Tata Nano - mẫu ô tô rẻ nhất thế giới |
Giá nhập khẩu bình quân mỗi chiếc xe ôtô Ấn Độ về Việt Nam chỉ 5.300 USD (hơn 100 triệu đồng), rẻ bằng 1/3 so với giá nhập khẩu chung từ các thị trường.
Tại Ấn Độ, có rất nhiều mẫu ô tô trong khoảng giá từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Điều này khiến người dùng Việt Nam không khỏi thắc mắc, tại sao các mẫu xe này chưa được phổ biến tại Việt Nam?
Hiện nay, giá nhập khẩu bình quân mỗi chiếc xe ôtô Ấn Độ về Việt Nam chỉ 5.300 USD (hơn 100 triệu đồng), rẻ bằng 1/3 so với giá nhập khẩu chung từ các thị trường.
Đặc biệt, Ấn Độ cũng là nơi cung cấp chủ yếu dòng xe Hyundai i10 cho thị trường Việt Nam, với mức giá trung bình khoảng 7.000 USD/ xe.
10 loại thuế, phí tác động lên giá ô tô
Tuy nhiên, ô tô hiện đang là sản phẩm chịu nhiều thuế, phí nhất tại Việt Nam. Trong đó, có tới 10 loại thuế, phí khác nhau đánh lên ôtô khiến giá xe ở Việt Nam cao hơn hầu hết các nước trong khu vực, gấp khoảng 3 lần ở Mỹ.
Do đó, các mẫu xe 100 triệu đồng được sản xuất tại Ấn Độ khi vào Việt Nam sẽ chịu các loại thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.
Mặc dù, hầu hết các mẫu xe giá rẻ của Ấn Độ có giá bán từ 2.500 USD đến 5.000 USD song khi áp 3 loại thuế để đến thị trường Việt Nam, một chiếc xe có giá 5.000 USD sẽ "đội giá" lên khoảng 14.000 USD (tương đương 300 triệu đồng).
Điển hình như hãng xe ô tô giá rẻ nổi tiếng của Ấn Độ - Tata cũng từng có thông tin sẽ ủy quyền cho nhà phân phối ở Việt Nam nhập về các sản phẩm xe thương mại (xe buýt, xe tải,...), sau đó đến dòng xe du lịch 2-16 chỗ.
Theo đó, các mẫu ô tô giá rẻ, chẳng hạn như Zest sedan và Bolt hatchback hay mẫu xe Tata Nano với giá bán khoảng từ 100 triệu đồng -160 triệu đồng.
Nhưng theo tính toán của nhà phân phối, lắp ráp và chuyển giao công nghệ của Tata Motors tại Việt Nam, loại xe này nếu về tới Hà Nội giá cũng ít nhất 10.000 USD (220 triệu đồng) chưa kể chi phí quảng cáo, marketing,...
Đối với người tiêu dùng Việt Nam, mức giá 100 triệu đồng cho một chiếc ô tô Ấn Độ chỉ bằng giá các mẫu xe máy cao cấp hiện nay, nhưng khi giá bán của các mẫu xe này lên tới 300 triệu đồng, người dùng sẽ phải suy nghĩ lại.
Doanh nghiệp không dám "mạo hiểm"
Ngoại trừ Hyundai Thành Công đang bán khá tốt các mẫu xe Ấn Độ tại thị trường Việt Nam như Grand i10, i20 Active, thì vẫn chưa có nhà phân phối chính hãng nào chính thức tuyên bố nhập xe giá rẻ Ấn Độ về thị trường Việt.
Trong năm 2015, đã từng có hai đơn vị của là TMT Motor và Renault cho biết sẽ đưa các mẫu xe siêu rẻ của Ấn Độ về Việt Nam bao gồm Tata Nano và Renault Kwid. Nhưng đến nay, cả hai đơn vị vẫn "im hơi lặng tiếng" và chưa tiết lộ thời điểm sẽ nhập xe Ấn về thị trường Việt.
Cả hai mẫu xe này đều có mức giá siêu rẻ, chỉ khoảng 100 triệu đồng với những trang bị cơ bản nhất. Cụ thể, Tata Nano được bán với các phiên bản từ 2.800 USD còn Renault Kwid có giá 4.700 USD tại Ấn Độ.
Khi về Việt Nam, hai mẫu xe này chắc chắn sẽ "soán ngôi" vô địch về giá rẻ đối với các đối thủ Kia hay GM.
Tuy vậy, nhìn từ bài học xe giá rẻ Trung Quốc tại Việt Nam, các doanh nghiệp chắc chắn cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm.
Trong số xe giá rẻ nhập về Việt Nam, đáng kể nhất là mẫu Chery QQ3 của Trung Quốc. Năm 2009, mẫu này được đưa về Việt Nam với giá khoảng 195 triệu đồng và giữ kỷ lục là chiếc xe rẻ nhất hiện nay.
Sản phẩm khá thú vị, với giá thành rẻ bất ngờ của hãng xe đến từ Trung Quốc, tưởng chừng sẽ khiến phân khúc hạng nhỏ vốn đã rất chật chội trở nên sôi động hơn. Nhưng hóa ra lại là một thảm họa.
Năm 2012, Cherry QQ3 bán được 146 xe, nhưng đằng đẵng 8 tháng đầu năm 2013 chỉ tiêu thụ được 1 chiếc. Từ đó đến nay không bán thêm được chiếc nào. Tất nhiên, khó để tìm thấy một chiếc Chery QQ3 trên đường phố. Xem ra mẫu xe này đã biến mất, không để lại dấu vết gì.
Chất lượng kém, chi phí sửa chữa lớn
Với mức giá rẻ các mẫu ô tô Ấn Độ thường chỉ được trang bị những chi tiết nội thất cơ bản nhất. Đồng thời, chi phí bảo hành cho các mẫu xe này cũng được các đơn vị chuyên phân phối xe đánh giá là khá cao.
Theo chia sẻ của một đơn vị bán lẻ, "các mẫu xe giá rẻ Ấn Độ thực sự chưa chắc đã có thể thành công ở Việt Nam, bởi nếu khó bán mà chi phí bảo hành lại lớn do chất lượng không đảm bảo".
"Thời gian đầu, lượng xe bán ra tốt sẽ khiến các đại lý phân phối xe giá rẻ cảm thấy hào hứng, tuy nhiên chỉ khoảng một năm sau, tỷ lệ xe trục trặc trong diện bảo hành cần bảo trì bảo dưỡng tăng rất nhanh khiến chi phí bị đội lên rất nhiều sẽ khiến nhà phân phối gặp khó khăn", chủ doanh nghiệp chia sẻ.
Đây cũng là lý do khiến TMT Motor đơn vị từng tuyên bố sẽ sản xuất mẫu xe Tata Nano có giá bán khoảng 200 triệu đồng nhưng vẫn chưa thể thực hiện sau gần 5 năm.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.