Đến thời điểm hiện tại, sau hơn 1 năm thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. HCM, tiến độ triển khai dự án cơ bản đang được các chủ đầu tư tập trung bám sát theo các mốc yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, phấn đấu đảm bảo hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.
Tuyến đường Vành đai 3 TP. HCM dài 76 km với tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng, là công trình giao thông lớn nhất phía Nam được khởi công vào tháng 6/2023.
Theo yêu cầu, dự án phải triển khai theo các mốc thời gian, tiến độ hoàn thành đúng kế hoạch đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua. Cụ thể, phấn đấu thông xe tuyến chính cao tốc khu vực TP. Thủ Đức ngày 30/1/2026, khu vực còn lại gồm các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi vào ngày 30/4/2026.
Hiện nay, dự án đã triển khai thi công toàn bộ 10 gói thầu xây lắp chính, sản lượng thực hiện đạt khoảng 19% khối lượng (trong đó 4 gói thầu khởi công năm 2023 đạt hơn 27% khối lượng, đối với 6 gói thầu khởi công năm 2024 đạt hơn 13% khối lượng).
Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM (chủ đầu tư) có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị thi công tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị, bổ sung các mũi thi công chủ động triển khai công việc với tinh thần làm việc xuyên ngày nghỉ, lễ, tết..., phấn đấu thông xe toàn tuyến vào ngày 30/4/2026.
Về nguồn vật liệu cát đắp nền đường, hiện nay dự án đường Vành đai 3 cần khoảng 9,2 triệu m3 . Đây là con số rất lớn, tuy nhiên việc cung ứng nguồn vật liệu này gặp nhiều khó khăn do cùng thời điểm trên phạm vi cả nước, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long triển khai đồng loạt nhiều dự án cao tốc.
Vừa qua, được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của các tỉnh trong vùng (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long), những khó khăn, vướng mắc về vật liệu đã được tháo gỡ một phần.
Để giải quyết khó khăn, các địa phương cam kết cung cấp cho dự án tổng khối lượng khoảng 10 triệu m3 (13 mỏ), trong đó: Tiền Giang (7 mỏ với khối lượng 6,6 triệu m3); Vĩnh Long (3 mỏ với khối lượng 1,4 triệu m3); Bến Tre (3 mỏ với khối lượng 2 triệu m3).
Hiện nay, 2/13 mỏ ở tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang đã được cấp phép và khai thác cung cấp cát cho dự án, cuối năm 2024 sẽ hoàn thành cấp phép 11/13 mỏ còn lại.
Ông Bùi Xuân Cường cho biết, TP. HCM mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các địa phương để sớm hoàn thành thủ tục cấp phép, khai thác các mỏ còn lại cung cấp vật liệu cát đắp cho đường Vành đai 3, đảm bảo tiến độ dự án.
Về phía Thành phố, thời gian tới, khi vấn đề khó khăn nhất về nguồn vật liệu cát đắp nền đường được tháo gỡ, chủ đầu tư sẽ tập trung chỉ đạo nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị tăng tốc thi công. Trong thời gian chờ cát phải triển khai các hạng mục cầu, thường xuyên rà soát, điều chỉnh tổ chức thi công trên công trường khoa học để bù lại tiến độ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.