Một số khái niệm tạo ra sự mông lung, khó hiểu
Dự thảo Luật Đường bộ và Luật TTATGT Đường bộ đang được lấy ý kiến rộng rãi. Với tư cách Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (Hiệp hội), ông có ý kiến gì về hai dự án luật này?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Trước hết tôi thấy rằng, đến thời điểm này, dự thảo Luật Đường bộ và Luật TTATGT Đường bộ đã cơ bản hoàn chỉnh, thống nhất, nhất là dự thảo Luật Đường bộ do Bộ GTVT soạn thảo. Ban soạn thảo sau nhiều lần tổ chức hội thảo, lấy ý kiến góp ý đã tiếp thu và cơ bản giải quyết được những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, đây là 2 dự thảo luật được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ 2008 (GTĐB) nên không tránh khỏi có những điểm trùng lặp. Thậm chí ngay cả một số khái niệm cũng còn có các cách hiểu hoặc cách tiếp cận không đồng nhất.
Đó cụ thể là những điểm nào? Nếu không thống nhất thì sẽ khó khăn khi áp dụng trên thực tế thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Đơn cử như tại Khoản 4 Điều 3 dự thảo Luật Đường bộ quy định: "Đường giao thông nông thôn gồm: đường huyện, đường xã, đường thôn xóm." Tôi đề nghị xem lại việc xếp đường huyện là đường giao thông nông thôn. Vì trên thực tế, có những tuyến đường huyện đi qua khu vực thị trấn có quy mô lớn; hoặc có tuyến đường huyện nối từ huyện này sang huyện khác… Nếu xếp đó là đường giao thông nông thôn, cùng với tên gọi đó, các chính sách huy động nguồn lực từ nhân dân địa phương để xây dựng, bảo trì sẽ không hợp lý.
Hay tại Khoản 2 Điều 6 có nội dung: "Ưu tiên phát triển giao thông thông minh". Đây là chủ trương đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, trong Chương II: Kết cấu hạ tầng giao thông không thấy có chế định cụ thể về nội dung này. Đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào Luật nội dung quy định về phát triển giao thông thông minh như: vấn đề điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh; kiểm soát tải trọng xe bằng công nghệ cân tự động; hình thành dữ liệu và cơ chế xử phạt nguội.
Cũng có trường hợp "đưa vào" "đưa ra" khỏi luật còn gây băn khoăn. Cụ thể như tại Khoản 6 Điều 55 dự thảo Luật Đường bộ so với Luật GTĐB hiện hành thì loại hình kinh doanh vận tải khách du lịch không còn. Đây là loại hình kinh doanh vận tải đang hoạt động và xu hướng ngày càng tăng, yêu cầu quản lý có nhiều nội dung khác biệt so với các loại hình vận tải khác như điều kiện về người lái xe; nhân viên phục vụ trên xe; xe du lịch phải được vào các điểm du lịch trong khi các phương tiện kinh doanh vận tải theo hình thức khác không được vào… Do đó, đề nghị tiếp tục quy định loại hình kinh doanh vận tải này trong Luật Đường bộ.
Bên cạnh đó, dự thảo lại bổ sung "và loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới" nhưng không nói rõ cơ quan nào có quyền cho phép thí điểm hoặc ban hành các quy định để quản lý. Đề nghị nghiên cứu sửa đổi theo hướng nếu cho phép loại hình kinh doanh mới phải được Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm. Sau thời gian thí điểm có tổng kết, đánh giá nếu phù hợp mới đưa vào Luật.
Không quy định loại hình kinh doanh vận tải khách du lịch nhưng dự thảo Luật Đường bộ lại bổ sung loại hình "ôtô khách thành phố", điều này tác động thế nào đối với công tác quản lý, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Quyền: So với Luật hiện hành, tại Khoản 8 Điều 55 dự thảo đưa thêm loại xe "ôtô khách thành phố". Theo tôi, điều này là không cần thiết. Bởi theo dự thảo, quy định ôtô khách thành phố nhưng lại hoạt động ở cả các tuyến trên địa bàn 2 - 3 tỉnh (điểm b Khoản 8) tạo ra sự mông lung, khó hiểu trong văn bản quy phạm pháp luật.
Do đó, đề nghị sửa theo hướng: phân định xe buýt theo tiêu chí chung mà các nước đã áp dụng: xe buýt là xe bố trí có chỗ đứng, ngồi cho hành khách; khi hoạt động vận chuyển khách không bị giới hạn số người được chở trên xe; nhưng tốc độ xe chạy bị hạn chế để đảm bảo an toàn cho hành khách. Còn các loại xe không đủ tiêu chí thì là xe vận tải khách thông thường.
Hiện nay, có nhiều tuyến xe buýt nội tỉnh và các tỉnh kế cận chỉ bố trí chỗ ngồi cho hành khách; giá cước do doanh nghiệp quyết định; tốc độ xe chạy bình thường như các loại xe khác thì không đủ tiêu chí gọi là xe buýt.
Cần nghiên cứu, đánh giá trước khi quy định thời gian lái xe liên tục
Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Đường bộ so với Luật GTĐB 2008 là trong khoảng thời gian từ 22h00 ngày hôm trước đến 6h00 ngày hôm sau, thời gian lái xe liên tục không quá 3 giờ (thay vì 4 giờ). Ngoài ra, trong một ngày không lái xe quá 8 giờ (thay vì 10 giờ/ngày). Theo ông, điều này có hợp lý?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Thời gian làm việc của người lái xe ôtô hiện được quy định tại Điều 65 Luật GTĐB 2008, với cả người lái xe kinh doanh vận tải và không kinh doanh vận tải. Quy định này là hợp lý vì nguy cơ xảy ra tai nạn khi lái xe quá thời gian quy định gây mệt mỏi, buồn ngủ, thiếu tập trung khi lái xe là như nhau đối với lái xe kinh doanh và không kinh doanh.
