Nửa thế kỷ kiến tạo chiến lược phát triển giao thông

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 04/07/2024 13:56

Trải qua 5 thập kỷ, mỗi giai đoạn, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT đều ghi thêm những dấu ấn quan trọng trong sự phát triển đột phá của ngành GTVT.

Nửa thế kỷ kiến tạo chiến lược phát triển giao thông- Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trao bức trướng của Bộ GTVT tặng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT

Góp phần quan trọng phát triển đột phá GTVT

Sáng nay (4/7), Viện Chiến lược và Phát triển GTVT tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. 

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: "50 năm qua là một chặng đường thật đáng tự hào của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT".

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, ngày nay, nhiều công trình giao thông quan trọng quốc gia đã được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác như: Cao tốc Bắc - Nam; các cảng biển quốc tế Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải; nâng cấp, cải tạo các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; các quốc lộ chính yếu, từng bước hình thành mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, an toàn, kết nối đến mọi vùng, miền trong cả nước và với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Năm 2023, Chỉ số chất lượng cơ sở hạ tầng Việt Nam đã được nâng lên thứ 52/185 quốc gia, tăng 14 bậc so với năm 2019. Để có được những kết quả đó, không thể thiếu được những đóng góp quan trọng của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng

"Thay mặt Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ GTVT, tôi trân trọng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những đóng góp, cống hiến của toàn thể các đồng chí lãnh đạo, cán bộ viên chức, người lao động đã và đang công tác tại Viện Chiến lược và Phát triển GTVT trong 50 năm qua", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Điểm lại những kết quả mà Viện Chiến lược và Phát triển GTVT đã đạt được trong 50 năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng bày tỏ mong muốn rằng, cán bộ, CNVCLĐ của Viện luôn ghi nhớ và phát huy truyền thống đáng tự hào của cơ quan, lấy đó làm nền tảng vững chắc để cùng Bộ GTVT và toàn ngành vượt mọi khó khăn, thách thức nhằm hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo, quyết tâm thực hiện đầu tư phát triển thành công hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, góp phần thực hiện mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thư XIII đã đề ra.

Nửa thế kỷ kiến tạo chiến lược phát triển giao thông- Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại buổi lễ

Nhấn mạnh nhiệm vụ cần tập trung, quyết liệt thực hiện trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT đề xuất cơ chế hiệu quả để thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có đủ năng lực nghiên cứu khoa học, tiếp cận và làm chủ các công nghệ mới, phát triển năng lực cốt lõi về xây dựng, phân tích cơ sở dữ liệu, dự báo nhu cầu vận tải; năng lực phân tích kinh tế, tài chính GTVT; đo lường, báo cáo và thẩm tra về phát thải khí nhà kính trong GTVT… đáp ứng yêu cầu phát triển ngành GTVT và hội nhập quốc tế.

Song hành với đó, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cần đặc biệt coi trọng nâng cao năng lực tham mưu cho Bộ GTVT về dự án đầu tư xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; lộ trình cắt giảm khí nhà kính và khí metan; phát triển giao thông xanh; cơ chế, chính sách quản lý, khai thác, giá, phí… cho các công trình hạ tầng giao thông do nhà nước đầu tư.

Nhóm nhiệm vụ thứ tư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Viện Chiến lược và Phát triển GTVT tăng cường mở rộng nghiên cứu khoa học về xây dựng chiến lược, chính sách phát triển giao thông vận tải của các nước trong khu vực và trên thế giới; tham gia và chủ trì xây dựng các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giao thông vận tải.

Thứ Năm, đổi mới cơ bản, toàn diện công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ sở lý luận, đề xuất các giải pháp sáng tạo, phương án ứng dụng các công nghệ mới nhất trong xây dựng chiến lược, chính sách phát triển, quản lý kinh tế GTVT phù hợp với xu thế phát triển tương lai của GTVT…

Nửa thế kỷ kiến tạo chiến lược phát triển giao thông- Ảnh 3.
Nửa thế kỷ kiến tạo chiến lược phát triển giao thông- Ảnh 4.
Nửa thế kỷ kiến tạo chiến lược phát triển giao thông- Ảnh 5.

Một số hình ảnh tại buổi lễ

50 năm dốc nhiệt huyết phát triển GTVT

Trước đó, báo cáo tại buổi lễ, TS. Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết, thành lập chưa đầy 1 năm thì Tổ quốc thống nhất, lớp cán bộ đầu tiên của Viện đã tích cực tham gia và có những đóng góp to lớn khôi phục Đường sắt Thống nhất Bắc Nam.

Trong giai đoạn trước Đại hội Đảng lần thứ VI, Viện là nơi nghiên cứu xây dựng hệ thống giá - mức, để tham mưu các cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế ngành cho Bộ GTVT. Viện đã chủ trì xây dựng Tổng sơ đồ Phát triển GTVT Quốc gia lần đầu tiên vào đầu những năm 1980, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô.

Nửa thế kỷ kiến tạo chiến lược phát triển giao thông- Ảnh 6.

