Vẫn còn một số thuyền rồng phục vụ du lịch đỗ và đón khách tại các bến tự phát, thiếu sự quản lý của cơ quan chức năng |
Sau nhiều vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng xảy ra trên toàn quốc, đặc biệt là vụ chìm tàu Thảo Vân 2 trên sông Hàn, thành phố Đà Nẵng vừa qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tăng cường công tác quản lý và siết chặt hoạt động tàu thuyền du lịch trên sông Hương.
Từ nhiều năm qua, đi thuyền rồng trên sông Hương là một hình thức thưởng ngoạn cảnh đẹp Huế hấp dẫn du khách gần xa. Đến Huế, du khách ngoài nhu cầu thăm thú đền đài, lăng tẩm, ai cũng muốn đi thuyền rồng trên sông Hương, ngắm nhìn vẻ đẹp sâu lắng của Hương Giang và nghe những làn điệu ca Huế ngọt ngào.
Tại bến thuyền du lịch Tòa Khâm, thành phố Huế, mỗi đêm có gần 100 thuyền du lịch hoạt động phục vụ du khách.
Bà Lê Thị Xuân Cầm, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi đưa đoàn gia đình thông gia từ Singapore về để đi tham quan Huế. Tôi muốn đi bằng thuyền cho khác với tất cả phương tiện. Tôi phải kiểm tra xem có an toàn và đủ độ tin cậy mới dám đi”.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện trên sông Hương có 128 thuyền rồng phục vụ khách du lịch nghe ca Huế, trong đó có 50 thuyền đôi và 78 thuyền đơn. Theo quy định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, các doanh nghiệp hoặc chủ tàu thuyền hoạt động chở khách du lịch trên sông Hương phải có giấy đăng kiểm; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; bảo hiểm nhân sự; thuyền trưởng phải có bằng lái...
Mỗi thuyền rồng trước khi xuất bến phải được kiểm tra giấy chứng nhận đăng kiểm, các giấy tờ liên quan và số lượng du khách trên thuyền. Nếu thuyền chở quá 35 người/thuyền đôi và 15 người/thuyền đơn thì không cho xuất bến. Quy định là vậy nhưng hoạt động du thuyền trên sông Hương vẫn còn lộn xộn.
Thuyền rồng phục vụ du lịch và nghe ca Huế trên sông Hương |
Ông Nguyễn Khoa Dũng, Trưởng phòng kế hoạch Ban Quản lý bến xe, thuyền thành phố Huế cho biết: “Hiện nay, một số thuyền đậu đỗ không đúng nơi quy định, như bến tự phát ở Đập đá, Bến Hề, chỗ bia Quốc Học… Thuyền thỉnh thoảng vẫn vào lấy khách, riêng Đập Đá là thường xuyên, không an toàn. Nếu như xuất phát sai vị trí, khách không ai quản lý được và không có ai kiểm tra được tình trạng thuyền ra sao”.
Trung tá Lê Viết Sơn, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn du khách đi thuyền rồng. Đặc biệt, trong giờ cao điểm từ 15 giờ đến 21 giờ hàng ngày, tổ công tác thường xuyên kiểm tra các thuyền du lịch trước khi xuất bến; nhắc nhở các chủ tàu bố trí áo phao gần điểm du khách ngồi để thuận tiện sử dụng, đảm bảo an toàn cho du khách. Thuyền nào không đủ các điều kiện, dứt khoát giữ thuyền và không cho xuất bến.
Mỗi năm, thuyền du lịch trên sông Hương phục vụ hơn 10.000 suất diễn ca Huế với hơn 250.000 lượt khách tham gia. Để phục vụ một lượng lớn khách du lịch đi trên sông nước, vấn đề đảm bảo an toàn vận tải hành khách đường thủy phải được thực hiện thường xuyên, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện qua lại trên sông Hương./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.