Xe khách chạy xuyên tâm gây ùn tắc nghiêm trọng trên đường Phạm Hùng. Ảnh: Internet |
Dư luận hoang mang
Tháng 5/2015, sau khi báo chí phản ánh về việc mặc dù UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo điều chuyển, sắp xếp lại luồng tuyến xe khách nhưng Sở GTVT vẫn phớt lờ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nôi Nguyễn Đức Chung đã có công văn chỉ đạo Sở GTVT khẩn trương kiểm tra thông tin báo nêu; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khắc phục tình trạng trên.
Sau đó, Sở GTVT đã tổ chức họp các doanh nghiệp vận tải, bến xe để công bố kế hoạch điều chuyển một số tuyến xe từ BX Mỹ Đình về các BX khác của Hà Nội. Ngày 5/2015, Sở GTVT Hà Nội cũng gửi kế hoạch trên lên Bộ GTVT để xin… chấp thuận điều chỉnh quy hoạch.
Văn bản gửi Bộ do chính tay ông Linh ký |
Theo nhiều chuyên gia vận tải, với việc “đá bóng” sang Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội dường như đang né tránh nhiệm vụ được thành phố giao. Điều này có thêm cơ sở để khẳng định khi ngày 13/6/2016, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội phát biểu trên báo Người đưa tin rằng: Nên giữ ổn định BX Mỹ Đình đến năm 2020.
Theo ông Linh, năm 2011 – 2013, Sở từng có kế hoạch điều chuyển luồng tuyến nhưng không thực hiện được do người dân phản đối, cơ quan các tỉnh cũng phản đối. Nếu bây giờ thực hiện kế hoạch này phải lấy ý kiến người dân, phải xem ý dân thế nào, làm gì cũng là vì dân.
Ông Linh đang cố tình chống đối?
Trao đổi với báo chí, nhiều doanh nghiệp đã đặt ra câu hỏi trên. Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô-tô Hà Nội khẳng định việc điều chuyển, sắp xếp lại các tuyến vận tải xe khách ở Hà Nội theo đúng quy hoạch là việc làm hết sức cần thiết, vì lợi ích chung của Thủ đô, cần phải làm quyết liệt, tránh nửa vời. Việc này cũng có đủ cơ sở pháp lý.
Từ hơn 10 năm trước, nhận thấy để Hà Nội không ùn tắc, thành phố đã có các bản quy hoạch sắp xếp lại các bến xe, đưa những bến xe ở nội đô, có lưu lượng lớn ra khu vực các cửa ngõ thủ đô. Bản quy hoạch “Đông – Tây – Nam – Bắc” đã định hình rõ bến ở cửa ngõ nào thì nhận xe ở các tỉnh, thành nào đến sao cho hình thành một dòng chảy giao thông khoa học, thuận chiều, không chồng chéo, xung đột lẫn nhau gây thêm ùn tắc nội đô. Theo đó, đương nhiên các xe từ tuyến Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa…sẽ được đưa về hai bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm. Tuy nhiên, trên thực tế quy hoạch này đã bị phá vỡ khi Sở GTVT Hà Nội tiếp tục cho thêm hàng trăm đến hàng nghìn đầu xe từ các tỉnh nêu trên tràn về bến Mỹ Đình.
Tình hình căng thẳng đến mức cách đây 3-4 năm, báo chí từng phản ánh “Bến Xe Mỹ Đình…vỡ trận”, khi lượng xe tràn về cao gấp 2-3 lần thiết kế. Bến xe này như một cái ung nhọt làm trầm kha thêm căn bệnh ùn tắc giao thông ở thủ đô bởi chính nó tạo ra một hiện thực vô cùng phản khoa học là mỗi ngày có thêm hàng nghìn lượt xe khách, ứng với hàng vạn hành khách đi “xuyên tâm” thành phố. Không chỉ xuyên tâm mà còn đi theo kiểu xe rùa bò, lạng lách, bắt khách lòng vòng, nảy sinh thêm bến cóc…
Trước tình hình này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi đó là Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã phải vi hành, xuống thực địa nhiều ngày sau đó chỉ đạo quyết liệt.
