Với lượng bụi PM 2.5 cao hơn chục lần mức cho phép, người Hàn Quốc đang bị "vi phạm quyền cơ bản về thở". Ảnh: AFP. |
Hwang Mi Sun ngắm nhìn cậu con trai bé bỏng đang ngủ trong nhà của họ ở Seoul và lắng nghe từng hơi thở mệt nhọc của con. Từ nhỏ cậu bé đã gặp vấn đề về hô hấp.
Cậu bé 4 tuổi phải dùng nhiều loại thuốc trong quá trình trị bệnh. Tuy nhiên, sau lần thứ tư đến bệnh viện, bác sĩ đã đưa ra một lời khuyên khác cho trường hợp này. Cậu bé được yêu cầu cho ở trong nhà để tránh hít phải không khí độc hại ngoài đường.
"Thật buồn khi con tôi không chỉ bắt đầu học tiếng gọi mẹ và bố mà còn phải làm quen với bụi mịn từ rất sớm", cô Hwang nói. "Tôi thậm chí đã nghĩ đến việc rời khỏi đất nước nhưng tôi thực sự muốn sống ở Hàn Quốc".
Cô Hwang quyết định bắt đầu chiến dịch và tham gia vào một nhóm có tên "Những người mẹ chiến đấu với bụi mịn" (Mothers Against Fine Dust), tổ chức các chương trình phản đối tình trạng ô nhiễm và gây sức ép buộc chính phủ hành động.
Theo BBC, các hạt "bụi mịn" khiến những bà mẹ như cô Hwang lo lắng bắt nguồn từ cát ở các sa mạc của Mông Cổ và Trung Quốc, chúng thổi đến bán đảo Triều Tiên vào những thời điểm nhất định trong năm. Những mô tả mơ hồ về hiện tượng này đã che giấu thực tế mà người Hàn Quốc đang phải đối mặt.
"Vi phạm quyền cơ bản về thở"
Các hạt bụi mịn và các hạt nano vô hình, được gọi là PM 2,5, có thể xâm nhập sâu vào hệ hô hấp và gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm như ung thư. Phổi của trẻ em và người già đặc biệt dễ mắc bệnh.
Đầu năm nay, lượng bụi PM 2.5 ở Hàn Quốc được ghi nhận ở mức 118 µg/m3, cao gấp hơn 11 lần so với ngưỡng trung bình năm theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 10µg/m3. Đây là mức cao nhất kể từ khi theo dõi vào đầu năm 2015, theo Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia Hàn Quốc.
Cô Hwang đã chuyển gia đình ra khỏi Seoul, đến vùng ngoại ô để cứu con trai mình khỏi bụi mịn, nhưng như thế là chưa đủ. Nhóm chiến dịch của cô đang trình các bằng chứng lên quốc hội.
Phiên điều trần công khai đã diễn ra với đầy cảm xúc của các bà mẹ có con mắc bệnh hô hấp, họ kể chi tiết về những ảnh hưởng mà bụi mịn mang lại cho gia đình. Nhiều bà mẹ có mặt bế con trong lòng khi đeo những chiếc khẩu trang trên mặt chúng.
"Ô nhiễm không khí vi phạm quyền được thở cơ bản của chúng tôi. Tôi không nghĩ đây là một quốc gia nếu chúng tôi thậm chí không có quyền thở", một người nói.
"Trẻ em chỉ muốn ra ngoài và chơi, không có gì đặc biệt, chỉ là để tận hưởng sự thay đổi của các mùa. Nghĩ đến việc chúng ta đang lấy đi quyền đó của những đứa trẻ thật đau lòng", một người khác cho biết.
Người Hàn Quốc ngày càng lo ngại về những ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe. 97% số người được Bộ Môi trường Hàn Quốc hỏi năm 2018 cho biết ô nhiễm không khí khiến họ đau đớn về thể chất và bất an về tâm lý.
Phản ứng trước điều này, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố bụi mịn được coi là thảm họa khẩn cấp cần kinh phí để giải quyết.
Theo BBC, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đã chi hàng tỷ USD trong nhiều thập kỷ để bảo vệ đất nước trước cuộc chiến tranh với Triều Tiên và giờ đây họ cần làm điều tương tự để đối phó nạn ô nhiễm không khí.
Bụi mịn đến từ đâu?
Các nhà khoa học đang lấy mẫu không khí trên biển Hoàng Hải (Yellow Sea) để xác minh nguồn gốc bụi mịn xuất phát từ Hàn Quốc hay Trung Quốc. Ảnh: BBC. |
Các chuyên gia không công nhận rằng bụi mịn xuất phát từ ngay trong nước. Một số nói rằng nó bắt nguồn từ Trung Quốc, trong khi có các nghiên cứu chỉ ra rằng đến 60% lượng không khí bị ô nhiễm của Hàn Quốc đến từ các khu công nghiệp và nhà máy than ở phía tây của nước này.
Để làm rõ điều này, các quan chức Bộ Môi trường Hàn Quốc đã tiến hành lấy mẫu không khí trên vùng trời biển Hoàng Hải, nằm giữa Bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc.
Phóng viên BBC nằm trong số những người được phép đi theo đoàn kiểm tra. Họ ngồi chen chúc trong chiếc máy bay nghiệp vụ. Các nhà nghiên cứu định lấy mẫu không khí khi họ bay qua bán đảo và tiến hành xác định các chất gây ung thư và các chất độc hại trong đó.
