PGS. TS. Hoàng Hà vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (bên phải) |
Ngày nay, khoa học công nghệ được xác định là một trong những yếu tố quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc nghiên cứu và đầu tư cho khoa học công nghệ vẫn còn ở mức khiêm tốn và chưa đồng đều ở các ngành, các lĩnh vực. Thực tế cho thấy, nhiều đề tài nghiên cứu chỉ dừng ở mức độ công bố trước Hội đồng nghiệm thu, bảo vệ xong lại “đút ngăn bàn”, không phát huy được hiệu quả và giá trị. Khi được đăng tải trên tạp chí khoa học, nhất là Tạp chí GTVT - tạp chí có bề dày truyền thống và uy tín cao thì những công nghệ mới, công trình khoa học mới được giới khoa học, doanh nghiệp, xã hội tiếp cận một cách dễ dàng và giá trị thực của sản phẩm khoa học đó mới được khẳng định và định vị rõ ràng hơn. Có thể nói, Tạp chí GTVT đã đóng góp và cống hiến thầm lặng cho sự nghiệp khoa học nói chung và lĩnh vực khoa học công nghệ GTVT nói riêng.
Thực tế hiện nay, chúng ta chưa có công tác thống kê, đánh giá lợi ích, giá trị của khoa học công nghệ trong đời sống xã hội. Hoạt động khoa học công nghệ đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ với vai trò vô cùng to lớn. Ví dụ, chúng ta thường sử dụng loại dầm chữ I dài 33m, nặng 58 tấn. Với công nghệ mới hiện nay, chúng ta đang áp dụng phổ biến loại dầm super T với giá trị ưu việt hơn hẳn loại dầm chữ I.
Dầm super T dài 40m, nặng 60 tấn, như vậy chỉ cần tiêu tốn khối lượng vật liệu như nhau có trọng lực như nhau, nhưng vượt nhịp tới hơn 7m và giá thành hiện nay rẻ hơn dầm chữ I khoảng 7 tỷ đồng cho mặt cắt ngang 4 làn xe.
Giai đoạn đầu áp dụng công nghệ dầm super T đã xuất hiện vết nứt ở khu vực đầu dầm, do đó đã được khuyến cáo không sử dụng nữa. Tuy nhiên, Viện Khoa học Công nghệ GTVT (Bộ GTVT) thực hiện đề tài nghiên cứu với kinh phí vẻn vẹn 300 triệu đồng trong vòng 6 tháng, kết quả đã khắc phục hoàn toàn vết nứt và từ đó loại dầm này sử dụng rất ổn định, chất lượng đảm bảo. Điều đó cho thấy vai trò của khoa học công nghệ có giá trị lớn như thế nào. Một trong những ví dụ điển hình là công trình đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương - công trình sử dụng 70 nhịp dầm super T, tiết kiệm được gần 500 tỷ đồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cả nước với hàng trăm dự án đang sử dụng công nghệ này, từ đó sẽ tiết kiệm được nhiều nghìn tỷ đồng.
Trong công tác quản lý Nhà nước về khoa học công nghệ tiếp nhận “hơi thở” rất nóng bỏng của thực tế sản xuất, tiếp thu ý kiến chỉ đạo tâm huyết của Bộ trưởng Đinh La Thăng về nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, Vụ Khoa học công nghệ luôn nhận thức sâu sắc rằng bên cạnh việc nghiên cứu về công nghệ thì phải có những đánh giá hiệu quả, từ đó quy ra giá thành để so sánh với phương pháp truyền thống để xem nó có lợi như thế nào. Nếu làm tốt được điều này thì khoa học công nghệ thực sự đóng vai trò là lực lượng sản xuất, làm ra lợi nhuận, tạo ra giá trị gia tăng - đó là những vấn đề mà những người làm khoa học rất tâm huyết.
Trong thời gian vừa qua, nhiều vấn đề “nóng” của Ngành liên quan đến công nghệ như: Hằn lún vệt bánh xe, sửa chữa mặt cầu Thăng Long, giải quyết lún đầu cầu… đã được Tạp chí GTVT đi sâu vào phân tích, mổ xẻ qua nhiều bài báo để tìm ra các giải pháp tháo gỡ, khắc phục, tạo diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý chia sẻ.