Ngày 11/7/2013, tại Thông báo số 211/TBUBND, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo rất cụ thể: BX Mỹ Đình đã trở lên quá tải, gây ra tình trạng mất trật tư bên trong và khu vực xung quanh bến xe, gây khó khăn cho hoạt động của các phương tiện, hành khách đi lại, công tác quản lý và trật tự an toàn, an ninh… Giải pháp thực hiện: Tổ chức sắp xếp khoa học, hợp lý các tuyến: Các tuyến theo hướng QL1, QL1B đi vào bến xe Gia Lâm; Các tuyến theo hướng Hồ Chí Minh, QL6 vào bến xe Yên Nghĩa;Các tuyến theo hướng QL32 vào BX Mỹ Đình; Các tuyến phía Nam đi theo hướng QL1, đường Phấp Vân – Cầu Giẽ (từ Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ an, Hà Tĩnh) đi vào bến xe Giáp Bát và BX Nước Ngầm…
Văn bản chỉ đạo của UBND TP Hà Nội |
Tại văn bản số 10187/UBND-XDGT ngày 27/12/2014, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng lại chỉ đạo tiếp: “Giao Sở GTVT, căn cứ khả năng đáp ứng của BX Nước Ngầm, xem xét điều chuyển một số tuyến vận tải khách tại các bến xe có lưu lượng lớn, quá tải như: Giáp Bát, Mỹ Đình… và các tuyến vận tải khách mói tăng thêm về bến xe Nước Ngầm theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố tại Thông báo số 211/TB-UBND ngày 11/7/2013”.
Tuy nhiên, tất cả những chỉ đạo trên liên tiếp bị rơi vào quên lãng, không được triển khai thực hiện. Đến năm 2015, trước tình trạng ùn tắc nghiêm trọng do xe khách chạy trong nội đô gây ra, ngày 8/12/2015, Công an TP. Hà Nội đã có công văn số 6097/CAHN-PV11 kiến nghị thành phố điều chuyển một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh theo đúng hướng tuyến. Nhận đươc công văn này, Văn phòng UBND TP. Hà Nội có công văn số 8848/VP-XDGT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng nêu rõ: Thống nhất với kiến nghị của Công an thành phố Hà Nội; giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố và các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan triển khai thực hiện.
Nội dung các công văn đã rất rõ ràng, song với tình hình "trên bảo dưới không nghe" như hiện tại, không biết bao giờ chủ trương lớn của Hà Nội bao giờ mới hoàn thành.
Bộ GTVT: Sở đã có kế hoạch, UBND TP. Hà Nội cần chính thức phê duyệt Ngày 15/6/2016, Bộ GTVT có công văn hỏa tốc số 6137/BGTVT-VT về việc “Điều chỉnh quy hoạch một số tuyến từ Bến xe Mỹ Đình về Bến xe Nước Ngầm theo đề xuất của Sở GTVT Hà Nội”. Theo đó, Bộ GTVT đồng thuận với đề xuất của Sở GTVT Hà Nội về việc điều chuyển từ BX Mỹ Đình về BX Nước Ngầm một số tuyến vận tải hành khách cố định từ TP. Hà Nội đi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đắc – Lắc. Công văn này cũng nêu rõ: Theo Điều 37 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi tỉnh. Do Sở GTVT Hà Nội đã có kế hoạch điều chuyển một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh nên UBND TP. Hà Nội cần có văn bản chính thức phê duyệt. Trước đó, từ năm 2013 đến nay, Hà Nội đã có kế hoạch điều chuyển các luồng tuyền vận tải hành khách liên tỉnh theo đúng quy hoạch nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.