bảo tiến độ của dự án, đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư và TP. Hà Nội, ông Trần Văn Giầu chia sẻ: “ Chúng tôi đã huy động khoảng 400 kỹ sư và công nhân, nhiều đà giáo và thiết bị hiện đại đã được tập kết trên công trường. Ngay từ khi khởi công dự án đến nay, chúng tôi đã tổ chức thi công liên tục 3 ca/ngày trên từng mũi thi công mới đảm bảo được tiến độ đề ra. Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện thi công đúc dầm theo công nghệ MSS với tiến độ khoảng 21 ngày/ nhịp dầm”.

Chia sẻ cảm xúc trong những ngày làm việc cuối năm, anh Lê Quốc Bình - công nhân đang thi công tại Dự án cho biết: ”Chúng em mới được Công ty Trung Chính tăng cường về đây hơn 3 tháng, mặc dù phải lao động liên tục với cường độ cao để đáp ứng tiến độ nhưng chúng em rất vui và yên tâm vì điều kiện làm việc, chế độ lao động, lương thưởng đảm bảo. Tất cả mọi người đang hăng say làm việc ngày đêm vì mục tiêu hoàn thành dự án, góp phần giảm UTGT cho Thủ đô”.

Ý kiến của bạn

Bình luận