Nỗi lo muôn thuở vận tải Tết mùa “chính vụ”

Tác giả: L.Q.N.M

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 17/02/2018 07:45

Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 đã cận kề. Đã trở thành “thông lệ”, để tìm được hành trình thuận tiện dịp cuối năm với mỗi hành khách là nỗi lo muôn thuở. Dù ngành vận tải đã rất tích cực vào cuộc nhưng không cơ quan chức năng nào dám khẳng định sẽ quản lý được chuyện “cò vé”, tăng giá, nhồi nhét khách.

 

van tai tet

Để có được hành trình thuận tiện trong dịp Tết, hành khách cần chủ động mua vé, đặt vé và tìm hiểu thông tin, lịch trình, loại hình vận tải phù hợp

Đến nay, ngành vận tải đã có kế hoạch tăng chuyến, tăng tải để phục vụ tối đa nhu cầu đi lại của nhân dân trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Ông Nguyễn Anh Toàn - Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết, trong đợt nghỉ Tết năm 2018, lượng hành khách sẽ tăng hơn nhiều so với ngày thường và tăng cao hơn các ngày cuối tuần. Tuy nhiên, hiện lượng xe tại các bến đang hoạt động mới đạt bình quân hơn 50% hệ số ghế nên cơ bản vẫn có thể đáp ứng nhu cầu đi lại trong dịp này. 

Khi vào “chính vụ” Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Công ty dự báo lượng hành khách sẽ tăng vọt trong khoảng thời gian từ ngày 7/02 (tức ngày 22 tháp Chạp) đến hết ngày 15/02/2018 (tức ngày 30 tháng Chạp), mức tăng khoảng 30% đến 50% so với ngày thường.

Do đó, một số tuyến như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Vinh, Sơn La, Lào Cai... có thể xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ vào từng thời điểm. Công ty đã tính đến việc huy động số xe dự phòng để đảm bảo vận chuyển hết khách trong ngày. Tại Bến xe Giáp Bát, Công ty đã lên kế hoạch tăng cường 844 lượt xe, nhằm đạt lượt xe dự kiến 1.120 lượt xe/ngày, tăng 115% so với ngày thường, tập trung chủ yếu các tuyến Hà Nội đi Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa.

Tại Bến xe Mỹ Đình, dự báo lượng khách trong các ngày cao điểm sẽ tăng hơn 150% so với ngày thường, cần hơn 1.200 lượt xe/ngày, tăng khoảng 115% so với ngày thường. Vì vậy, bến xe này sẽ được tăng cường 668 xe dự phòng, chủ yếu phục vụ các tuyến đường từ Hà Nội đi Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh, Phú Thọ...

Tại Bến xe Gia Lâm, lượt khách cao nhất trong các ngày cao điểm được dự báo tăng 200% so với ngày thường, lượt xe dự kiến là 870 xe, tăng 115% so với ngày thường. Bến xe này sẽ được tăng cường 268 lượt xe dự phòng, chủ yếu tập trung ở các tuyến Hà Nội đi Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang... 

Cũng như mọi năm, ngành Đường sắt luôn xây dựng các phương án tăng chuyến, bán vé sớm nhất bởi nhu cầu đi lại bằng tàu hỏa, đặc biệt là trên tuyến Bắc - Nam luôn căng thẳng. Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, bên cạnh việc huy động tối đa đầu máy, toa xe để lập các đôi tàu chạy trên tuyến Bắc - Nam, phương án bán vé ghế phụ hoặc chuyển giường nằm thành ghế ngồi sẽ được thực hiện để tăng khả năng vận chuyển. 

Bà Phùng Thị Lý Hà - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, Tết năm nay, ngành Đường sắt “tung” khoảng 300.000 chỗ phục vụ hành khách trên các tuyến. Trong đó, chiều ra trước Tết 130.000 chỗ, chiều vào 170.000 chỗ. Số chỗ năm nay tăng 10.000 chỗ so với năm trước. Việc mở bán vé tàu Tết Mậu Tuất 2018 được thực hiện qua mạng, các cửa vé tại ga và các đại lý… cho hành khách cá nhân. Đặc biệt, ngành Đường sắt đang khẩn trương đóng khoảng 60 toa xe hiện đại để kịp đưa vào vận chuyển trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 trên các tuyến đông khách.

