Ô tô Trung Quốc hết làm mưa làm gió ở Việt Nam

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 03/04/2019 06:20

Tăng thuế nhập khẩu sẽ khiến xe tải và xe chuyên dụng nhập khẩu phần lớn từ Trung Quốc giảm.

photo-1-15541643062731289440499

Khách hàng sẽ phải bỏ thêm tiền khi mua xe tải.

 Bộ Tài chính mới đây đã công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/2017 về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi . Theo đó, cơ quan này đề xuất tăng thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng xe tải đông lạnh, xe thu gom phế thải, xe xitec; xe chở xi măng kiểu bồn... hiện có mức thuế suất 20% lên 25%.

Ngoài ra, với loại xe trộn bê tông, bộ này cũng đề nghị tăng thuế suất 15% lên 20%. Hiện kim ngạch nhập khẩu dòng xe này từ Trung Quốc đang chiếm hơn 90% tổng kim ngạch nhập khẩu xe trộn bê tông nói chung.

Tăng thuế để khuyến khích xe trong nước

Lý giải về đề xuất tăng thuế nhiều dòng xe, Bộ Tài chính cho biết hiện các doanh nghiệp trong nước đã đầu tư dây chuyền để sản xuất, lắp ráp xe tải hạng trung, hạng nặng và xe chuyên dùng, công suất gấp ba lần nhu cầu thị trường, đạt 45.000 xe các loại. Hơn nữa thuế suất các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia đối với các mặt hàng xe tải đang rất cao 40% đến 60%.

Mặt khác, Việt Nam cũng đã sản xuất được các loại xe bảo ôn đông lạnh, xe xitec nước, xe thu gom phế thải có bộ phận nén phế thải, xe bồn nhiên liệu lưu động. “Do đó việc điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng xe tải để khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm” - Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Nhiều ý kiến cho rằng việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế suất thuế nhập khẩu sẽ khiến giá nhiều dòng xe nhất là xe tải, loại xe Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc tăng, khó cạnh tranh với các xe tải sản xuất, lắp ráp trong nước.

Ông Bùi Xuân Trường, Giám đốc Công ty Ô tô Trường Thành, cho hay trước đây xe tải Trung Quốc từng làm mưa làm gió khi nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam vì giá rẻ hơn các loại xe tải lắp ráp trong nước, thậm chí rẻ bằng nửa giá xe nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc.

Từ năm 2015 đến nay, lượng xe tải Trung Quốc nhập khẩu không còn ồ ạt khi Bộ Tài chính điều chỉnh tăng thuế với nhiều dòng xe tải. Nay với việc đề xuất tiếp tục tăng thuế nhập khẩu thì các loại xe tải, xe chuyên dụng… từ Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục giảm thêm.

Thời cơ cho xe trong nước

Ông Phụng, chủ đại lý kinh doanh xe tải tại quốc lộ 1A, quận 12, TP.HCM, nhận định hiện nay xe tải Trung Quốc vẫn chiếm hơn 50% tổng số lượng xe tải bán ra vì giá thấp hơn xe tải nhập từ các nước khác. Ví dụ, xe tải đầu kéo Trung Quốc Howo (thường được gọi là “hổ vồ”), Dongfeng, Sinotruk, JAC… của Trung Quốc giá hơn 1 tỉ đồng/chiếc. Trong khi xe cùng loại thương hiệu Hàn Quốc, Nhật Bản như Hyundai, Isuzu, Fuso giá cao hơn từ 1,5 đến 1,8 tỉ đồng/chiếc.

“Tăng thuế thêm 5%, tính ra giá xe tải nhập từ Trung Quốc tăng thêm mấy chục triệu đồng mỗi chiếc. Tuy nhiên, nếu tính chung giá xe tải Trung Quốc vẫn thấp hơn xe thương hiệu Nhật, Hàn. Với tâm lý hám rẻ của khách hàng Việt Nam, xe tải nhập từ Trung Quốc vẫn có đất sống” - ông Phụng dự báo.

Trong khi đó, ông Đức Mạnh, Giám đốc một công ty kinh doanh xe tải tại TP.HCM, cho rằng xe tải nhập khẩu từ Trung Quốc có thể giảm nhưng xe tải Trung Quốc sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam sẽ tăng mạnh. Bởi hiện nay, một số tập đoàn xe tải lớn của Trung Quốc lách việc tăng thuế nhập khẩu bằng cách hợp tác đầu tư xây nhà máy sản xuất, lắp ráp loại xe này ngay tại Việt Nam.

Vì vậy, theo đánh giá của ông Mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục bị cạnh tranh rất lớn. Về lâu dài cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp ô tô trong nước có tỉ lệ nội địa hóa cao.

Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cũng cho rằng tăng thuế nhập khẩu là một trong những giải pháp để tăng sức cạnh tranh cho các hãng xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, muốn ngành công nghiệp ô tô trong nước cạnh tranh bền vững thì cần những chính sách hỗ trợ về phát triển công nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất linh kiện, phụ tùng.

Theo ông Đồng, bản thân các doanh nghiệp ô tô trong nước phải xây dựng được chuỗi cung ứng sản xuất, tăng tỉ lệ nội địa hóa. Từ đó giảm nhập linh kiện, phụ tùng, giảm chi phí sản xuất thì xe tải sản xuất, lắp ráp trong nước mới có giá thành cạnh tranh với xe Trung Quốc.

Ý kiến của bạn

Bình luận