Ông Trương Thanh Dũng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hàng hải 2 chia sẻ những khó khăn trong việc thu hút nhân lực hàng hải |
Hiện hữu thiếu hụt nguồn nhân lực hàng hải
Ông Trương Thanh Dũng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hàng hải 2 tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay giá cước của tàu container trong những năm vừa qua tăng đột biến, thậm chí có những thời điểm tăng 10 - 15 lần. Do vậy, các công ty, doanh nghiệp trong ngành đều phát triển và có nhu cầu mua thêm tàu biển. Đồng thời, các đơn vị cũng tăng lương cho thuyền viên và tăng cường kêu gọi nguồn nhân lực cho ngành Hàng hải. Nhưng thực tại, các công ty này đều đang thiếu nguồn nhân lực trầm trọng. Ví dụ, Công ty Vận tải khí Việt Nam hiện có 81 tàu thì chỉ tuyển được lượng thuyền viên cho 30 tàu, số còn lại phải thuê nước ngoài mà quỹ lương dùng để trả cho nhân lực người nước ngoài sẽ cao hơn so với sử dụng nhân lực người Việt Nam.
Chính vì vậy, thời gian qua, nhiều công ty vận tải biển đều hợp tác với Nhà trường để đặt hàng nguồn nhân lực. Công ty Vận tải biển Khai Nguyên tới đây sẽ đặt văn phòng tại trường để cùng đồng hành trong việc tuyển sinh, hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Nhà trường cũng ký kết hợp đồng nguyên tắc với các công ty khác để đặt hàng nhân lực, như tài trợ học bổng, trả học phí và nhiều cam kết cho sinh viên sau khi ra trường. Đặc biệt, nhiều công ty đã đặt hàng đào tạo ngắn hạn, tài trợ và hỗ trợ các sinh viên khi có nhu cầu và ký hợp đồng làm việc tại trường. Tuy nhiên hiện nay, khi cơ hội nghề nghiệp trên bờ càng nhiều thì tình trạng thiếu hụt nhân lực nghề biển lại càng tăng.
Ông Dũng cho biết thêm, tình hình đào tạo tuyển sinh của Nhà trường hiện nay cũng gặp khó khăn trong bối cảnh chung của ngành Hàng hải. Đây là ngành đặc thù, khi kinh tế phát triển thì nhân lực hàng hải luôn thiếu bởi nhiều phụ huynh không mặn mà cho con em mình sống xa nhà. Ngoài ra, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở các quốc gia nơi đặt cơ sở đào tạo liên kết, công ty tuyển dụng cũng khiến nhiều phụ huynh không chấp nhận cho con em theo ngành học. Về phương hướng trong thời gian tới, ông Dũng cho biết Nhà trường sẽ tăng cường công tác tuyển sinh, quảng bá hình ảnh, đồng thời thay đổi nhận thức về tư duy ngành học trong công tác tư vấn tuyển sinh đầu vào. Hiện Nhà trường đang có hai ngành học thiếu hụt nhân lực là Điều khiển tàu biển và Khai thác máy tàu thủy. Với ngành sau đại học Sỹ quan vận hành tàu biển hiện cũng thiếu hụt do yêu cầu cao về kinh nghiệm làm việc và thời gian đào tạo lâu dài với khối lượng kiến thức thực tế đi biển cao. Một cản trở khác là mức lương nhận về của ngành này cũng cao (lương thuyền trưởng hiện nay dao động từ 6.000 - 8.000 USD/tháng. Để đáp ứng yêu cầu đào tạo chuyên sâu này, Nhà trường đã trang bị các thiết bị hiện đại và tốt nhất. Nhà trường đã trang bị các mô phỏng buồng máy phù hợp với yêu cầu của quốc tế. Nhà trường có đội tàu thực tập để cho các sinh viên có thể chạy tàu trên các luồng hàng hải nội địa - đây là một ưu thế cho các sinh viên khi thực tập cũng như làm việc với các doanh nghiệp.
Chương trình hướng nghiệp việc làm cho sinh viên hàng hải |
Tăng cường đào tạo nhân lực chuyên sâu
Chia sẻ khó khăn chung, ông Phạm Văn Chiến - Trưởng phòng Tư vấn Công ty Cổ phần Khí và Hóa chất Việt Nam cho biết, Công ty hiện có nhiều đội tàu sử dụng nhân lực từ thủy thủ thợ máy đến thuyền trưởng với khoảng 1.300 nhân lực và không tính đội ngũ trên bờ. Từ trước đến nay, công tác phối hợp và liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực hàng hải luôn được đơn vị chú trọng và quan tâm. Do trụ sở của công ty đặt tại TP. Hồ Chí Minh nên các chương trình liên quan tới công tác đào tạo, hỗ trợ các hoạt động như tài trợ học bổng, cam kết đầu ra với Nhà trường đều được đơn vị hợp tác.
Ông Chiến cho biết, từ cách nhìn của một thuyền viên, ông nhận thấy chưa bao giờ việc đi tàu lại dễ dàng và nhanh như thời điểm này. Hiện nay, mức lương khởi điểm của một số công việc trên bờ khoảng 8 - 10 triệu đồng, nhưng mức lương sàn trong ngành Hàng hải từ 16 - 20 triệu đồng. Tuy nhiên, quan điểm của người dân hiện vẫn có định kiến với nghề “lênh đênh sông nước”. Cần phải nhìn nhận rằng, với sự phát triển của công nghệ, người đi biển vẫn có thể liên lạc và theo dõi gia đình qua các trang mạng xã hội. Mặt khác, xét về mức rủi ro trong nghề thì tại Việt Nam, tỉ lệ trên đường bộ luôn ở mức cao hơn so với các vụ tai nạn tàu thuyền.
Cũng với tình trạng gặp khó khăn trong nhu cầu tuyển dụng như trên, ông Võ Dũng - Công ty Cổ phần Vận tải biển và Hợp tác quốc tế INLACO cho biết, hiện nay Công ty đang cung cấp 1.200/3.600 thuyền viên và đứng đầu trong xuất khẩu thuyền viên cho Nhật Bản. Trong đó, với 6 trường chủ lực đào tạo nhân lực hàng hải (2 trường đại học và 4 trường cao đẳng), sau khi tuyển dụng, đơn vị sẽ đào tạo thêm tiếng Anh cũng như các khóa học thực hành và khi đạt yêu cầu sẽ được làm việc tại các đội tàu của các nước.
Hiện nhân lực trưởng thành từ các đơn vị hàng hải như thuyền trưởng, máy trưởng đều đã và đang làm việc tại các tàu lớn trên thế giới. Tuy nhiên, công tác truyền thông cho ngành Hàng hải đang gặp hạn chế, trong khi đó nhu cầu thế giới lại rất cao. Vì vậy, các trường cần phối hợp với doanh nghiệp thay đổi chiến lược tuyển sinh, tăng cường đào tạo nhân lực chuyên sâu mới có thể thay đổi được cục diện này trong tương lai, trong đó cốt lõi chính là sự cải thiện kiến thức, kỹ năng của chính các sinh viên. Đặc biệt, với các chương trình học, từ tháng thứ 6, sinh viên có thể bước vào nghề để thử sức nếu phù hợp. Do đó, công tác đào tạo tuyển sinh cũng như tư vấn tuyển sinh là điều mấu chốt. Với tầm quan trọng mà ngành Hàng hải đã và đang chiếm lĩnh trong việc cung ứng vận chuyển hàng hóa, hệ thống các nhà trường và doanh nghiệp sẽ cùng kết hợp để đẩy mạnh tuyển dụng, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành Hàng hải trong tương lại.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.