Các thiết bị đo lường sẽ xác định được loại hạt gây ô nhiễm nào đến từ nhà máy và loại nào bay theo gió. Điều này cung cấp cho các nhà khoa học manh mối để xác định nguồn gốc của ô nhiễm không khí xuất phát từ Trung Quốc hay Hàn Quốc.
Nhóm nghiên cứu bay bên trên một số nhà nhà máy điện Hàn Quốc, quốc gia sản xuất 40% điện từ than, tiếp đó là nguyên tử và khí đốt. Năm ngoái, nhập khẩu than của Hàn Quốc đạt mức cao kỷ lục.
Chính phủ Hàn Quốc đã đóng cửa một số nhà máy "già cỗi" nhưng lại có kế hoạch xây dựng các nhà máy mới trong 5 năm tới. Điều này đã gây phẫn nộ cho những người vận động cho bầu không khí sạch hơn như cô Hwang.
Ông Lee Ji Eon từ tổ chức phi lợi nhuận Liên đoàn các phong trào môi trường Hàn Quốc (KFEM) cho biết: "Tất cả kế hoạch xây dựng các nhà máy than mới nên được dừng lại. Chúng tôi cũng phải đưa ra một lộ trình nhằm giảm tỷ lệ điện sản xuất điện từ than xuống dưới 20% vào năm 2030".
Chính phủ Hàn Quốc cũng công bố kế hoạch tổng thể về năng lượng mới nhằm tăng lượng năng lượng tái tạo lên 20% vào năm 2030.
"Đó là một vấn đề chính trị"
Trở lại máy bay sau một giờ bay qua Hoàng Hải, ở độ cao khoảng 500 m so với mực nước biển, các nhà khoa học không thể nhìn thấy cảnh vật ngoài cửa sổ nữa. Không khí mù mịt, dày đặc và chỉ có vài tia sáng le lói lọt qua.
Trưởng nhóm nghiên cứu, ông Ahn Joon Young nói rằng có vẻ như càng đến gần Trung Quốc, không khí càng trở nên ô nhiễm. Ít nhất là trong ngày họ kiểm tra.
"Mục tiêu nghiên cứu của tôi là xem xem ô nhiễm này đến từ đâu, đến Hàn Quốc với số lượng bao nhiêu và chúng tôi phải hợp tác với các nước khác những gì để giảm thiểu ô nhiễm không khí", ông cho biết.
"Tôi đang thấy nồng độ carbon đen và lưu huỳnh dioxide ở không khí trên biển cao hơn so với khu vực trong đất liền. Điều đó có nghĩa là một số chất ô nhiễm đã đi từ khu vực khác đến Hàn Quốc".
Khi được hỏi liệu chúng có thể đến từ đâu, ông Ahn chỉ cười và nói: "Đó là một vấn đề chính trị. Tôi nghe thấy thế".
Theo BBC, người trưởng nhóm nghiên cứu có thể không muốn nêu tên Trung Quốc trước máy quay, nhưng các quan chức Hàn Quốc khác đã thẳng thắn hơn nhiều.
Thị trưởng Seoul Park Won Soon hồi đầu năm cho biết các nhà nghiên cứu môi trường đã kết luận rằng Trung Quốc chịu trách nhiệm cho 50-60% vấn đề ô nhiễm của Hàn Quốc.
Trong khi đó, trong một tuyên bố, Trung Quốc cho rằng đó không hoàn toàn là lỗi của phía họ và kêu gọi Hàn Quốc chịu trách nhiệm nhiều hơn.
"Chỉ tay đổ lỗi cho người khác sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề, đặc biệt nếu đó là những điều chúng ta có thể làm", ông Lee Ji Eon từ tổ chức phi lợi nhuận Liên đoàn các phong trào môi trường Hàn Quốc (KFEM) chia sẻ quan điểm.
"Sẽ thuyết phục hơn nếu chúng ta giải quyết vấn đề của mình trước khi muốn yêu cầu Trung Quốc hành động. Ví dụ, chúng ta biết rõ ôtô chạy bằng xăng thải ra nhiều bụi mịn nhất trong đô thị và tổng lượng xe đang tăng lên là biểu hiện rõ ràng của chính sách thất bại".
Lãnh đạo Hàn Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải xác minh nguồn gốc của bụi trước khi tiến hành soạn thảo các chính sách tiếp theo. Ngoài ra, cần phải đợi kết quả từ các chuyên gia nghiên cứu bụi mịn trên Hoàng Hải.
Các nhà môi trường đã hoan nghênh cuộc nghiên cứu, song họ cho rằng vẫn là quá ít và muộn màng cho những người đã gặp phải vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm, 18.000 người được cho là đã chết vì các bệnh liên quan đến ô nhiễm ở Hàn Quốc.
Nhưng những người như cô Hwang Mi Sun luôn nhận thức được rằng họ phải đối diện với nguy cơ ô nhiễm và luôn tin rằng hành động quyết liệt ngay bây giờ là điều cần thiết nếu Hàn Quốc muốn cứu sức khỏe của những thế hệ sau.
"Tôi không đòi hỏi gì nhiều. Tôi chỉ muốn các con tôi chạy ra ngoài dưới bầu trời xanh và nghịch đất trên mặt đất. Đó là mong muốn lớn nhất của tôi".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.