Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết, đã có 14.667 ô tô nguyên chiếc (CBU) nhập khẩu được làm tờ khai trong tháng 1/2023, đạt giá trị kim ngạch xấp xỉ 284 triệu USD.
So với tháng liền trước, kim ngạch nhập khẩu ô tô CBU tháng đầu năm nay đã bị sụt giảm 32,2% về lượng và giảm 29,6% về lượng. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu ô tô tháng 1/2023 lại tăng xấp xỉ 50% về lượng và tăng đến 171,4% về giá trị.
Đáng chú ý là khi xét theo xuất xứ, các loại ô tô nhập khẩu từ Mỹ đã có tháng đầu năm tăng đột biến. So với tháng liền trước, kim ngạch nhập khẩu ô tô CBU từ xứ cờ hoa đã có cú bứt tốc mạnh mẽ khi tăng trưởng 332% về lượng và tăng đến 820% về giá trị.
Thậm chí, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng trưởng của ô tô nhập khẩu từ Mỹ còn chóng mặt hơn nhiều. Cụ thể, cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu ô tô CBU từ Mỹ tháng 1/2023 tăng đến 33 lần (+3.223%) về lượng và tăng 28,7 lần (+ 2.772%) về giá trị.
Dù tốc độ tăng trưởng không "khủng khiếp" như Mỹ song các loại ô tô CBU nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia cũng vừa hoàn thành tháng 1/2023 với cú bứt tốc rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đã có 6.179 ô tô CBU được nhập khẩu từ Indonesia trong tháng đầu năm, đạt giá trị kim ngạch gần 90 triệu USD, tăng trưởng đến 1.148% về lượng và tăng 1.136% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan đạt 6.693 chiếc, tương ứng là mức giá trị kim ngạch hơn 126 triệu USD. So với cùng kỳ 2022, kim ngạch nhập khẩu ô tô từ Thái Lan tháng 1/2023 tăng xấp xỉ 158% về lượng và tăng 129,7% về giá trị.
Tuy nhiên, nếu so với tháng liền trước thì kim ngạch nhập khẩu ô tô từ 2 thị trường khu vực Đông Nam Á lại chịu sự sụt giảm cả về lượng lẫn giá trị. Cụ thể, lượng xe nhập khẩu từ Indonesia tháng 1/2023 giảm 29% so với tháng 12/2022, giá trị kim ngạch giảm 24,9%; lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan giảm 38,7% và giá trị kim ngạch giảm 43,4%.
Bên cạnh tốc độ tăng trưởng chóng mặt của các loại ô tô có xuất xứ từ Mỹ, Indonesia và Thái Lan, thị trường ô tô nhập khẩu Việt Nam tháng 1/2023 cũng chứng kiến sự "mất tích" của xe Hàn Quốc, Nga, Canada và Pháp.
Nhìn vào bảng số liệu cuối bài viết có thể thấy rõ không có bất kỳ một chiếc xe nào được nhập khẩu từ 3 thị trường nêu trên trong tháng đầu năm nay. Đáng chú ý nhất là các loại xe nhập khẩu từ xứ sở Kim Chi.
Vào giai đoạn giữa thập niên 2010, xe CBU xuất xứ từ Hàn Quốc vẫn được xem là một "đế chế" tại thị trường ô tô nhập khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ khi tập đoàn Thaco với thương hiệu Kia và TC Group với thương hiệu Hyundai đưa gần như toàn bộ sản phẩm về lắp ráp trong nước, kim ngạch nhập khẩu ô tô từ Hàn Quốc bắt đầu sụt giảm mạnh.
Đồng thời, mức thuế suất thuế nhập khẩu ô tô CBU từ các nước khu vực Đông Nam Á giảm về 0% từ ngày 1/1/2018 theo quy định tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) như một cú bồi khiến cho xe nhập khẩu Hàn Quốc bị "nockout". Hiện tại, tuyệt đại đa số các loại ô tô thương hiệu Hàn Quốc đều đang được Thaco và TC Group lắp ráp trong nước. Ngay cả mẫu xe hiếm hoi được nhập khẩu là Hyundai Creta cũng đã chuyển sang nhập khẩu từ Indonesia chứ không phải từ Hàn Quốc.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch nhập khẩu ô tô từ Hàn Quốc tháng liền trước và cùng kỳ năm ngoái cũng đã ở mức rất thấp. Cụ thể, chỉ có vẻn vẹn 48 chiếc xe nhập khẩu từ Hàn Quốc trong tháng liền trước và 11 chiếc trong tháng 1/2022, đạt giá trị lần lượt chỉ là 3,6 triệu USD và… 320.215 USD.
Có thể thấy, khi nhu cầu tiêu dùng ô tô trong nước đang ngày càng phân hóa mạnh cùng xu hướng gia tăng tỷ trọng xe lắp ráp trong nước, các loại ô tô nhập khẩu có xuất xứ từ một số thị trường như Hàn Quốc, Nga hay Pháp sẽ ngày càng gặp khó khăn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.