Tuy nhiên, tại khoản 2 dự thảo Luật Đường bộ đưa ra quy định: "Thời gian lái xe liên tục không quá 4 giờ; trong khoảng thời gian từ 22h00 ngày hôm trước đến 6h00 ngày hôm sau, thời gian lái xe liên tục không quá 3 giờ. Trong một ngày lái xe không lái xe quá 8 giờ". Theo tôi, việc này cần có nghiên cứu, đánh giá tác động và lấy ý kiến rộng rãi.
Ở góc độ của người làm vận tải, khoảng thời gian từ 22h00 đến 6h00 ngày hôm sau là khoảng thời gian xe tải hoạt động nhiều. Lý do là khung giờ này đường vắng, giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm độ hao mòn lốp… Nếu chỉ cho phép lái xe liên tục không quá 3 giờ e rằng sẽ có một lượng xe đáng kể thường chạy vào khung giờ 22h00 - 6h00 chuyển sang chạy vào khung giờ từ 6h00 - 22h00, trong đó có nhiều khung giờ cao điểm sẽ gia tăng áp lực ùn tắc giao thông và tăng thêm nguy cơ TNGT.
Trong khi đó, đứng ở góc độ thực hiện Luật Lao động: theo đặc thù của công việc, thực tế nhiều ngành nghề phải bố trí số giờ làm việc trong ngày nhiều hơn 8 giờ và bố trí cho người lao động nghỉ bù vào thời gian sau đó. Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định lái xe không được lái xe quá 10 giờ trong một ngày là phù hợp. Quy định này đã đi vào cuộc sống và về phía Hiệp hội cũng không nhận được khiếu nại, kiến nghị về yêu cầu phải giảm giờ lái xe trong ngày của các doanh nghiệp và người lái xe.
Ngoài ra, xét ở góc độ hiệu quả xã hội, nếu điều chỉnh quy định thời gian lái xe kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ như dự thảo sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp vì sẽ có một tỷ lệ đáng kể số chuyến xe nếu theo quy định hiện hành chỉ cần bố trí 1 lái xe thì theo quy định mới phải bố trí 2 lái, nhất là trong bối cảnh hiện nay, việc tuyển dụng lái xe đường dài rất khó khăn (theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. Hồ Chí Minh, lái xe đầu kéo kéo sơ-mi-rơ-moóc đang thiếu 10 - 20%).
Theo tôi, với những quy định mới về thời gian lái xe liên tục, khi chưa có nghiên cứu thí điểm cụ thể thì chưa nên đưa vào Luật. Nếu xét thấy cần thiết thì nên quy định theo hướng giao cho Chính phủ quy định cụ thể.
Tôi cũng vừa ký văn bản gửi Bộ GTVT góp ý vào dự thảo Luật Đường bộ và Luật TTATGT Đường bộ trong đó đề xuất sửa Điểm a Khoản 1 Điều 58 dự thảo là: "Đón, trả hành khách đúng nơi quy định". Tương tự là sửa Khoản 1 Điều 59 dự thảo là: "Vận tải khách công cộng bằng xe ôtô là hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt"; Điều 68 quy định về vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng; Điều 76: Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe bốn bánh có gắn động cơ và hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ; Điều 87 Dịch vụ cứu hộ giao thông đường bộ; Điều 91: Nội dung quản lý nhà nước về giao thông đường bộ...
Không nên quy định "cứng" tuổi tối đa của người lái xe trên 30 chỗ ngồi
Thế còn đối với dự thảo Luật TTATGT Đường bộ, dù cũng tách ra từ Luật GTĐB 2008 nhưng có quy định nào khác hoặc chưa được kế thừa so với Luật gốc? Vì sao Hiệp hội đề nghị bỏ quy định hạn chế tuổi của người hành nghề lái xe từ 30 chỗ ngồi trở lên?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Tại điểm e Điều 40 dự thảo Luật TTATGT Đường bộ quy định: "tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam". Luật GTĐB hiện hành cũng đang quy định như này. Tuy nhiên, Hiệp hội đề nghị sửa lại theo hướng bỏ quy định hạn chế tuổi của người hành nghề lái xe từ 30 chỗ ngồi trở lên. Lý do là bởi quy định này (khống chế số tuổi) chỉ phù hợp với thời gian 10 - 20 năm về trước mà không phù hợp với điều kiện sức khỏe của người Việt Nam hiện nay đã được nâng lên so với trước.
Mặt khác, hiện nay xe ô tô đã áp dụng nhiều công nghệ mới, điều kiện làm việc của người lái xe cũng đỡ nặng nhọc hơn nhiều so với trước đây. Các doanh nghiệp vận tải có nhiều phản ánh về tình trạng người lái xe còn sức khỏe nhưng do hạn chế về độ tuổi của pháp luật nên không được đổi GPLX để lái hạng xe từ 30 chỗ trở lên nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu, đi xin việc khác thì tuổi đã trên 50 - 55 tuổi nên rất khó xin việc. Trong khi doanh nghiệp cần lái xe thì tuyển dụng mới cũng rất khó khăn.
Tìm hiểu kinh nghiệm một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ quy định đối với người lái xe trên 60 tuổi thì chu kỳ khám sức khỏe phải rút ngắn lại. Nếu đủ điều kiện sức khỏe thì vẫn được đổi GPLX và tiếp tục hành nghề lái xe, kể cả lái xe khách trên 30 chỗ ngồi.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.