Ông Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT phát biểu tại buổi lễ

Bước vào công cuộc đổi mới, Viện đã chủ trì thực hiện Chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Nhà nước "Quy hoạch phát triển GTVT đến năm 2000", "Nghiên cứu tổng quan GTVT quốc gia đến năm 2000", xây dựng Chiến lược Phát triển GTVT đến năm 2010 và tiếp theo là 5 quy hoạch chuyên ngành... cùng nhiều chương trình, đề án quan trọng phục vụ cho ngành GTVT.

Với sự bền bỉ, nỗ lực cố gắng không mệt mỏi, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; nhiều bằng khen của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Bộ GTVT, Bộ Công thương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…

Từ Đại hội XI của Đảng với chủ trương phát triển "kết cấu hạ tầng đi trước một bước", Viện đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước, nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chiến lược quốc gia đảm bảo trật tự ATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030; phối hợp với JICA, Nghiên cứu toàn diện về phát triển GTVT bền vững ở Việt Nam (VITRANSS1, 2, 3).

Đặc biệt từ năm 2021 đến nay, ngành GTVT tập trung thực hiện Nghị Quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược, là động lực để thực hiện mục tiêu đưa nước ta thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 nhân dịp 100 năm thành lập Đảng và trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Mặc dù thực hiện trong giai đoạn đại dịch Covid-19, nhưng Viện chủ trì cùng các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT khắc phục mọi khó khăn, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5 quy hoạch chuyên ngành quốc gia các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không sớm hơn 1 năm so với yêu cầu của Chính phủ.

Song hành với đó, Viện phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch các Vùng kinh tế và các quy hoạch tỉnh làm cơ sở triển khai đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại.

Nửa thế kỷ kiến tạo chiến lược phát triển giao thông- Ảnh 7.

Lãnh đạo, nguyên lãnh Bộ GTVT và Viện Chiến lược và Phát triển GTVT tại buổi lễ

Nhìn lại 50 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động của Viện luôn cố gắng phấn đấu, bằng lòng nhiệt huyết với ngành GTVT cùng với sự ủng hộ giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, sự khích lệ nồng nhiệt của các bạn bè, đối tác. Điều đó, đã góp phần tạo nên thành quả của Viện như ngày nay.

Trải qua 5 thập kỷ xây dựng và phát triển với nhiều lần đổi tên, sáp nhập, mỗi giai đoạn đi qua, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT thêm một lần ghi dấu ấn, góp phần quan trọng vào sự phát triển đột phá của ngành.

Ngày 4/7/1974, Hội đồng Chính phủ đã ký Quyết định số 158/CP quy định "cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT", trong đó có Viện Quy hoạch Giao thông và Viện Kinh tế vận tải (tiền thân của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT).

Với vai trò thường trực Hội đồng tư vấn của Bộ trưởng Bộ GTVT, Viện đã chủ trì và tham gia xây dựng các quy hoạch GTVT toàn quốc, các chuyên ngành, vùng lãnh thổ; thực hiện các nghiên cứu tham mưu cho Bộ GTVT về những vấn đề liên quan phát triển Ngành GTVT.

Ngày 10/2/1983, Bộ GTVT sáp nhập Viện Quy hoạch Giao thông và Viện Kinh tế vận tải thành Viện Kinh tế - Quy hoạch GTVT. Việc sáp nhập tạo nên một diện mạo mới thay đổi về chất và lượng trong các nhiệm vụ tham mưu cho Bộ GTVT.

Ngoài nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo chương trình, đề tài về các lĩnh vực quy hoạch GTVT, cơ chế chính sách, Viện còn được giao nhiệm vụ giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh của ngành, các địa phương và hướng dẫn xây dựng quy hoạch GTVT; rà soát định mức, đơn giá, duyệt và trình Bộ GTVT ban hành các đơn giá, định mức, chính sách trong quản lý và điều hành sản xuất kinh doanh, tham gia thẩm định các dự án quy hoạch GTVT...

Trong giai đoạn này, Viện đã phối hợp với chuyên gia của bốn Viện thuộc Liên Xô xây dựng Tổng sơ đồ phát triển GTVT đến năm 2000.

Ngày 5/4/1989, Bộ GTVT thành lập Viện Khoa học kinh tế GTVT trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Viện Kinh tế - Quy hoạch GTVT. Đây là thời kỳ đổi mới mạnh mẽ của nền kinh tế đất nước, xoá bỏ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp.

Trong giai đoạn này, đội ngũ cán bộ Viện đã dày dạn kinh nghiệm, được đào tạo bài bản từ các trường đại học trong và ngoài nước, trưởng thành qua thực tế. Nhiều cán bộ đã phấn đấu học tập và rèn luyện không ngừng để đạt được các học vị và học hàm như giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ khoa học, tiến sỹ, thạc sỹ, đóng góp không nhỏ cho khoa học, quản lý và điều hành sản xuất của ngành GTVT, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước.

Ngày 2/11/1996, Bộ trưởng Bộ GTVT ký Quyết định 2926 về việc "Đổi tên Viện Khoa học kinh tế GTVT thành Viện Chiến lược và Phát triển GTVT".