Đơn cử như hành trình “truy tìm” nguyên nhân gây hằn lún vệt bánh xe trên nhiều tuyến của nước ta. Phải mất khá nhiều thời gian, chúng tôi mới phát hiện được bản chất vấn đề chính là công nghệ sản xuất đá sẽ quyết định chất lượng - điều này không một ai nghĩ tới. Khi theo dõi công nghệ sản xuất đá bằng nghiền cone và công nghệ đập đá bằng nghiền búa, qua phân tích đã phát hiện ra rằng, đối với hạt đá được đập bằng nghiền búa thì vật thể tròn như “hòn bi ve”, còn đối với đá được đập bằng nghiền cone thì có góc cạnh. Do có góc cạnh này nên khi được lu lèn, các hạt bám vào nhau rất chắc chắn, tự tạo thành khung chịu lực và nhựa đường được lấp đầy.
Ngay sau đó, Bộ GTVT đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị sản xuất đá cung cấp cho dự án mở rộng QL 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên phải chuyển đổi từ công nghệ sản xuất đá bằng búa sang loại máy nghiền cone theo đúng yêu cầu. Điều này rất quan trọng bởi tạo thành ý thức công nghệ trong đầu những nhà thầu, từ đó làm thay đổi ý thức khoa học, quá trình đào tạo nguồn nhân lực cũng như tiếp thu, làm chủ khoa học công nghệ.
Những lĩnh vực đó, Tạp chí GTVT như một người bạn đồng hành để truyền tải, hướng dư luận và phản ánh đúng về bản chất của vấn đề. Cũng thông qua Tạp chí GTVT và các phương tiện truyền thông khác, những chỉ đạo của lãnh đạo Bộ được các đơn vị nắm bắt để kịp thời triển khai nhiệm vụ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến khoa học công nghệ của Ngành.
Một vấn đề cũng rất quan trọng là công bố, giới thiệu và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, văn bản pháp quy trong quản lý Nhà nước. Ở đây, Tạp chí khoa học có chức năng phối hợp với các đơn vị để đăng tải nhằm công bố và giới thiệu các danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn mới. Thời gian tới, Tạp chí cần chú trọng và tăng dung lượng bài cho mục này.
Hiện nay, ngành GTVT đang đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn theo hình thức xã hội hóa, làm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, tạo môi trường cạnh bình đẳng, lành mạnh. Trong bối cảnh đó, Vụ Khoa học công nghệ mong muốn được hợp tác cùng Tạp chí GTVT trong việc đẩy mạnh xã hội hóa nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Nói như vậy không phải là làm khoa học cho có phong trào mà xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn. Từ những công nghệ mới như: Cọc vít, nhựa đường cao su đa cấp, cào bóc tái chế, lớp phủ mỏng mặt đường…, Tạp chí GTVT sẽ đăng tải, quảng bá giới thiệu sản phẩm công nghệ cho các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp để có thể chuyển hóa, đưa vào các quy trình, quy phạm và luật hóa. Mô hình này được thực hiện khá phổ biến ở nước ngoài và Tạp chí khoa học đóng một vai trò quan trọng.
Để nâng cao chất lượng, Tạp chí GTVT đã không ngừng đổi mới, thực hiện chặt chẽ quy trình đăng tải một bài báo khoa học. Trong thời gian tới, Tạp chí cần cố gắng hơn nữa để được cấp chỉ số SSI, nếu làm được điều này thì sẽ nâng tầm uy tín khoa học hơn nữa của Tạp chí GTVT.
Mặt khác, thông qua các công trình và bài báo khoa học, Tạp chí cần thể hiện và làm tốt công tác dự báo, đón đầu mang tính chiến lược của hoạt động khoa học công nghệ. Đây là yếu tố quan trọng đối với một cơ quan thông tin lý luận khoa học như Tạp chí GTVT.
Dưới góc độ là một nhà khoa học, ủy viên Hội đồng biên tập, tôi nhận thấy Ban biên tập Tạp chí cần tăng dung lượng những bài viết có hướng phân tích hiệu quả kinh tế từ việc áp dụng và đổi mới công nghệ. Tiếp đến là Tạp chí nên có những bài viết giới thiệu về công nghệ sẽ áp dụng trong tương lai gần như: Đường sắt đô thị, đường sắt cao tốc, vật liệu mới Nano… Một nội dung mà Tạp chí cần chú ý là xây dựng những bài viết về tổ chức, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng, kinh doanh vận tải và đảm bảo trật tự ATGT.
Những ý tưởng, công trình khoa học hay sản phẩm công nghệ mới được giới thiệu, đăng tải trên Tạp chí GTVT đã cung cấp lượng kiến thức khoa học chuyên sâu cho đông đảo đối tượng bạn đọc. Người đọc không phải cầm tờ Tạp chí GTVT để “lướt” hoặc “xem” như những tờ báo thông thường mà phải “suy - ngẫm - cảm - thấu”. Đó là giá trị, là tài sản quý của một ấn phẩm trong suốt chặng đường 55 năm vì sự nghiệp khoa học công nghệ đầy cao quý và tự hào
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.