PGS.TSKH. Phạm Đức Chính (Viện Cơ học) đang trao đổi với phóng viên |
Được biết ông đã dành trọn cả cuộc đời cho niềm đam mê nghiên cứu khoa học, ngay cả khi được đề bạt làm trưởng phòng ông cũng đã từ chối?
PGS.TSKH. Phạm Đức Chính: Tôi đã từng từ chối chức vụ vì tôi muốn dành trọn thời gian cho nghiên cứu khoa học. Trước đây, người ta bảo tôi làm trưởng phòng, tôi cũng không làm. Mãi đến khi quy trình xét duyệt và cấp kinh phí cho các công trình nghiên cứu cơ bản của Bộ Khoa học và Công nghệ theo chuẩn quốc tế được thông qua thì tôi mới tập hợp anh em trong và ngoài Viện, lập ra những đề tài nghiêm túc, lập ra một phòng chuyên môn để tất cả cùng làm và chỉ trở thành trưởng phòng trong 5 năm cuối (hiện tôi đã đủ tuổi nghỉ quản lý, nhường lại vị trí Trưởng phòng cho 1 học trò, nhưng tiếp tục đảm đương vị trí Chủ tịch HĐKH Viện Cơ). Trong thời gian gần đây, nhờ có Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, tôi đã lôi kéo được nhiều bạn trẻ tham gia nghiên cứu cùng tôi. Quỹ đã góp phần khuyến khích cả những người trước khi bỏ rơi nghiên cứu giờ quay trở lại nghiên cứu khoa học. Nhờ có Quỹ mà chúng ta đã thu hút được nhiều bạn trẻ ở nước ngoài về nước tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học thậm chí một số người lớn tuổi hơn cũng trở lại nghiên cứu khoa học và thành công trong công bố quốc tế.
Ở những thời kỳ làm khoa học đầu tiên, viết những bài báo quốc tế đầu tiên, chắc ông phải đối diện với nhiều khó khăn?
PGS.TSKH. Phạm Đức Chính: Tôi học ở Nga và đã công bố được vài bài viết chung cùng thầy mình khi là sinh viên. Khi về Việt Nam thì vấn đề lớn của chúng tôi khi ấy là thiếu thông tin.
Cứ Chủ nhật là tôi đến cơ quan mượn máy chữ của các cô kế toán, tài vụ để viết những bài báo quốc tế. Nhưng chỉ viết bằng chữ thôi, còn các công thức thì lại viết bằng tay, rồi gửi đi bằng đường bưu điện. Tôi dựa vào địa chỉ in trên các tạp chí cũ để gửi.
Bài đầu tiên tôi gửi tới một tạp chí đầu bảng rất khó đăng của Anh và mấy tháng sau nhận được hồi đáp với nội dung là: bài báo đã đến nơi nhưng tạp chí đã chuyển đi nơi khác.
Tuy nhiên, người ta rất tử tế khi lại chuyển giúp tôi tới địa chỉ mới của tạp chí. Tôi gửi 5 bài đầu đều bị từ chối hết và họ có gửi phản hồi rằng: một là bài viết đánh máy trên giấy than quá mờ, chữ khó đọc; hai là tiếng Anh thì kém và ba là tác giả thiếu thông tin những kết quả mới nhất trong lĩnh vực của mình. Tuy nhiên, họ lại đánh giá tôi có những ý tưởng khác lạ. Sau đó, có người gửi cho tôi nhiều bài báo mới giúp tôi cập nhật thông tin trong lĩnh vực.
Xin ông cho biết ý nghĩa của công trình được xét đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019?
PGS.TSKH. Phạm Đức Chính: Lý thuyết dẻo tái bền động học giới hạn đã được xây dựng hoàn chỉnh, với 4 giả thiết xuất phát cơ bản: Giả thiết hao tán dẻo tối đa; Giả thiết tái bền ổn định mạnh; Giả thiết hysteresis dương; Giả thiết Bauschinger đa chiều. Các giả thiết này bao hàm rộng các quy luật dẻo tái bền phi tuyến của các vật liệu thực, vốn phụ thuộc vật liệu cụ thể, nói chung là không xác định duy nhất và thường phụ thuộc phức tạp vào đường đặt tải.
Với các giả thiết nêu trên, các định lý thích nghi động và tĩnh đã được xây dựng và chứng minh, cho phép xác định vùng biên cho các ngoại lực, mà với bất kỳ lịch sử đặt tải nào nằm trong phạm vi đó – kết cấu sẽ an toàn (thích nghi); ngược lại khi vùng biên tải trọng bị vi phạm một hay nhiều lần – kết cấu sẽ mất khả năng chịu lực (hỏng dẻo) do hỏng dẻo tức thời, biến dạng dẻo tăng dần, hay biến dạng dẻo lặp lại (mỏi). Các định lý cũng cho phép xác định dạng hỏng dẻo cụ thể khi kết cấu mất khả năng chịu lực.
Các định lý thích nghi dẫn tới các bài toán tối ưu quy hoạch phi tuyến đặc thù, mở ra cánh cửa cho phát triển các phương pháp số thích hợp để giải quyết các vấn đề ứng dụng ứng với các lớp kết cấu-vật liệu chịu lực cụ thể.
Công trình cũng đã lý giải và xử lý được cội nguồn của một số mâu thuẫn xẩy ra khi các đồng nghiệp trong lĩnh vực áp dụng tính toán thích nghi-hỏng dẻo cho vật thể đàn dẻo tái bền trong một số bài toán cụ thể - được nêu ra.
Xin ông cho biết những đóng góp của công trình tham gia xét tặng giải thưởng?
PGS.TSKH. Phạm Đức Chính: “Thích nghi và hỏng dẻo kết cấu chịu lực” là một trong 2 hướng nghiên cứu chính của tôi, đóng góp hơn ¼ trong tổng số hơn 100 công bố ISI.
Trong số 4 giả thiết cơ bản nêu trên, thì “Giả thiết hao tán dẻo tối đa” gắn liền với các tên tuổi lớn của Ngành Cơ học thế kỷ 20 như Hill, Drucker, và Prager; “Giả thiết hysteresis dương” được tác giả xây dựng trong một bài báo đăng năm 2007. Các “Giả thiết tái bền ổn định mạnh” và “Giả thiết Bauschinger đa chiều” lần đầu tiên được xây dựng trong công trình được đề cử nói trên.
Là chuyên gia hướng nghiên cứu “Thích nghi và hỏng dẻo kết cấu chịu lực”, tôi đã được mời viết các Chương-bài về lĩnh vực cho 2 quyển sách “Bách khoa thư về mài mòn, ma sát, và bôi trơn” (Springer-New York, 2013), và “Bách khoa thư về Cơ học môi trường liên tục” (Springer-Berlin, Heidelberg, sẽ được xuất bản thời gian tới - riêng Chương-bài của tôi đã được duyệt và lên online).
Tôi cũng hi vọng giải thưởng được chấp nhận thì nó cũng khuyến khích tôi và các đồng nghiệp trong ngành cơ học. Vì giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng liên ngành, so sánh giữa các ngành rất khó. Làm sao để có thể so sánh giữa ngành này với ngành khác, giải thưởng Nobel cũng vậy, mỗi ngành có một đặc thù riêng. Tôi rất mong muốn làm sao giải thưởng khuyến khích được mọi ngành nghiên cứu hướng tới trình độ cao quốc tế.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.