Ôtô Việt sẽ phải cạnh tranh với xe nhập khẩu từ Lào, Campuchia

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 14/10/2019 06:04

Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam sẽ vấp phải sự cạnh tranh của ôtô nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á, Bộ Công Thương nhận định.

vinfast_zing_1
Bên trong tổ hợp nhà máy sản xuất ôtô, xe máy điện VinFast tại Hải Phòng

Theo báo cáo về phát triển ngành công nghiệp ôtô mới được Bộ Công Thương gửi Quốc hội, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam phát triển khá nhanh trong vòng 2 năm qua. Với tốc độ tăng trưởng thị trường xe dưới 9 chỗ trung bình 20-30%/năm, dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ vượt Philippines cả về sản xuất lẫn bán hàng.

Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết sản lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2017 là 258.733 chiếc, năm 2018 là 258.116 và 6 tháng đầu năm là 131.089 chiếc.

Hiện trong nước có khoảng 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 680.000 xe/năm. Có nhiều hãng lớn có hoạt động sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ôtô, phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ôtô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển hay hệ thống truyền động.

Bộ Công Thương cho rằng quy mô thị trường ôtô Việt Nam còn quá nhỏ, trong khi lượng doanh nghiệp sản xuất lắp ráp lại quá lớn là nguyên nhân chính khiến công nghiệp ôtô chưa phát triển như kỳ vọng.

Về nhập khẩu ôtô, tính đến hết tháng 6, Việt Nam nhập 75.438 chiếc, trị giá 1,68 tỷ USD, tăng 513% về số lượng và tăng hơn 413% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Dự báo nhập siêu ôtô năm 2019 sẽ đạt kỷ lục 3,4 tỷ USD.

Bộ Công Thương nhận định ngành công nghiệp ôtô trong nước sẽ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ ôtô nhập khẩu của Thái Lan hay Indonesia. Hai quốc gia Đông Nam Á này là điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất ôtô hàng đầu, từ đó cơ hội thu hút các hãng đầu tư sản xuất vào Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Trong vòng 7-10 năm tới, Việt Nam sẽ chịu sức ép của các sản phẩm ôtô nhập khẩu từ các nước thành viên CPTPP và EVFTA.

Không chỉ các quốc gia đi trước, Việt Nam còn phải đối mặt sự cạnh tranh từ sự phát triển của các nước đi sau trong khu vực là Myanmar, Lào và Campuchia. Điều này thể hiện qua dữ liệu nhập khẩu xe từ các nước ASEAN tăng lên nhanh chóng khi hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) có hiệu lực, thuế nhập khẩu về 0%.

Bộ Công Thương khẳng định cần phát triển công nghiệp ôtô gắn với mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa. Các đơn vị liên quan cần nghiên cứu sửa đổi mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước, với thời hạn của chính sách là từ 5-10 năm.

Ngoài ra, cần sửa đổi các chính sách về thuế, chú trọng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi, hỗ trợ khác của Chính phủ để thu hút các dự án đầu tư sản xuất ôtô điện (bao gồm cả chính sách cho người mua). Ban hành chính sách ký quỹ xử lý sản phẩm ôtô thải bỏ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng ngành công nghiệp ôtô trong nước.

Ý kiến của bạn

Bình luận