Cũng trong dịp Tết này, ngành Đường sắt đưa ra nhiều thiết bị, sản phẩm mới phục vụ hành khách như: Phục vụ suất ăn hàng không trên một số mác tàu nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn; lắp đặt cổng kiểm soát vé tự động tại các ga có mật độ hành khách đi tàu lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn để đảm bảo an toàn, thuận tiện cho hành khách đi tàu.

Để đảm bảo cho người dân kịp thời về quê đón Tết Mậu Tuất 2018, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã thông báo kế hoạch tăng tải dịp cao điểm Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Theo đó, Vietnam Airlines đã bổ sung thêm hơn 1.100 chuyến bay, tương ứng gần 220.000 ghế, nâng tổng số ghế cung ứng trên toàn mạng đường bay nội địa dịp cao điểm Tết Nguyên đán lên gần 1,5 triệu ghế (tăng 14% so với thường lệ và tăng 21% so với cùng kỳ).

Trong một số ngày cao điểm (từ 9/02 đến 14/02/2018 và từ 20/02 đến 26/02/2018), Vietnam Airlines sẽ tăng thêm khoảng 115 đến hơn 160 chuyến vào khung giờ đêm (khởi hành từ sau 24h00 đêm hôm trước đến 5h55 sáng hôm sau), tăng gấp 3 lần so với thường lệ.

 Nỗi lo muôn thuở

Kế hoạch tăng chuyến của ngành vận tải đã sẵn sàng và trên lý thuyết, hành khách phần nào có thể yên tâm. Tuy nhiên nhìn nhận thực tế, dù tăng nhưng vẫn khó đáp ứng hết nhu cầu của hành khách đi lại trong dịp cao điểm.

Đây là nỗi lo muôn thuở của các hãng vận tải và của cả hành khách, bởi lẽ nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán luôn rất cao và chỉ diễn ra trong khoảng thời gian nhất định. Các hãng vận tải không thể xây dựng kế hoạch kinh doanh, mua thêm phương tiện chỉ để đáp ứng nhu cầu hành khách trong thời gian ngắn như vậy. 

Có thể nói nhiều năm nay, cơ sở hạ tầng, phương tiện đường sắt ít thay đổi và khả năng đáp ứng năm sau không hơn nhiều so với năm trước. Đó cũng là lý do các hãng vận tải, đặc biệt là đường sắt, hàng không đều khuyến cáo hành khách nên mua vé sớm để tránh sự căng thẳng, nhốn nháo những ngày giáp Tết. Đặt mua vé sớm cũng giúp các hãng vận chuyển chủ động hơn trong điều tiết kế hoạch vận tải của mình. 

Dù đã có nhiều biện pháp hạn chế nhưng “cò vé” vẫn còn đất sống và không ít hành khách đành nghiến răng chấp nhận qua “cò” để có tấm vé về quê. Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết sẽ áp dụng chính sách mở bán từng bước, thắt chặt quy định để tránh đầu cơ, bảo đảm quyền lợi hành khách trong dịp cao điểm Tết. Tuy nhiên, do khả năng có hạn nên chuyện đặt mua được vé máy bay hạng phổ thông trong những ngày cao điểm hiện nay rất khó khăn. Để mua vé, cách dễ nhất là đành cắn răng mua vé hạng “thương nhân”. Thế nhưng, nếu không đặt vé sớm thì “nhà giàu cũng khóc”. 

Vận tải đường bộ những năm qua phát triển nhanh và có khả năng đáp ứng đầy đủ nhất nhu cầu của hành khách. Tuy không phải xếp hàng, tranh nhau mua vé nhưng đây là loại hình phương tiện đáng lo ngại và tiềm ẩn nhiều bất an nhất mỗi khi Tết đến, xuân về.

Tăng giá vé, thậm chí chèn ép hành khách là điều khó tránh. Đáng lo ngại là tình trạng chạy lòng vòng, phóng nhanh, vượt ẩu giành khách, đón trả khách vô tội vạ... mà bao năm qua các cơ quan chức năng dường như bất lực. Tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cao.

Một điều đáng lo ngại nữa là khả năng UTGT đường bộ trên các tuyến quốc lộ, đặc biệt là những tuyến bị ảnh hưởng của các đợt mưa lũ thời gian qua. Ngoài vấn đề phương tiện, việc bảo đảm chất lượng hạ tầng giao thông cũng quan trọng không kém để giải quyết vấn đề đi lại của người dân trong những ngày Tết

Ý kiến của bạn

Bình luận